Khát vọng doanh nhân

Doanh nhân không chỉ là người xây dựng doanh nghiệp, mà còn là hiện thân của tổ chức, sức mạnh dân tộc. Họ không chỉ có khát vọng làm giàu cho mình mà còn làm giàu cho xã hội, cho đất nước, góp phần xây dựng một Việt Nam phồn thịnh và hùng cường.
Doanh nhân Vĩnh Phúc tự hào - kết nối - vươn xa Khơi dậy khát vọng xây dựng doanh nghiệp dân tộc xứng tầm

Khát vọng làm giàu cho đất nước

Kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể thiếu sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Họ chính là lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, để Việt Nam ngày càng thịnh vượng, hùng cường. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khẳng định mình trong bối cảnh mới.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, hậu quả từ thiên tai để lại rất nặng nề; mâu thuẫn, xung đột leo thang, lạm phát tăng cao trên thế giới đã tạo rất nhiều thách thức đối với doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua.

Tuy nhiên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, cách quản trị, để nâng tầm mình trong gian khó, nâng cao vị thế doanh nghiệp với mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển con người, xã hội.

Khát vọng doanh nhân
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các doanh nhân trao đổi cởi mở bên lề Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ngày 21/9.

Khát vọng của doanh nhân Việt Nam không chỉ đơn giản là sự giàu có cho bản thân, gia đình mình mà rộng lớn hơn là vì sự phát triển cộng đồng, vì sự thịnh vượng của đất nước.

Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp ý kiến, đề xuất sáng kiến để chung tay phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Một trong những đề xuất được ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup nêu ra tăng đào tạo, phổ cập tiếng Anh cho toàn dân.

Theo đó, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu.

Khát vọng doanh nhân
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup

“Các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho giáo viên lên vùng sâu vùng xa. Đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu, vùng xa đến thành thị sẽ tạo “cần câu cơm” tốt hơn cho trẻ, góp phần phát triển những nơi khó khăn này trong tương lai”, ông Phạm Nhật Vượng nói thêm.

Cũng về đào tạo, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đề nghị Chính phủ mở rộng hạn ngạch đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn... Việc này nhằm tạo lượng lớn lao động trong ngành công nghệ - lĩnh vực có tương lai hơn nhiều so với các ngành khác trên thị trường.

Với lĩnh vực công nghệ, ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch Tập đoàn KN Group kỳ vọng sẽ có nhiều sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu “Make in Việt Nam” trên quốc tế.

Theo đó, ông Kiểm đề xuất Chính phủ tạo thuận lợi cho các dự án phát triển công nghiệp thế hệ mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo...

"Chúng tôi cũng mong Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, AI…", ông Lê Văn Kiểm chia sẻ.

Phát huy tinh thần yêu nước, cùng làm, cùng thắng

Thực tế, sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải có sự đồng hành từ cơ quan Nhà nước. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, nhất là khu vực kinh tế tư nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả người dân phát huy tinh thần tự do kinh doanh theo pháp luật.

Khát vọng doanh nhân
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên ngày 19/3.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, nhiều cơ chế, chính sách hiện vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ; các vướng mắc, rào cản về pháp lý chưa được tháo gỡ kịp thời, triệt để. Do đó, bộ máy Nhà nước vẫn cần phải nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa; thực chất và toàn diện để doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam được phát huy tối đa năng lực, được thể hiện rõ hơn nữa về khát vọng và vai trò tiên phong của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Hiện quy mô GDP của Việt Nam xếp thứ 34 trên thế giới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là kết quả có được nhờ nỗ lực lớn của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, trong đó có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Khát vọng doanh nhân
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Tập đoàn KN Group

Đồng thời, Chính phủ cũng luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

"Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh chuẩn bị tổng kết 40 năm đổi mới, đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có thành công, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa - một điểm tựa của đất nước, để cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, phát huy vai trò, vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp cho đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân và doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, chúng ta phải có những đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo, triển khai các đột phá chiến lược, trong đó có xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng đất nước, cùng dân tộc tiếp tục đi lên, phát triển nhanh và bền vững.

Hậu Lộc
Phiên bản di động