Huyền thoại bí ẩn của tình báo Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc

Ngày 9/3/1944, một nhóm dân quân Ukraine thân phát xít đã bao vây và sát hại một thượng úy quân đội phát xít Đức mang tên Paul Siebert. Nhân vật này đã thực hiện nhiều phi vụ ám sát các nhân vật cấp cao của phát xít Đức trong thời gian chiếm đóng Ukraine.

“Sát thủ” trong quân phục sĩ quan phát xít Đức

Một trong những chiến công tiêu biểu của Paul Siebert là tiêu diệt thiếu tướng Max Ilgen, chỉ huy mật vụ phát xít Đức lập ra ở Ukraine. Sau một thời gian trinh sát, thời khắc hành động đến vào ngày 15/11/1943. Lúc đó, Max Ilgen ở nhà, nhưng đám cận vệ của y vắng mặt do bận vận chuyển của cải về Berlin. Ngôi nhà chỉ được canh gác vòng ngoài bởi một nhóm cảnh sát người Ukraine.

Paul Siebert cùng hai lính du kích đột nhập vào ngôi nhà, khống chế được tên phát xít trên tầng hai. Nhưng trở ngại lúc đó là làm thế nào để vượt qua toán cảnh sát và dẫn giải Max Ilgen đi. Còn nếu nổ súng, nhóm của Paul Siebert không thể chống chọi với kẻ địch đông hơn.

Huyền thoại bí ẩn của tình báo Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc
Một đơn vị du kích Liên Xô, lực lượng này đã gây nhiều tổn thất nặng nề cho phát xít Đức trong thời gian chiếm đóng

Paul Siebert rút ra một tấm thẻ mật vụ phát xít Gestapo được làm giả tinh vi và nói với toán cảnh sát rằng ông đang truy bắt một lính du kích Liên Xô có ngoại hình giống Max Ilgen, đang đóng giả sĩ quan Đức. Ông nói cần “mời” Max Ilgen đến trụ sở Gestapo để xác minh, đồng thời cần một người nữa đi làm chứng.

Toán cảnh sát cử người lái xe của Max Ilgen đi cùng, sau đó rời khỏi nhà mà không một chút nghi ngờ. Nhóm của Paul Siebert đưa Max Ilgen lên xe và thủ tiêu tên trùm phát xít này ở khu rừng ở ngoại ô.

Trong một phi vụ khác, Paul Siebert được giao nhiệm vụ ám sát Alfred Funk, chánh án tòa án tối cao Ukraine khi đó. Alfred Funk mang quân hàm đại tá trong lực lượng cận vệ vũ trang của Đảng Quốc xã phát xít Đức - SS, vốn nổi tiếng tàn ác và chuyên giữ các vị trí quan trọng trong đế chế thứ 3.

Paul Siebert nhận thấy Alfred Funk luôn đến một tiệm cắt tóc cạnh tòa án để cạo râu trong khoảng 10 phút trước khi bắt đầu làm việc. Một buổi sáng, ông đợi trước cổng tòa án và bám theo Alfred Funk đúng lúc y bước vào tiệm cắt tóc. Ngay khi Alfred Funk cởi áo khoác, Paul Siebert bắn hai phát đạn thẳng vào gáy y. Ông lấy chiếc cặp tài liệu của tên sĩ quan SS, đi khỏi hiện trường trong sự kinh hoàng của những người xung quanh.

Trên đường tẩu thoát, Paul Siebert bị một toán lính chặn lại để kiểm tra do vừa nhận được tin Alfred Funk bị ám sát. Ông gặp may do mọi việc diễn ra quá nhanh nên chưa có ai kịp nhìn ra khuôn mặt mình, mà chỉ thông báo là thủ phạm mặc quân phục sĩ quan Đức. Sau khi qua chốt kiểm soát đó, cảm thấy có nguy cơ bị nghi ngờ nếu tiếp tục di chuyển, Paul Siebert dừng xe tại một con phố nhỏ, chặn binh sĩ Đức lại để kiểm tra với lý do… truy bắt kẻ ám sát Alfred Funk.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều nhiệm vụ tiêu diệt sĩ quan Đức mà Paul Siebert hoàn thành từ năm 1943 cho đến lúc hy sinh. Tuy nhiên, danh tiếng của ông không chỉ gắn với những điệp vụ ám sát.

Tình báo viên góp phần vào chiến thắng cuối cùng

Sau một số vụ ám sát thành công, nhiệm vụ của Paul Siebert ngày càng khó khăn hơn, yêu cầu ông phải “luồn sâu, leo cao” vào bộ máy quân đội phát xít. Một trong những mục tiêu của ông là Eric Koch, toàn quyền Ukraine giai đoạn đó.

Ngày 20/4/1943, Paul Siebert phối hợp với một cô gái gốc Nga để tiếp cận Erich Koch với tư cách một cặp tình nhân mong muốn được kết hôn. Chỉ Erich Koch mới có quyền chấp thuận hôn nhân giữa quân nhân Đức với người khác chủng tộc.

Huyền thoại bí ẩn của tình báo Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc
Tình báo viên Nikolai Kuznetsov

Không may cho Paul Siebert, đúng lúc đó Eric Koch đang ngồi trong văn phòng với vài sĩ quan SS và một con chó săn lớn. Để tránh bị nghi ngờ trước khi tẩu thoát, Paul Siebert và cô gái phải nán lại trò chuyện với nhóm người này. Khi nhắc đến việc kết hôn, Erich Koch chúc phúc cho hai người và lỡ lời nói đến “một bất ngờ từ các xe tăng mới mà Quốc trưởng Hitler dành cho bọn Xô viết ở gần Kursk”.

Mặc dù nhiệm vụ ban đầu đã thất bại, những lời Paul Siebert nghe được lại có giá trị đến không ngờ. Ông đã vô tình có được thông tin tuyệt mật về chiến dịch Citadel (tạm dịch: Lâu đài) tại vòng cung Kursk để ngăn chặn bước tiến của Hồng quân.

Sau khi kiểm tra báo cáo từ Paul Siebert, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Hồng quân quyết định tăng viện lực lượng tới vòng cung Kursk. Khi chiến dịch diễn ra, Hồng quân đã chặn đứng các đợt tấn công quy mô với sự tham gia của nhiều xe tăng mới của phát xít Đức.

Chưa dừng lại tại đó, Paul Siebert còn đi vào lịch sử tình báo vì đã góp công bảo vệ thành công tính mạng lãnh đạo phe đồng minh. Trong quá trình tiếp cận các sĩ quan phát xít, một trong số những nhân vật ông làm quen là chỉ huy đặc nhiệm SS Otto Skorzeny. Y là một trong những thân tín của Hitler, người đứng đầu chiến dịch giải cứu trùm phát xít Italy Mussolini đầu năm 1943.

Trong một lần gặp gỡ Paul Siebert, Otto Skorzeny hỏi vay tiền ông và hứa sẽ trả lại bằng những tấm thảm Ba Tư cao cấp. Tò mò, Paul Siebert hỏi lý do và nhận được câu trả lời “úp mở” rằng y sắp đi “công tác” vùng Trung Đông. Ông lập tức nghĩ đến hội nghị “Tam cường” diễn ra vào cuối năm ở Tehran (Iran). Đó là sự kiện quan trọng nhất ở khu vực, quy tụ cả 3 lãnh đạo phe đồng minh là nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill.

Paul Siebert thấy cần phải kiểm chứng thông tin. Ông bắt chuyện với một sĩ quan chỉ huy tác chiến của SS tên Ulrich von Ortel, một người tự cao và rất thích rượu. Trong một buổi tiệc, Paul Siebert mời Ulric von Ortel đánh chén say sưa. “Rượu vào, lời ra”, Ulric von Ortel hào hứng khoe rằng mình vừa trở về từ Đan Mạch, nơi đặc nhiệm SS đang được huấn luyện để chuẩn bị thực hiện chiến dịch “Bước nhảy dài”, một hoạt động quân sự “huy hoàng” như giải cứu Mussolini. Y còn tiết lộ mình sẽ chỉ huy tổ đặc nhiệm có nhiệm vụ đột kích lúc hội nghị diễn ra, lật ngược tình thế cho Đức Quốc xã.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tình báo Đức đang thực hiện âm mưu ám sát các lãnh đạo phe đồng minh. Trước khi hội nghị diễn ra, nhóm SS tiền trạm đã bị tình báo Liên Xô bắt giữ, sau khi nhảy dù xuống ngoại ô Tehran. Âm mưu của Đức đã bị phá sản hoàn toàn.

Nhập vai hoàn hảo

Sau chiến tranh, thân phận của Paul Siebert được tiết lộ. Trên thực tế, cấp bậc trung úy quân đội phát xít chỉ là vỏ bọc của sĩ quan tình báo Nga Nikolai Ivannovich Kuznetsov.

Nikolai Kuznetsov sinh ngày 27/7/1911 tại vùng Sverdlovsk, trong một gia đình nông dân. Từ khi còn trẻ, ông sớm bộc lộ năng khiếu tiếng Đức và tích cực giao tiếp với những người Liên Xô gốc Đức, Áo... Điều này còn khiến ông bị vu cáo là gián điệp trước khi được Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) tuyển chọn vào năm 1938.

Trong quá trình đào tạo trở thành sĩ quan tình báo, ông được học thêm về văn hóa Đức từ bà Olga Vesyolkina, người hầu thân cận nhất của cựu hoàng hậu Nga gốc Đức Alexandra Fedorovna. Nikolai Kuznetsov tạo được “vỏ bọc” lý tưởng do thông thạo 6 phương ngữ tiếng Đức khác nhau và có hiểu biết phong phú về văn học Đức.

Trước khi chiến tranh nổ ra, Nikolai Kuznetsov làm công tác thu thập thông tin tình báo từ các đoàn ngoại giao, tùy viên quân sự Đức và Tiệp Khắc ở Moscow bằng cái tên Rudolf Schmidt. Đầu năm 1942, Nikolai Kuznetsov gia nhập một đơn vị chuyên hoạt động sau hậu phương địch. Ông được tuyển do có ngoại hình giống trung úy Paul Siebert thật, trước đó đã thiệt mạng ở ngoại ô Moscow. Nikolai Kuznetsov được học về tác phong, điều lệnh quân đội phát xít từ những tù binh Đức. Tới mùa hè, ông thâm nhập vào thành phố Rovno, thủ phủ của chính quyền phát xít tại Ukraine.

Với phong thái giống người Đức chính cống, Nikolai Kuznetsov nhập vai Paul Zibert một cách hoàn hảo. Thậm chí đến lúc ông hy sinh, những kẻ truy sát ông vẫn tin rằng ông là một sĩ quan Đức phản bội.

Sau chiến tranh, Liên Xô công bố về những chiến công của Nikolai Kuznetsov. Ông trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều cuốn sách, bộ phim về chủ đề tình báo. Nhưng phải đến ngày 15/10/1987, Xô viết tối cao mới chính thức phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho Nikolai Kuznetsov. Đến năm 1990, những đóng góp của ông trong chiến dịch Kursk và hội nghị Tehran mới được công bố.

Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh thân thế, cuộc đời và hoạt động của Nikolai Kuznetsov. Hồ sơ chi tiết về ông vẫn đang nằm trong kho lưu trữ và phải đến năm 2025 những bí ẩn về một trong những điệp viên nổi tiếng nhất lịch sử tình báo Liên Xô mới được đưa ra ánh sáng.

Tình báo Mỹ nghi Trung Quốc tạo Tình báo Mỹ nghi Trung Quốc tạo "siêu chiến binh" qua chỉnh sửa gien

Tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc đã tiến hành “thử nghiệm trên cơ thể” các quân nhân nước này với hy vọng phát triển ...

Nguồn: Quân Đội Nhân Dân
www.qdnd.vn
Phiên bản di động