Hàng trăm sản phẩm EURO SUN nghi giả xuất xứ: Tổng cục QLTT nói gì?
Hà Nội: Hàng trăm thiết bị nhà bếp hiệu EUROSUN nghi giả xuất xứ |
Sáng 3/1, tại buổi Họp báo chuyên đề thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật liên quan đến vụ việc hàng trăm sản phẩm EURO SUN có dấu hiệu giả mạo xuất xứ.
Theo đó, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) cho biết, vụ việc do Cục QLTT Hà Nội phối hợp với lực lượng công an đã kiểm tra đồng loạt một số cơ sở kinh doanh của Công ty Cổ phần EURO SUN Việt Nam.
"Hiện nay, lực lượng chức năng đang tiếp tục xác minh và làm rõ, khi có những kết quả có căn cứ chứng lý thì cơ quan Quản lý thị trường sẽ trả lời cụ thể với báo", ông Đạt nói.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) trả lời báo chí. |
Như chúng tôi đã thông tin, trước đó, ngày 30/12, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội 6 - PA04 Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra đồng loạt 5 cơ sở kinh doanh thiết bị nhà bếp mang nhãn EURO SUN của Công ty Cổ phần EURO SUN Việt Nam.
Các cơ sở kinh doanh gồm: Số 264 đường Láng, quận Đống Đa; số 300 Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng; số 136 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Da; thôn Thượng, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai và số 52 TT6 Khu đô thị mới Văn Phú, Phú La, quận Hà Đông.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các cơ sở đang hoạt động kinh doanh các loại hàng hóa thiết bị nhà bếp: bếp từ, bếp ga, máy hút mùi, máy rửa bát... có nhãn EUROSUN với tổng số lượng 654 thiết bị có dấu hiệu giả xuất xứ.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa mang nhãn hiệu EUROSUN có dấu hiệu giả xuất xứ. |
Toàn bộ các hàng hóa trên, cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Theo giá của doanh nghiệp cung cấp, toàn bộ số hàng nêu trên trị giá 1,7 tỷ đồng.
Hiện, Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa mang nhãn hiệu EURO SUN có dấu hiệu giả xuất xứ.
Ngoài ra, lực lượng Quản ký thị trường cũng tạm giữ 7,5kg tem dán dời có chữ nước ngoài (tương đương 2.100 chiếc) tại 5 cơ sở kinh doanh này để tiếp tục làm việc và xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc này, chiều 2/1, trao đổi với phóng Tuổi trẻ và Pháp luật, ông Việt - Giám đốc kinh doanh của Công ty Cổ phần EURO SUN Việt Nam thừa nhận các cơ sở kinh doanh bị kiểm tra là đại lý của công ty, đồng thời khẳng định những thiết bị nhà bếp bị lực lượng Quản lý thị trường thu giữ là sản phẩm của công ty nhưng không phải là giả xuất xứ.
"Những cơ sở kinh doanh được kiểm tra là đại lý, đối tác của công ty. Tại thời điểm kiểm tra, chúng tôi chưa kịp xuất trình các giấy tờ chứng minh nhưng lực lượng chức năng đã cho rằng sản phẩm của chúng tôi có dấu hiệu giả mạo xuất xứ", ông Việt cho biết.
Cũng theo ông Việt, hiện tại, công ty đã giải trình và nộp hồ sơ đến Cục QLTT Hà Nội và Tổng cục QLTT. "Hàng hóa của chúng tôi xuất xứ từ Đức, có tờ khai hải quan đăng ký thông quan tại Cục Hải quan Hải Phòng", ông này nói thêm.
Những lời giải thích của đại diện Công ty Cổ phần EURO SUN Việt Nam có vẻ mâu thuẫn, bởi nếu công ty chưa kịp cung cấp hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thì cơ quan chức năng sẽ không thể đặt ra vấn đề sản phẩm có dấu hiệu giả mạo xuất xứ.
Việc công ty chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm với cơ quan chức năng tại thời điểm kiểm tra khác hoàn toàn với việc giả mạo xuất xứ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.