Hannah Hà Nội - sức mạnh hơn cả vũ khí trong cuộc chiến tranh Việt Nam

Giọng nói đầy mê hoặc của một nữ phát thanh viên khiến lính Mỹ phải gọi với biệt danh “Hanoi Hannah” - người hằng ngày đọc những thông báo tuyên truyền trên Đài Tiếng nói Việt Nam để kêu gọi lính Mỹ đào ngũ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Những ký ức hào hùng của quân tăng cường Thủ đô qua trang sách Huyền thoại bí ẩn của tình báo Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc Nỗi day dứt chiến tranh của người cựu binh Mỹ

Khi quyết định tham chiến tại Việt Nam, đó cũng là lúc lính Mỹ bắt đầu những chuỗi ngày đen tối, rệu rã trên chiến trường. Mỹ đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, từ Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu cho đến Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Các loại vũ khí tối tân nhất thời bấy giờ cũng không thể đánh bại trí thông minh, sáng tạo của người Việt Nam, ám ảnh từ chông sắt, chông tre, từ “bụi cây biết nói” cho đến các loại vũ khí trên chiến trường thì ngày ấy ta còn có vũ khí lợi hại không kém. Đó chính là giọng nói đầy mê hoặc của một nữ phát thanh viên khiến lính Mỹ phải gọi với biệt danh “Hanoi Hannah” - người hằng ngày đọc những thông báo tuyên truyền trên Đài Tiếng nói Việt Nam để kêu gọi lính Mỹ đào ngũ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Bà nổi tiếng đến mức không chỉ sau khi hòa bình muốn quay lại chiến trường xưa để được gặp một lần mà rất nhiều lãnh đạo nước Mỹ nhắc đến như một huyền thoại.

Bà Trịnh Thị Ngọ
Bà Trịnh Thị Ngọ

Trịnh Thị Ngọ, nữ phát thanh viên của Việt Nam có giọng nói ám ảnh lính Mỹ. Trong cảm nghĩ của đa phần những người lĩnh Mỹ, là thính giả của chương trình “Chuyện nhỏ với binh sỹ Mỹ” thời ấy, Trịnh Thị Ngọ là người đàn bà có giọng nói “phù thủy”, người đàn bà sở hữu một giọng nói mà họ vừa căm ghét, vừa nhung nhớ, vừa sợ hãi nhưng vẫn… không thể không nghe. Không ít người lính Mỹ sau những lần nghe những buổi trò chuyện với lính Mỹ của bà phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã tìm mọi cách để chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa và tìm mọi cơ hội để trở về quê hương.

Tổng thống Mỹ Kennedy khi đó đã nói: “Việt Cộng đã dùng giọng nói đàn bà quyến rũ để làm lung lay tinh thần quân đội Mỹ ở Việt Nam”. Bộ Tư lệnh viễn chinh quân đội Mỹ từng cấm binh sỹ ở Hạm đội 7, binh sỹ ở Thái Lan cũng như nhiều binh sỹ ở Nam Việt Nam không được nghe chương trình Hannah Hà Nội.

Hannah Hà Nội - sức mạnh hơn cả vũ khí trong cuộc chiến tranh Việt Nam
Trịnh Thị Ngọ thời trẻ

Chiến tranh kết thúc, chương trình cũng kết thúc nhưng rất nhiều nhà báo Mỹ vẫn tìm đến Việt Nam để hỏi chuyện bà. Rất nhiều cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam vẫn giữ những bản thu buổi phát thanh của bà. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng tâm sự: “Năm 1992, tôi có một thời gian dài sống ở Chicago (Mỹ), trong một ngôi nhà văn Larry Hagman, một tiểu thuyết gia của Mỹ. Ông nói với tôi rằng, một lúc nào đó ông sẽ quay trở lại Việt Nam chỉ để tìm Hannah Hà Nội, để trò chuyện với bà, để xin được ở trong ngôi nhà, thậm chí một góc nhà của Hannah Hà Nội, để được nghe giọng nói của bà vang lên hằng ngày với chồng con, với bạn bè, với hàng xóm, thậm chí với một con chó, con mèo bà nuôi trong nhà, để hiểu xem điều gì đã làm nên sự kỳ diệu và cả sự ám ảnh ma mị của giọng nói đó”.

Rất nhiều lính Mỹ chán nản về cuộc chiến phi nghĩa tại Việt Nam
Rất nhiều lính Mỹ chán nản về cuộc chiến phi nghĩa tại Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Một cựu binh Mỹ khác tâm sự: “Tôi cảm tưởng như đấy là giọng của bà tôi, mẹ tôi, vợ tôi, người tình của tôi đang ngồi bên tôi, thủ thỉ với tôi những câu chuyện của nước Mỹ vào mỗi buổi tối và có lúc, tôi lại thấy đấy là lời Đức Mẹ chứa đầy lòng vị tha”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể về một người lính hải quân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, sau chiến tranh đã viết trong hồi kí của mình: “Khi tàu đến vùng Việt Nam, nơi sẽ nhận nhiệm vụ mới. Điều khiến chúng tôi khủng khiếp nhất là vừa vào đến Vịnh Bắc Bộ, chúng tôi đã nghe thấy giọng nói của một nữ phát thanh viên trên Đài Tiếng nói Việt Nam chào đón chúng tôi. Cô ta đọc tên con tàu của chúng tôi rồi nói “Chào mừng các bạn đã đến Việt Nam, chỉ tiếc là tất cả các bạn đang đi vào chỗ chết”. Tôi tự hỏi, “kiểu chào mừng gì mà lạ thế này?” Chúng tôi cảm thấy kinh ngạc và bị sốc để sởn cả gai ốc. Chúng tôi tự hỏi, làm thế nào cô ta lại biết tên con tàu của chúng tôi và bằng cách nào lại biết được chúng tôi vừa đến Vịnh Bắc Bộ?

Người phụ nữ trên radio - sau này chúng tôi gọi là Hanoi Hannah - bắt đầu đọc tên các thủy thủ đoàn trên tàu, nói với mọi người rằng, họ sắp sửa phải chết. Thấy tên mình vang lên trên đài phát thanh của Việt Nam quả là rất sợ. Không ai trong chúng tôi biết đích đến của mình, kể từ khi ra khơi cho đến lúc tới đây, chỉ có nhờ cô, chúng tôi mới biết mình đang có mặt ở Vịnh Bắc Bộ Việt Nam. Sau này chúng tôi phán đoán, có lẽ cô ta biết tên thủy thủ đoàn là nhờ vào rác thải mà chúng tôi đổ xuống biển trên đường tới đây. Mỗi ngày tàu chúng tôi đều phải đổ rác thải xuống biển, trong đó có những bảng phân công trên tàu có ghi tên tất cả mọi người. Sau này thuyền trưởng của chúng tôi bố trí những thùng hỏa thiêu ở đuôi tàu và ra lệnh tất cả rác thải phải được đốt trước khi ném xuống biển”.

Tưởng thế là hết, ai ngờ Tom Waylett - một binh sỹ Mỹ đóng quân tại Tây Nguyên kể lại rằng, anh nghe Hanoi Hannah gửi lời chúc mừng sinh nhật lần thứ 22 của một trung úy Mỹ ở đơn vị của anh nhưng buồn và oái oăm thay, người lính Mỹ này đã chết vì lựu đạn trước đó vài ngày. Viên trung úy kia đã không nghe được lời chúc mừng sinh nhật của Hanoi Hannah nhưng bạn bè của anh đã nghe thấy và lời chúc mừng sinh nhật của cô gái Việt Nam gửi một thanh niên Mỹ đã chết tạo nên nỗi ám ảnh khủng khiếp. Lính Mỹ bàng hoàng, rệu rã, họ gần như buông súng, chỉ tìm cách tránh cái chết vô ích. Họ chờ đợi giọng nói của Hanoi Hannah và cầu chúc cho mình được sống để nghe lời chúc của cô.

Sau khi kết thúc chiến tranh, bà Trịnh Thị Ngọ trong cuộc trả lời phỏng vấn của một nhà báo người Mỹ đã tiết lộ rằng, những thông tin dùng để phát trong chương trình dành cho lính Mỹ đều được lấy từ những tờ báo nổi tiếng của Mỹ và để những người lính Mỹ cảm thấy thực sự ám ảnh khi tham chiến tại Việt Nam, có điều gì đặc biệt trong giọng nói này? Đó là một giọng nói thôi thúc hòa bình. “Xin chào các G.I.Joe”, đây là một câu nói quen thuộc với hầu hết lính Mỹ tới tham chiến ở Việt Nam. “Tôi thấy hầu như các anh được cung cấp rất ít thông tin về diễn biến của cuộc chiến, lại càng không được giải thích một cách đúng đắn về sự hiện diện của các anh ở đây. Không có gì mơ hồ bằng việc được lệnh dấn thân vào một cuộc chiến để rồi bị chết hoặc bị thương tật cả đời mà không có lấy một ý niệm mờ nhạt nhất về chuyện gì đang xảy ra” (bản tin ngày 16/6/1967).

Bà Trịnh Thị Ngọ sinh năm 1931 tại phố cổ Hàng Bồ, Hà Nội, là con của nhà tư sản Trịnh Đình Kính, người được mệnh danh là ông hoàng thủy tinh Đông Dương. Từ nhỏ, bà được học tiếng Pháp cùng tiếng Anh của người bản xứ. Năm 1955, bà chính thức vào làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam qua lời giới thiệu của một người bạn với suy nghĩ góp phần vào chương trình phát thanh tiếng Anh mà đài lúc đó đang rất cần người. Đến năm 1965, khi cuộc địch vận của quân đội nhân dân Việt Nam hợp tác với đài làm buổi phát thanh riêng hướng tới quân nhân Mỹ đang ở miền Nam Việt Nam, khi đó giọng đọc của bà mới được quan tâm đặc biệt hơn lúc nào hết. Bà bắt đầu lên sóng hướng tới lính Mỹ ngay sau khi thủy quân lục chiến Mỹ đặt chân vào Đà Nẵng. Chương trình ban đầu chỉ từ 5 - 6 phút, mỗi tuần phát 2 lần với mục “Câu chuyện nhỏ nói với binh sỹ Mỹ” gắn vào một chương trình lớn hơn. Sau đó thời lượng phát tăng lên 3 buổi/ngày, mỗi buổi 30 phút. Như vậy, mỗi ngày bà có khoảng 90 phút phát thanh với hàng trăm nghìn binh sỹ Mỹ nghe.

Bà Ngọ tham gia biên tập và chủ yếu phụ trách phần đọc. Giọng đọc đó không chỉ đi vào lòng người bằng sự ngọt ngào, truyền cảm mà còn mạch lạc, khúc triết phân tích những thông tin cần thiết cho quân nhân ở phía đối phương với mong muốn họ sớm nhận ra cuộc chiến tranh tại Việt Nam là cuộc chiến phi nghĩa. Nhân dân Mỹ phản đối, từ đó có động thái thích hợp.

Chương trình phát thanh của bà Trịnh Thị Ngọ là sự kết hợp giữa âm nhạc Mỹ, thông điệp cùng thanh âm quen thuộc gửi đến các quân nhân Mỹ, tin rằng cuộc chiến này là ngày tận thế và họ không quan tâm đến việc đang nghe ai nói, Radio Hà Nội hay lực lượng vũ trang Mỹ.

Theo các tư liệu, nhiều câu chuyện mỗi ngày mà Hannah Hà Nội kể đã khiến lính Mỹ tranh cãi, nảy sinh mâu thuẫn, xô xát và nhất là khiến họ nản chí, lo sợ trước khi ra trận. Điều này đã khiến cho Bộ Tư lệnh viễn chinh quân đội Mỹ cấm binh sỹ ở Hạm đội 7, ở Thái Lan và ở Nam Việt Nam nghe chương trình Hannah Hà Nội.

Dù vậy, binh sỹ Mỹ vẫn tìm cách nghe chương trình này mỗi ngày và bàn tán xôn xao về những câu chuyện của Hannah Hà Nội thường tâm sự với họ qua sóng của đài phát thanh. “Đây là Thu Hương đang trò chuyện với các binh sỹ Mỹ ở Việt Nam” là câu bà Ngọ luôn nói mở đầu cho mỗi bản tin của mình. Trong suốt thời lượng của bản tin, bằng một thanh âm dịu dàng nhưng cương quyết lạ lùng, bà đã khiến lính Mỹ hoàn toàn bị chinh phục, bị mê hoặc và mỗi khi nhắc đến bà, lính Mỹ thường gọi bà là Hannah Hà Nội, là nàng tiên cá. Trong các phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam thời ấy, có lẽ không ai sở hữu cho mình nhiều tên gọi, biệt danh như Trịnh Thị Ngọ. Về danh xưng Thu Hương, bà Ngọ tiết lộ: “Cái tên Trịnh Thị Ngọ có 2 dấu nặng, rất khó đọc với những người nói tiếng Anh. Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó đề nghị tôi chọn một cái tên dễ đọc hơn. Tôi đã chọn tên Thu Hương, là tên một cô bạn rất thân, sau này tôi còn chọn tên cô ấy để đặt tên cho con gái của mình.

Nổi tiếng hơn cả, thậm chí đã trở thành huyền thoại là nickname Hannah Hà Nội. Về cái tên này, bà Ngọ lí giải: “Hannah chỉ là một cái tên phụ nữ Mỹ thông dụng, lính Mỹ gọi tôi như thế có lẽ cho thân quen. Bản tin của tôi phát đi từ Hà Nội nên họ gọi Hannah Hà Nội cho dễ nhớ. Sau này, ngay cả đại tướng Võ Nguyên Giáp khi gặp cũng gọi tôi là Hannah Hà Nội”.

Hanoi Hannah - bà Trịnh Thị Ngọ mất vào ngày 30/9/2016 nhưng có lẽ giọng nói của nữ phát thanh viên - người từng khiến cho hàng triệu thích thú lắng nghe, cả những lúc đã giật mình kinh hãi, muốn trở về với gia đình, bè bạn - cho đến nay và mai sau vẫn là một huyền thoại.

Khánh Vy
Phiên bản di động