Vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng ngày càng phức tạp

Thời gian qua, lợi dụng kẽ hở trong chính sách quản lý, không ít doanh nghiệp kinh doanh Thực phẩm chức năng đã cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo sản phẩm như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định về quảng cáo, nội dung quảng cáo không phù hợp với hồ sơ công bố, khiến người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin.
7 thực phẩm chức năng chứa chất cấm Thảo mộc Sơn Mai sản xuất "làm xiếc" trước mặt các cơ quan chức năng Phát hiện lượng lớn mỹ phẩm, TPCN nhập lậu tại căn hộ Sky City Tower

Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, đồng thời tăng cường quản lý, chấn chỉnh vi phạm trong hoạt động quảng cáo.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã khẩn trương vào cuộc, bước đầu đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc, chấn chỉnh và xử phạt nghiêm minh đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Tuy nhiên, do việc phân công phân nhiệm giữa các cơ quan quản lý còn khá chồng chéo, việc quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử phạt còn chưa rõ ràng dẫn đến việc ngăn chặn và xử phạt chưa thật hiệu quả, sai phạm trong việc quảng cáo thực phẩm chức năng vẫn thường xuyên xảy ra.

Thực tế, tính từ ngày 1/1/2020 đến ngày 25/9/2020, Cục An toàn thực phẩm đã ra Quyết định xử phạt 36 cơ sở vi phạm về quảng cáo với tổng số 40 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt khoảng 1,6 tỷ đồng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Phát biểu tại Tọa đàm “Vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng - Giải pháp giúp thị trường minh bạch và phát triển” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức, Bà Trần Việt Nga, Phó Cục Trưởng Cục An toàn Thực phẩm nhận định, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vi phạm vấn đề quảng cáo không nhiều, tuy nhiên tỉ lệ những tổ chức, cá nhân mua lại sản phẩm và tự quảng cáo trên thị trường vi phạm quảng cáo rất lớn và là vấn đề nan giải.

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các đơn vị này quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, thậm chí gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận tới người tiêu dùng. Bộ Y tế thời gian qua đã đưa ra rất nhiều giải pháp: ngoài xử lý theo quy định của Nhà nước, Bộ còn công khai vi phạm trên trang web của Cục An toàn thực phẩm, trên trang của Bộ Y tế và thông tin cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.

“Cụ thể, các đối tượng mở tên miền để quảng cáo, nhưng nếu vi phạm và Cục ATVSTP phát hiện ra và yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông hỗ trợ đóng tên miền đó, thì ngay lập tức họ sẽ mở tên miền khác. Hoặc họ đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng nếu bị phát hiện vi phạm sẽ chuyển máy chủ sang nước ngoài. Một trong những hành vi khác sẽ rất khó khăn cho cơ quan quản lý là quảng cáo xuyên biên giới, tức những công ty nước ngoài mua “đất quảng cáo” trên các trang thương mại, sàn giao dịch, website của các cơ quan truyền thông, và họ toàn quyền sử dụng để quảng cáo sản phẩm mà chủ cho thuê không hay biết” – Bà Nga cho biết thêm.

Để ngăn chặn tình trạng này, cục An toàn Thực phẩm đã phối hợp Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công thương, Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao,… để đưa ra các giải pháp phù hợp. Thế nhưng, hiện nay tình trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam: Những năm gần đây, thị trường TPCN tại Việt Nam đang là một mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phân phối thực phẩm chức năng, đã cố tình làm ăn chộp giật, coi lợi nhuận là trên hết, có hành vi lừa dối người tiêu dùng, cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo TPCN như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe, tiền mất tật mang và dư luận hết sức bức xúc.

Nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo như thần dược. (Hình minh họa).

Trên thị trường TPCN hiện nay, hơn 70% số thực phẩm chức năng được tiêu thụ ở nước ta là hàng sản xuất trong nước, hơn 20% còn lại là hàng nhập khẩu. Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng. Số sản phẩm được lưu hành trên thị trường là 63 sản phẩm. Đến năm 2017, có tới gần 4,190 công ty đăng ký sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng. Số lượng sản phẩm được lưu hành cũng lên tới hơn 10.930 sản phẩm. Nếu không có sự quản lý tốt trong việc quảng cáo loại sản phẩm này, hệ lụy sẽ vô cùng lớn.

Quảng cáo là hoạt động cần thiết nhằm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến người tiêu dùng; tạo thêm nhiều cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quảng cáo còn là hoạt động mang tính văn hóa và ngành kinh tế quan trọng. Vì thế, việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, hoàn thiện pháp luật quảng cáo là một yêu cầu cấp bách, vì đó không chỉ là sự thích ứng cần có của quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế mà còn là cách tăng cường sự biểu đạt các giá trị thẩm mỹ, văn hóa, xã hội ở lĩnh vực kinh tế này.

Nguồn: Sức khỏe Đời sống
suckhoedoisong.vn
Phiên bản di động