Thủ tướng phát lệnh khánh thành 4 dự án giao thông trọng điểm

Sáng 24/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát lệnh khánh thành 4 dự án: Mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên; cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự án cầu Mỹ Thuận 2.
Hà Nội: Khởi công 2 dự án nhà ở xã hội tại huyện Mê Linh Khởi động dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị

Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được khởi công ngày 22/1/2022, với tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng.

Sau khi khánh thành, Cảng hàng không Điện Biên đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Công suất khai thác nhà ga hành khách 500.000 khách/năm. Hiện, đã khai thác các đường bay Hà Nội - Điện Biên và TP HCM - Điện Biên.

Trong khi đó, dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khởi công từ đầu năm 2021 có chiều dài toàn tuyến 40,2km (đi qua tỉnh Tuyên Quang dài 11,63km, tỉnh Phú Thọ 28,57km), tổng mức đầu tư 3.753 tỷ đồng với 4 làn xe, vận tốc 120km/h.

Đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có chiều dài gần 23km, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng được khởi công vào tháng 1/2021. Điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 khớp nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; điểm cuối tạm thời kết nối với quốc lộ 1 hiện hữu, trong tương lai sẽ tiếp nối cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Giai đoạn 1, dự án được thiết kế với quy mô bốn làn xe, vận tốc 80km/h.

Thủ tướng phát lệnh khánh thành 4 dự án giao thông trọng điểm
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 80 năm Ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải. Ảnh VGP.

Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền dài 6,61km, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, được khởi công tháng 2/2020.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông này với tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng là một dấu mốc lịch sử.

Thủ tướng chỉ rõ, thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả và đặc biệt là giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại thuận lợi, dễ dàng, tiết kiệm thời gian và công sức.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 730km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km và đang triển khai thi công gần 1.700km cao tốc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000km đường cao tốc vào năm 2025 và 5.000km cao tốc vào năm 2030.

Thủ tướng phát lệnh khánh thành 4 dự án giao thông trọng điểm
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ khánh thành 4 dự án giao thông quan trọng.

Theo Thủ tướng, cả 4 dự án khánh thành đều có nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý; kinh phí có hạn nên phải huy động hợp tác công tư, huy động nguồn vốn Trung ương và địa phương, nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn vốn hợp pháp khác; gặp nhiều khó khăn về nền đất yếu ở các tỉnh phía Nam, khan hiếm nguyên vật liệu xây dựng thông thường (sân bay Điện Biên phải nghiền đá thay cho cát sỏi); thi công trong điều kiện dịch bệnh, tình hình thời tiết phức tạp; những khó khăn về giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường…

Từ kết quả và ý nghĩa của các công trình, Thủ tướng chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hạ tầng nói riêng.

Trong đó, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân. Trung ương mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương, phân bổ nguồn lực phù hợp và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong triển khai các dự án.

Các địa phương phải tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, không trông chờ, ỷ lại. Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Công tác phối hợp giữa các cấp, các cơ quan trong hệ thống chính trị phải chặt chẽ, kịp thời, chủ động, tích cực, hiệu quả; đồng thời tranh thủ sự vào cuộc, ủng hộ của người dân.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các thủ tục, công việc cần thiết theo quy định của pháp luật liên quan tới các dự án; thanh quyết toán theo đúng quy định, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tiếp tục quan tâm đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi dự án theo nguyên tắc nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Các nhà thầu, nhà tư vấn tiếp tục rút kinh nghiệm để tiếp tục làm các dự án mới, các cơ quan vận dụng linh hoạt nhất các chính sách theo quy định của pháp luật để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nhà thầu, tư vấn đã làm tốt nhiều dự án được tham dự các dự án mới.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là đổi mới tư duy, cách làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, tất cả vì lợi ích chung, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Hậu Lộc
Phiên bản di động