Hàng loạt “chiêu” buôn lậu, kinh doanh hàng giả nhãn mác, xuất xứ Việt Nam

Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được nhiều phương thức, thủ đoạn của các đầu nậu nhằm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.
Nhiều thủ đoạn giả mạo hàng hóa xuất xứ 'Made in Vietnam'

Thời gian qua, thực hiện Kế hoạch 19/KH-BCĐ389, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các lực lượng chức năng đã tích cực, chủ động trong việc nắm tình hình, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát từ biên giới đến nội địa; xác lập các chuyên án, kế hoạch đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các đường dây tổ chức buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, nhất là ở các địa bàn, mặt hàng trọng điểm nên hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng.

Hàng loạt “chiêu” buôn lậu, kinh doanh hàng giả nhãn mác, xuất xứ Việt Nam
Hàng hóa Trung Quốc nhưng lại được ghi xuất xứ Việt Nam.

Đáng chú ý, qua thời gian triển khai Kế hoạch 19, phương thức, thủ đoạn cũng đã được Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tập hợp và chỉ rõ.

Theo đó, hàng hóa được đặt sản xuất ở nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang web đã được ghi sẵn bằng tiếng Việt và dòng chữ “Made in Vietnam hoặc sản xuất tại Việt Nam” trên sản phẩm, bao bì sản phẩm hoặc phiếu bảo hành, sau đó thông qua nhiều phương thức gian lận để vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ.

Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu tiếp đi nước thứ 3 thì nhãn hàng hóa được thay mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam” để lừa dối người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khai nhập khẩu các loại linh kiện/nguyên vật liệu để sản xuất, gia công xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước nhưng thực chất là sản phẩm hoàn chỉnh, không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định, ký khống các hợp đồng mua nguyên vật liệu trong nước.

Các doanh nghiệp khai gian dối các chi phí đầu vào, hợp thức hóa về chứng từ, sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho nhiều tờ khai xuất khẩu để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam. Thậm chí, doanh nghiệp không có chức năng cấp C/O nhưng đã tự thiết kế mẫu C/O để cấp cho doanh nghiệp khác xuất khẩu.

Đặc biệt, có doanh nghiệp còn đầu tư nhà máy, nhập khẩu trang thiết bị vừa đủ để có thể sản xuất, gia công, lắp ráp từ linh kiện/nguyên liệu thành sản phẩm hoàn chỉnh, đủ điều kiện cấp C/O và khai xuất xứ Việt Nam chỉ để phục vụ khi các cơ quan chức năng đến kiểm tra. Tuy nhiên, thực chất doanh nghiệp vẫn nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh ở nước ngoài nhưng khai là linh kiện/nguyên vật liệu, sau đó khai là xuất xứ Việt Nam, được sản xuất, lắp ráp tại nhà máy đã đầu tư.

Ngoài ra, doanh nghiệp đăng ký tờ khai nhập khẩu tại một Chi cục Hải quan nhưng xuất khẩu tại Chi cục Hải quan khác để tránh bị phát hiện hàng hóa xuất khẩu không trải qua quá trình sản xuất, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo qui định. Có doanh nghiệp còn trộn lẫn hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước, trên toàn bộ bao bì và tờ khai ghi xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Các đối tượng thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số linh kiện, phụ tùng để lắp ráp hoặc bán linh kiện cho công ty khác để thực hiện gia công, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng vẫn ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba.

Cùng với đó, có doanh nghiệp lợi dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ tự động của một số quốc gia để đưa hàng hóa chuyển tải qua Việt Nam để có chứng từ ghi nhận địa điểm cảng xuất, sau đó khai báo sai thông tin xuất xứ để xuất khẩu.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các lực lượng chức năng chủ động phối hợp nắm tình hình, phân tích thông tin, đáng giá, dự báo các mặt hàng có nguy cơ giả mạo xuất xứ Việt Nam để kịp thời phát hiện các đối tượng, xây dựng các chuyên án, kế hoạch, phương án đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm.

Đáng nói, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương: Bộ Công thương sớm trình Chính phủ ban hành nghị định quy định cách xác định hàng sản xuất tại Việt Nam; Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan tư pháp nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng các tội danh trong Bộ Luật Hình sự năm 2015 như điều 192,193,194,195 và 226 để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định hàng giả làm căn cứ xử lý hình sự trong các vụ án về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đề nghị các đơn vị quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng.

Văn Huy
Phiên bản di động