PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Cơ quan báo chí văn hóa góp phần lan tỏa giá trị chân - thiện - mỹ

Sau gần một năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” do Hội Nhà báo Việt Nam phát động, nhiều cơ quan báo chí đã có chuyển biến rõ nét, khẳng định vai trò quan trọng trong việc bồi đắp và lan tỏa những giá trị chân - thiện - mỹ. Về vấn đề này, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự chủ động, linh hoạt cho cơ quan báo chí Bài 3: Hiểu bản sắc riêng của lễ hội để lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới Đề cương Văn hóa Việt Nam soi đường cho sự phát triển đất nước

Nhiều chuyển biến tích cực

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vấn đề xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí ở Việt Nam hiện nay?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Có thể nói, thế giới phẳng đã mang đến sự đa dạng thông tin chưa từng có so với trước đây. Internet và mạng xã hội cho phép mọi người có thể tạo ra, chia sẻ và tiếp cận tin tức một cách tự do. Điều này cũng khiến những ý kiến và quan điểm đa chiều “có đất” thể hiện. Với tốc độ lan truyền chóng mặt, thông tin có thể đến với độc giả một cách rộng rãi và nhanh nhất. Tuy nhiên, mặt trái là sẽ có sự hỗn loạn, tin tức sai lệch, giả mạo, nảy sinh các quan điểm cực đoan khiến độc giả lạc hướng.

Thứ hai là sự thiếu sự kiểm soát và khả năng đánh giá. Với sự phát triển của Internet, việc xác thực thông tin trở nên khó khăn hơn. Mọi người có thể tự do tạo ra nội dung và lan truyền nó mà không cần sự kiểm duyệt từ bên thứ ba, dẫn đến tin tức không trung thực và thiếu khách quan. Ngoài ra, quảng cáo và tiền bạc cũng có thể ảnh hưởng đến nội dung và cách đưa tin của các phương tiện truyền thông.

Môi trường văn hóa có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhân cách, đạo đức, định hướng hành vi của con người. Một cơ quan báo chí coi trọng xây dựng môi trường văn hóa trước tiên sẽ tạo ra các tác phẩm giàu tính nhân văn, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Điều này còn thúc đẩy sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thiết thực và ý nghĩa để từng cá nhân trong các tòa soạn làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Cơ quan báo chí văn hóa góp phần lan tỏa giá trị chân - thiện - mỹ
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PV: Thưa ông, xây dựng môi trường văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ta rất quan tâm và nhấn mạnh trong Nghị quyết số 33-NQ/TW. Điều này từng đặt ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Năm 2022, Hội Nhà báo Việt Nam cũng phát động phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Từ đó tới nay, ông có thấy sự chuyển biến nào ở đội ngũ những người làm báo?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi đã thấy những chuyển biến rõ rệt ở cơ quan báo chí trong việc xây dựng văn hóa báo chí cách mạng nói riêng, phát triển văn hóa nước nhà nói chung. Việc Hội Nhà báo Việt Nam triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” thực sự đã lan tỏa thông điệp mạnh mẽ, thể hiện trách nhiệm của người làm báo đối với lĩnh vực quan trọng này.

Từ sự khuyến khích tập trung lan tỏa giá trị chân - thiện - mỹ, nhiều bài báo, phóng sự về các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã truyền cảm hứng cho toàn xã hội về những giá trị đạo đức, phẩm chất cao đẹp của con người trong cuộc sống, giúp Nhân dân cảm nhận, thấm nhuần hơn bản sắc văn hóa của đất nước. Điều này được chứng minh, vừa qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, những phóng sự, bài báo thực sự cảm động đã chạm tới trái tim của mọi người. Từ đó, mọi người, mọi tầng lớp Nhân dân từ khắp nơi ở trong và ngoài nước cùng hành động, chia sẻ, đoàn kết, để cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Điều đó chứng tỏ sức mạnh của báo chí trong việc bồi đắp, lan tỏa những giá trị vô cùng nhân văn.

Tôi cho rằng, trong một thế giới phẳng hiện nay, báo chí có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Việc xuất bản các tài liệu, sách báo, tạp chí và phát sóng trên các phương tiện truyền thông nhằm phổ biến các giá trị tốt đẹp, quảng bá di sản văn hóa, bảo tồn bản sắc, phong tục truyền thống của dân tộc, sẽ tạo nên sự tự tin, hun đúc lòng tự hào cho mỗi người dân; Từ đó, giúp đất nước hội nhập tốt hơn trong quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, hình thành nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc từ những thông tin tích cực của báo chí.

PV: Nhìn từ thực tế hiện nay, ông thấy việc thực hiện chuẩn mực và trách nhiệm của người làm báo trong thời đại số, đặc biệt là vấn đề sử dụng mạng xã hội ra sao?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trong 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Điều 5 quy định về chuẩn mực và trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông.

Nói về vấn đề này, phải thừa nhận, vẫn còn tình trạng một số nhà báo lợi dụng sức ảnh hưởng và ngòi bút của mình để định hướng dư luận. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn là thực trạng tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực truyền thông vì nó ảnh hưởng đến tính khách quan và độ tin cậy của thông tin.

Việc lợi dụng sức ảnh hưởng và ngòi bút để định hướng dư luận vì mục đích cá nhân là vi phạm nguyên tắc của nghề báo và vi phạm pháp luật. Điều này không chỉ gây tổn hại đến uy tín của người làm báo mà còn làm mất niềm tin của công chúng vào giới báo chí.

Tôi cho rằng, một nhà báo chuyên nghiệp, bản lĩnh và có đạo đức nên hướng đến sự khách quan và trung thực trong việc truyền thông. Mặt khác, các quy định pháp luật cần được thực thi một cách nghiêm minh để đảm bảo tính trung thực và khách quan của thông tin.

Tận dụng công nghệ để lan tỏa văn hóa báo chí

PV: Theo ông, các nhà báo nên hành động như thế nào thì phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” mới hiệu quả và sâu rộng?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Thực tế cho thấy, báo chí đang ở trong một giai đoạn đặc biệt, đó là một “thế giới phẳng”, “không khoảng cách”. Nếu tận dụng được thời cơ, thuận lợi, vượt qua được thách thức, khó khăn thì chúng ta sẽ có những bước phát triển đột phá cho các cơ quan báo chí nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung.

Cơ quan báo chí văn hóa góp phần lan tỏa giá trị chân - thiện - mỹ
PGS.TS Bùi Hoài Sơn trả lời phỏng vấn báo chí

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn ở thời đại số, cơ quan báo chí nên tận dụng công nghệ để triển khai phong trào xây dựng môi trường văn hóa hiệu quả. Chúng ta nên bắt đầu bằng 4 nguyên tắc:

Thứ nhất: Sáng tạo nội dung. Nhà báo cần có nhiều ý tưởng sáng tạo để nội dung hấp dẫn và phù hợp với đối tượng độc giả; Cập nhật và thích nghi với xu hướng công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh.

Thứ hai: Đáp ứng nhanh chóng. Cơ quan báo chí cần tận dụng khả năng tương tác, giao tiếp và phản hồi nhanh chóng của công nghệ để đáp ứng yêu cầu và phản hồi của độc giả; Tạo ra môi trường giao tiếp hiệu quả giữa người làm báo và công chúng.

Thứ ba: Tinh thần hợp tác. Đó là sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cá nhân trong tòa soạn, giữa các tòa soạn với nhau; Xây dựng một môi trường mở, nơi mọi người cùng nhau học hỏi và phát triển.

Thứ tư: Tạo lòng tin. Đó là, cơ quan báo chí hãy xây dựng niềm tin và tín nhiệm với độc giả bằng cách đưa ra thông tin chính xác, đáng tin cậy và đáng quan tâm.

Tôi thấy, trong thời đại số, báo chí đang có gặp một số khó khăn. Một trong những thách thức là họ phải sử dụng công nghệ mới để tuyên truyền. Điều này có thể tạo ra áp lực cho nhà báo trong việc thích ứng để số hóa từ công cụ, phương tiện và tư duy.

Thứ hai, truyền thông xã hội và công nghệ số đã làm tăng tốc độ lan truyền thông tin khiến các phóng viên, biên tập viên gặp nhiều trở ngại trong việc kiểm soát và đảm bảo tính chính xác của thông tin.

Thứ ba, công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội mới cho truyền thông nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt và áp lực tài chính. Điều này vừa đòi hỏi cơ quan báo chí phải tìm cách tiếp cận và giữ chân độc giả, đồng thời vừa buộc phải duy trì một môi trường văn hóa chất lượng.

Bên cạnh những khó khăn, báo chí trong môi trường số cũng có nhiều thuận lợi, đáng kể nhất là khả năng tiếp cận công chúng rộng hơn. Các tòa soạn có thể sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như trang web, ứng dụng di động và các phương tiện số khác để đưa thông tin đến độc giả một cách nhanh chóng và hiệu quả; Cung cấp khả năng giao tiếp, tương tác và phản hồi nhanh chóng, nhiều chiều, từ đây, tạo ra môi trường thân thiện để độc giả có thể phản hồi, thảo luận. Ngoài ra, điều này cũng cho phép cơ quan báo chí đa dạng hóa các nền tảng phân phối thông tin, dễ dàng tiếp cận mọi đối tượng độc giả từ khắp mọi nơi.

Tôi luôn tin rằng, ở một môi trường báo chí văn hóa, người làm báo ngoài bản lĩnh, sáng tạo thì lối ứng xử chân thành, thân ái, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; Khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; Chuẩn mực, thân thiện với công chúng chính là đang góp phần lan tỏa các giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Phương
Phiên bản di động