Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực
Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ 1/8/2020 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU dự kiến thực thi từ tháng 8/2020 Quốc hội chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA |
Theo Bộ Công thương, việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn EVFTA - thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất từ trước tới nay mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển - đã trải qua một hành trình dài với sự nỗ lực không mệt mỏi của nhiều bên.
Nếu tính từ khi Việt Nam và EU nhất trí khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 10/2010 cho tới nay kéo dài gần tròn 10 năm. Đây là quá trình dài, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Ảnh minh họa. |
Việc đưa EVFTA vào thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế - thương mại và thị trường có nhiều biến động khó lường được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược để đẩy mạnh quan hệ thương mại, công nghiệp, kết nối đầu tư đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, hướng tới sự phát triển bền vững Việt Nam – EU trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, EU là thị trường có dung lượng lớn với sự thống nhất trong đa dạng và nhiều dư địa tăng trưởng; đồng thời cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ thay vì đối đầu cạnh tranh.
Việc thâm nhập thành công thị trường EU đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác với cùng lúc 27 quốc gia thành viên, góp phần giải quyết bài toán đầu ra về mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Hiện tại, EU là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần từ mức chỉ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.