Hai công ty quảng cáo “nổ” công dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe Boca, Khớp Khang Hải
Vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng ngày càng phức tạp Cảnh báo quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Keto Slim lừa dối người tiêu dùng |
Ngày 16/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thông tin về việc xử phạt hai công ty vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm nhận được phản ánh qua đường dây nóng và đã xác minh, phát hiện Công ty TNHH Dược phẩm Khang Hải (địa chỉ tại tầng 6, nhà số 18, khu nhà số 10, ngõ 12 đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khớp Khang Hải vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Sau đó, ngày 7/4/2021, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 10/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Dược phẩm Khang Hải về hành vi vi phạm: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khớp Khang Hải trên website https://www.khopkhanghai.net và youtube tại đường link https://www.youtube.com/watch?v=1nDECutneY8&t=6s gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, với số tiền phạt: 50.000.000 đồng.
Cùng với hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc Công ty TNHH Dược phẩm Khang Hải tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm; cải chính thông tin theo quy định.
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khớp Khang Hải. |
Tương tự, Cục An toàn thực phẩm cũng xác minh, phát hiện Công ty TNHH Một Thành Viên Alifaco (địa chỉ tại tầng 4, tháp AB Imeperia Garden, 203 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Boca vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Vì vậy, ngày 5/4/2021, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 09/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Một Thành Viên Alifaco về hành vi vi phạm: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Boca trên các website https://www.viensui-boca.com và https://www.viensuiboca.work gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, với số tiền phạt: 50.000.000 đồng.
Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm, sai quy định của pháp luật.
Cụ thể, nhiều trường hợp, sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy, không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi như quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế.
Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại tự xưng là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe; các cuộc gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần lưu ý rằng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng hãy tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe và đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng phù hợp và bảo đảm sức khỏe.