Vi phạm bản quyền báo chí: Sự xuống cấp của đạo đức và văn hóa
Đánh mất sự tin cậy
Các hình thức vi phạm bản quyền báo chí có thể bao gồm: Chiếm đoạt bản quyền; Mạo danh bản quyền (ví dụ giả danh VTV hay các trang web giả mạo báo điện tử - có nội dung, giao diện gần như y hệt, chỉ hơi khác tên miền); Phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo, tác phẩm và bản sao của tác phẩm không xin phép; Sửa chữa, cắt xén, làm tác phẩm phái sinh không có sự đồng ý của tác giả; Sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền tác quyền.
Một số trang giả mạo “cố tình” không ghi rõ địa chỉ, không rõ người quản lý cũng như cơ quan chủ quản, không có giấy phép nên rất khó để các cơ quan chức năng truy xét và xử lý vấn đề bản quyền.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Điều đáng buồn, mỗi ngày, một sản phẩm sáng tạo của phóng viên, nhà báo vừa đăng tải lên internet đã bị các trang mạng xã hội, thậm chí các cơ quan báo chí khác lấy lại, "xào nấu" thành của mình.
Nhiều phóng viên ngồi ghế sa-lông nhưng mỗi ngày có thể đưa 10-20 tin bài chỉ bằng việc vô cùng đơn giản là "copy", "paste", dẫn lại nội dung y hệt. Thi thoảng trên mạng xã hội, những tác giả thật sự do quá bức xúc đã công bố nội dung nguồn và nội dung vi phạm lên để bàn dân thiên hạ "bóc phốt" những phóng viên sa-lông.
Lác đác vài vụ, cơ quan báo chí của những phóng viên sa-lông đó đã được réo tên lên diễn đàn với sự thất vọng từ phía độc giả”.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền |
Theo bà Hằng, nhà báo vi phạm bản quyền báo chí thường được coi là vi phạm chuẩn mực đạo đức và các tiêu chuẩn về văn hóa truyền thông vì nó liên quan đến một loạt giá trị quan trọng trong nghề báo và truyền thông.
Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cũng nêu ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng tình trạng vi phạm bản quyền báo chí.
Nguyên nhân trước tiên là do Internet cho phép nội dung báo chí được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng. Điều này làm cho việc kiểm soát sao chép và phân phối nội dung báo chí trở nên khó khăn hơn. Với sự xuất hiện của nhiều công cụ số, việc sao chép và tái sử dụng nội dung báo chí trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến. Điều này tạo ra môi trường dễ bị vi phạm bản quyền.
Thứ hai, trên môi trường số, việc xác định nguồn gốc (sản phẩm gốc, tác giả của sản phẩm gốc) là khó khăn hơn, bởi trên môi trường số, thông tin có thể được chia sẻ nhiều lần và không rõ nguồn gốc, dẫn đến việc xác định tác giả và nguồn gốc của một bài viết trở nên khó khăn.
Thứ ba, thách thức về pháp lý đa quốc gia liên quan đến vấn đề bản quyền và bảo vệ bản quyền nội dung số. Internet là một không gian trực tuyến quốc tế, trong đó vấn đề bản quyền báo chí có thể phát sinh ở nhiều quốc gia khác nhau với quy định pháp lý khác nhau, làm cho việc áp dụng pháp luật trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Sự phát triển quá nhanh của công nghệ đã khiến sự thay đổi các quy phạm pháp luật không theo kịp, dẫn đến còn chưa có hoặc chế tài xử lý vi phạm chưa theo kịp với thực tiễn.
Quan trọng nhất là vẫn còn tình trạng một tỷ lệ không nhỏ người dùng, bao gồm cả các nhà báo và những nhà sáng tạo nội dung còn thiếu hiểu biết về quyền bản quyền và có thể vi phạm bản quyền một cách không chủ ý. Ý thức tự bảo vệ bản quyền, những kiến thức, kỹ năng, chuẩn mực văn hóa và đạo đức của nhà báo và cơ quan báo chí chưa thật sự được quan tâm tương xứng với mức cần thiết của nó.
Trên môi trường số hiện nay, bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện quan trọng để thảo gỡ rào cản cho sự phát triển nội dung số và các vấn đề liên quan như kinh doanh số, là điều kiện quan trọng cho sự thành công của chuyển đổi số báo chí.
Các đại biểu tham dự Hội thảo "Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” |
Đoàn kết tạo nên sức mạnh
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nêu ra một số giải pháp bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số hiện nay. Theo đó, các nhà báo, nhà lãnh đạo, quản lý báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí là các chủ thể mang quyền, cần được trang bị và tự trang bị một cách có hệ thống những hiểu biết về lĩnh vực bản quyền nội dung số; Chí ít là khái niệm, phân loại, cơ sở pháp lý, đạo đức, công cụ số trong thực thi và đáp ứng quyền sở hữu trí tuệ tác phẩm báo chí truyền thông số.
Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí đều phải học hỏi, tìm công cụ số để nhận diện được các kiểu vi phạm bản quyền, học hỏi kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ bản quyền từ các các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số nhằm bảo vệ bản quyền báo chí hiệu quả.
Để đảm bảo rằng các bản quyền nội dung số được bảo vệ hiệu quả, theo bà Hằng, chúng ta cần thiết lập và thực thi quy định pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ. Điều này bao gồm việc xây dựng luật bản quyền và quy định về bản quyền nội dung số; Đồng thời tạo điều kiện để bảo vệ bản quyền trực tuyến và xử lý vi phạm một cách hiệu quả; Cần rõ ràng và có chế tài nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm bản quyền báo chí số; Cần xây dựng Trung tâm Bảo vệ bản quyền báo chí truyền thông số quốc gia, trong đó có sự tham gia quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số.
Nguyên Viện trưởng Viện báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, cơ quan quản lý cần có chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, xây dựng tòa soạn số tích hợp công cụ số có khả năng rà quét phát hiện vi phạm bản quyền trước khi xuất bản, phát sóng tác phẩm báo chí; Nghiên cứu giải pháp sử dụng công nghệ để theo dõi việc sử dụng nội dung trực tuyến và bảo vệ bản quyền; thành lập bộ phận kiểm tra, giám sát và đấu tranh đòi quyền sở hữu trí tuệ khi bị xâm phạm.
Các đơn vị hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số. Bao gồm: Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan báo chí, truyền thông và nền tảng công nghệ nhằm xây dựng nền tảng và công cụ số cho bản vệ bản quyền báo chí; Ưu tiên hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trong nước để xây dựng tòa soạn số, hệ sinh thái số trong đó sản phẩm báo chí truyền thông được sản xuất, đóng gói, dán nhãn bản quyền theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế trước khi xuất bản; Ứng dụng công nghệ trong thực thi và giám sát nhằm bảo vệ bản quyền báo chí. Cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan báo chí và các nền tảng công nghệ như Facebook, Google và YouTube… đấu tranh với họ để đảm bảo rằng bản quyền nội dung được tôn trọng và bồi thường đúng mức.
Mỗi cơ quan báo chí đều phải học hỏi, tìm công cụ số để nhận diện được các kiểu vi phạm bản quyền (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường nghiên cứu, tìm kiếm sáng kiến, tổ chức truyền thông giáo dục về bảo vệ bản quyền nội dung số; Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về bản quyền nội dung số, các phương pháp, công cụ bảo vệ bản quyền số; Khuyến khích các dự án truyền thông giáo dục bản quyền và bảo vệ bản quyền trong giới báo chí, các trường dạy nghề báo, nghề truyền thông và các đối tượng liên quan đến thực trạng này.
Ngoài ra, các nhà báo và người dùng cần được tăng cường giáo dụcđạo đức và văn hóa báo chí từ đó tuân thủ và có ý thức đấu tranh bảo vệ bản quyền báo chí. Các cơ quan báo chí cần có quy định cụ thể về tôn trọng bản quyền, tổ chức quy trình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch; Xác định nguyên tắc tác nghiệp trên tinh thần khách quan, xây dựng, vì lợi ích chung, quản lý, chỉ đạo sát sao hoạt động của phóng viên, biên tập viên; Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”.
"Đoàn kết tạo nên sức mạnh. Ý thức của chủ thể mang quyền sở hữu trí tuệ. Sự đoàn kết và liên kết mạnh mẽ giữa các cơ quan báo chí, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan quản lý báo chí truyền thông, các đối tác, tập đoàn công nghệ vì sự phát triển của một nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại sẽ là dấu hiệu tích cực cho việc đấu tranh chống vi phạm bản quyền hiện đang rất nhức nhối hiện nay". PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam |
Đặc biệt, theo bà Hằng, các cơ quan báo chí cần trang bị cho phóng viên, biên tập viên kiến thức và kỹ năng căn bản về bản quyền nội dung số, phương pháp bảo vệ tác quyền và đấu tranh chống vi phạm bản quyền báo chí của mình và cơ quan mình.
Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Hội sẽ bắt tay hợp tác với những doanh nghiệp có nền tảng công nghệ lớn để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí nhỏ không đủ tiềm lực cơ sở hạ tầng thực hiện chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam cũng xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung thống nhất cho các cơ quan báo chí, từ nay đến cuối năm 2023 sẽ có ít nhất 30 cơ quan báo chí sử dụng hệ thống này.