Hà Nội

Hệ thống giao thông thông minh giúp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông

Hà Nội kỳ vọng hệ thống giao thông thông minh giúp tiếp tục kiềm chế giảm tai nạn giao thông từ 5% so với năm 2023 trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).
Thủ tướng phát lệnh khánh thành 4 dự án giao thông trọng điểm Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh trong tình hình mới Công an TP Hà Nội ra quân trấn áp tội phạm dịp Tết

Đồng bộ giải pháp

Theo kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu vận tải hành khách công cộng bảo đảm chất lượng, phục vụ hiệu quả, phấn đấu năm 2024 đạt từ 22 - 25%; tiếp tục kiềm chế giảm tai nạn giao thông từ 5% so với năm 2023 trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Cùng với đó, TP tập trung giải quyết từ 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; kịp thời xử lý những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông mới và các điểm đen về tai nạn giao thông.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì phối hợp với các sở và đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng Đề án "Giao thông thông minh" trong tổng thể xây dựng thành phố thông minh; từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh, trong đó ưu tiên xây dựng một số hợp phần như: xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh của TP; hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ, kết nối tín hiệu đường bộ và đường sắt, lắp đặt hệ thống trạm cân kiểm soát tải trọng phương tiện…

UBND TP cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông; kiên quyết xử lý và chấm dứt tình trạng người đi mô tô, xe máy, xe đạp đi vào đường cao tốc và các tuyến đường cấm.

Cơ quan chức năng sẽ khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm; đối tượng tập trung kiểm tra, xử lý là người điều khiển xe ô tô chở khách, ô tô chở hàng hóa... Cương quyết ngăn chặn các vụ đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng, trấn áp mọi hành vi chống người thi hành công vụ...

Đối với các phương tiện chở khách, ngành chức năng tập trung kiểm soát ngay tại nơi xuất phát; Đối với các xe chở hàng hóa, vật liệu xây dựng, tổ chức kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại đầu nguồn, kho, bãi, mỏ vật liệu.

Lực lượng chức năng đẩy mạnh xử lý vi phạm về tốc độ, thời gian làm việc của lái xe thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GPS); nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm qua hệ thống camera giám sát giao thông.

Cùng với đó, lực lượng chuyên ngành sẽ kiểm tra, xử lý và ngăn chặn việc đầu cơ, buôn bán vé, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé vận tải hành khách trái quy định; bảo đảm an ninh, an toàn, thuận lợi cho hành khách, hạn chế tối đa hiện tượng ùn ứ khách tại các bến xe, nhất là trong các ngày lễ, Tết.

Công an phối hợp với Thanh tra giao thông quận Cầu Giấy lập biên bản trường hợp xe chở khách vi phạm chở quá số người quy định
Công an phối hợp với Thanh tra giao thông quận Cầu Giấy lập biên bản trường hợp xe chở khách vi phạm chở quá số người quy định

Tính đến ngày 15/12/2023, Hà Nội đã xử lý 15 điểm ùn tắc giao thông. Sở Giao thông vận tải phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an Thành phố xử lý 7 điểm đen giao thông. Đối với 1 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tuyến đường Lĩnh Nam, Sở đã chỉ đạo Ban Duy tu tăng cường duy tu, duy trì nhằm bảo đảm êm thuận và phối hợp với UBND quận Hoàng Mai đẩy nhanh tiến độ thi công mở rộng mặt đường Lĩnh Nam.

Tại khu vực cầu Thanh Trì thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Duy tu cắm bổ sung biển cảnh báo, tăng cường duy tu mặt cầu, vệ sinh hệ thống an toàn giao thông, bổ sung phản quang trên lan can thành cầu... và đang tổ chức nghiên cứu thay thế vật liệu dải phân làn phương tiện cho phù hợp để giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra.

Các yếu tố cần và đủ

GS.TS Lê Hùng Lân (nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải) - Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" cho rằng, Hà Nội cần nhanh chóng trở thành thành phố thông minh, trong đó phát triển hệ thống giao thông thông minh là một trong các trụ cột chính.

Hệ thống giao thông thông minh là xu hướng chung của tất cả đô thị trên thế giới. Hệ thống này sẽ góp phần tăng khả năng di chuyển thông minh, giảm thiểu ùn tắc mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và doanh nghiệp…

Hệ thống giám sát giao thông thông minh tại ngã tư. Ảnh: Internet
Hệ thống giám sát giao thông thông minh tại ngã tư. Ảnh: Internet

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai một số ứng dụng cho giao thông thông minh như tìm xe buýt, tìm tuyến đường gần nhất hay trung tâm điều khiển đèn tín hiệu… Qua đó đã đem lại hiệu quả rất tốt cho người dân và doanh nghiệp. Việc phát triển giao thông thông minh sẽ đáp ứng được nhu cầu khách quan của con người.

"Hà Nội có những nguồn dữ liệu rất lớn từ camera hay dữ liệu hành trình trên xe nhưng chưa được khai thác triệt để, mới sử dụng để hậu kiểm, chưa ứng dụng trực tiếp. Chúng tôi hướng tới việc thu thập và xử lý đồng độ dữ liệu và vận dụng trực tiếp để trích xuất thông tin cần thiết để phục vụ việc đi lại của người dân", GS.TS Lê Hùng Lân nhấn mạnh.

Ông chia sẻ thêm, hệ thống giao thông thông minh không thể tách bạch được phương tiện thông minh và hạ tầng thông minh. Cả phương tiện và hạ tầng cần đi song song và bổ trợ cho nhau một cách bền vững.

Theo ông Lân, lộ trình phát triển giao thông thông minh thành phố Hà Nội cần chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2024-2026 sẽ xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS; kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.

Giai đoạn 2 từ năm 2027-2030 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 1. Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp thành phố Hà Nội; đổi mới phương thức quản lý; phát triển các ứng dụng ITS cơ bản; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS.

Giai đoạn 3 đến năm 2045 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 2, đồng thời vận hành, khai thác hiệu quả ITS thành phố; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ITS và tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số.

Các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, phát triển giao thông thông minh cần tập trung vào 3 yếu tố chính là thu thập dữ liệu, xử lý và truyền phát thông tin. Công việc cụ thể cần thực hiện là xây dựng hệ thống camera để thu thập thông tin; xây dựng một trung tâm thông tin chung và tích hợp các ứng dụng để truyền phát thông tin...

Hoa Thành
Phiên bản di động