Hải Dương: Giá trị sản xuất rau màu vụ Đông cao gấp hơn 2,2 lần các tỉnh phía Bắc
Kinh tế Hải Dương năm 2023 ước tăng trưởng 8,5% Bãi than của doanh nghiệp hoạt động không phép bất chấp luật pháp ? Hải Dương: Hai doanh nghiệp dùng chất thải xây dựng để san lấp dự án |
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT), Hải Dương là tỉnh có thế mạnh sản xuất cây rau vụ Đông, giá trị cao gấp hơn 2,2 lần các tỉnh phía Bắc (Hải Dương đạt 223,5 triệu đồng/ha, các tỉnh trung bình đạt 99 triệu đồng/ha).
Nông dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) đang tích cực tưới và chăm sóc cây cà rốt. |
Bên cạnh đó, Hải Dương là tỉnh đứng đầu trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ về xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn với các cây trồng chủ lực như vùng hành tỏi, cà rốt, rau cải bắp, su hào, vải, ổi, chuối, na...
Tỉnh có nhiều sản phẩm nông sản an toàn và được xuất khẩu với sản lượng lớn, điển hình như: vải chiếm trên 50% sản lượng, cà rốt trên 80% sản lượng, chuối trên 30% sản lượng... đã được xuất khẩu trong năm 2023.
Năm 2023 cũng là năm đầu tiên sản phẩm vải thiều Thanh được đưa vào suất ăn trên các chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất đã được áp dụng nhiều trong lĩnh vực trồng trọt, riêng sản xuất lúa đã áp dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu.
Vụ Đông năm 2022 - 2023, toàn tỉnh Hải Dương gieo trồng 22.005ha cây rau màu các loại, đạt 104,8% kế hoạch, sản lượng đạt hơn 486.000 tấn, tăng trên 3.200 tấn so với vụ Đông năm trước.
Giá trị sản xuất theo giá cố định ước đạt 3.501 tỷ đồng, tăng 21,2 tỷ đồng (0,6%) so với vụ Đông năm trước. Giá trị theo giá thực tế đạt 4.622 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng so với vụ Đông năm trước.
Theo kế hoạch, trong hai ngày 28 và 29/11, UBND tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2023 và triển khai kế hoạch sản xuất năm 2024 các tỉnh phía Bắc.
Các đại biểu quan vùng sản xuất cà rốt phục vụ xuất khẩu ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương). |
Theo đó, chiều 28/11, Đoàn đại biểu là đại diện các cục, vụ, viện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 28 tỉnh miền Bắc đã tới tham quan vùng sản xuất cà rốt phục vụ xuất khẩu ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) và vùng sản xuất hành tỏi tập trung tại xã Thăng Long (Kinh Môn). Đây là những mô hình sản xuất cây vụ đông chủ lực và tiêu biểu của tỉnh Hải Dương.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN - PTNT) cho biết, vụ Đông là vụ sản xuất chính của nhiều địa phương miền Bắc, đem lại giá trị rất cao trong sản xuất nông nghiệp.
Do đó, các địa phương cần phối hợp với Bộ NN - PTNT xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với từng khu vực.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN - PTNT) (giữa) cùng các đại biểu đến thăm vùng sản xuất hành tỏi tập trung tại xã Thăng Long (Kinh Môn, Hải Dương). |
Ngày 29/11, Hội nghị tổng kết sản xuất năm 2023 và triển khai kế hoạch sản xuất năm 2024 các tỉnh phía Bắc sẽ diễn ra.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ nghe báo cáo tham luận của các đơn vị Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thủy lợi...
Đồng thời, các đại biểu sẽ thảo luận đánh giá thuận lợi, khó khăn trong chỉ đạo, điều hành sản xuất và những kiến nghị đề xuất; đánh giá thuận lợi, khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, thực thi các văn bản pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, tại hội nghị còn có triển lãm trưng bày các sản phẩm vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp: Phân bón, giống cây trồng, chế phẩm, thiết bị nông nghiệp thông minh (máy bay, thiết bị tưới, thiết bị giám sát, ..) và các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tiêu biểu của tỉnh Hải Dương.