Nhiều giải pháp phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long
Dấu tích kinh thành Thăng Long xưa
GS.TSKH Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển thủ đô nhiều năm qua luôn trăn trở với công trình nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa. Ông nói, cuộc khai quật khu di tích Hoàng Thành Thăng Long vừa qua là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Kết quả khai quật đã phát lộ những dấu tích lịch sử trải dài 13 thế kỷ. Từ hơn 1.000 năm trước, đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay được vua Lý Thái Tổ chọn làm Kinh đô của nước Đại Việt, lấy tên là Thăng Long với mong muốn Kinh đô ngày càng phồn thịnh như linh vật Rồng thiêng bay lên. Trải qua các triều đại phong kiến, Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội luôn giữ vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước.
Hình ảnh Điện Kính Thiên được phục dựng bằng công nghệ 3D |
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009; được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc – UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.
Tuy vậy, cũng như GS Nguyễn Quang Ngọc và nhiều nhà khoa học khác, PGS Tống Trung Tín, Hội Khảo cổ học cho rằng, tổng thể khu Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng như các di tích liên quan rất phong phú, đa dạng, độc đáo, nhưng vì nhiều lý do chúng ta chưa khai thác đúng tầm cỡ của một di sản thế giới.
Khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên và lễ hội Ánh sáng Thăng Long
Theo PGS Tống Trung Tín, sau khi tham khảo các di sản thế giới là các kinh đô ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia và một số nước Đông Nam Á, giới nghiên cứu nhìn chung đều thấy cần có các giải pháp tổng thể phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long và các di tích liên quan để có thể đưa Thủ đô Hà Nội lên vị thế văn hoá và du lịch văn hoá hàng đầu của khu vực và thế giới. Trước tiên, theo ông, Hà Nội cần nghiên cứu, tiến đến khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên. “Các nước quân chủ Phương Đông thời xưa đều có 1 Chính điện là nơi liên thông giữa Trời - Đất và Người liên quan đến quốc thái dân an, quốc gia trường tồn. Hơn nữa, các toà chính điện ở phương Đông đều bị phá huỷ và đều được khôi phục” – ông nói.
PGS Tống Trung Tín |
Tiếp sau đó, hoàn toàn có thể tính đến việc xây dựng Bảo tàng tại chỗ các dấu tích Cung điện Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu; Xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long để trưng bày các di vật khảo cổ đa dạng, đẹp, có giá trị cao trong việc phản ánh lịch sử - văn hoá Thăng Long và Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử mà không ở đâu có. Bảo tàng chỉ cần thiết kế, sắp xếp, diễn giải khoa học, dễ hiểu, hiện đại là thu hút du khách
Đặc biệt, theo nhà nghiên cứu này, cần tính đến việc phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể của Hoàng Thành Thăng Long thông qua khôi phục nghi thức thiết lễ Đại Triều sau khi đã khôi phục Chính điện Kính Thiên; khôi phục hội đèn Ánh sáng Thăng Long nghìn năm được diễn ra hàng năm tại Hoàng thành Thăng Long – một lễ hội vốn có từ thời Lý của quốc gia, với ý nghĩa to lớn là cầu cho quốc thái dân an, quốc gia trường tồn.
“Đây sẽ là lễ hội lớn nhất Hà Nội, lớn nhất Việt Nam được người đứng đầu thành phố hoặc đất nước khai hội, thu hút khách tham quan của cả nước và thế giới” – PGS Tống Trung Tín bày tỏ kỳ vọng.
Ngoài việc khôi phục lễ hội này, để thuận tiện cho du khách và mang tính liên kết, Hà Nội cũng cần xem xét việc kết nối Hoàng Thành với các di tích khác như Văn Miếu; với sông Hồng, sông Tô Lịch, khai thác các đoạn tiêu biểu thành dòng sông Ánh sáng, kết nối với Thăng Long Tứ Trấn, Hồ Gươm…
Những nỗ lực không ngừng để phát huy giá trị di sản
Mới đây, tại buổi tiếp ông Lazarre Eloundou, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới đến công tác tại Việt Nam, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, bên cạnh tập trung thực hiện bảo tồn, khai thác tối đa tài nguyên văn hóa và phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa đặc trưng tại khu Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội cũng thực hiện nghiêm túc các cam kết của Chính phủ với Ủy ban Di sản thế giới, đặc biệt là cam kết số 01 về: “Tiếp tục mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học, nhất là tại khu Thành cổ Hà Nội, tăng cường nghiên cứu làm sáng rõ giá trị các di tích kiến trúc thời Tiền Nguyễn trên trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long”.
Hà Nội đang nỗ lực nâng tầm di sản Hoàng thành Thăng Long thông qua các tour du lịch quảng bá và các hoạt động văn hóa nghệ thuât được tổ chức tại đây. |
Các phát hiện và kết quả nghiên cứu đã đem lại nguồn tư liệu xác thực góp phần để TP quyết định đầu tư dự án khôi phục không gian chính điện Kính Thiên với các nội dung: Thực hiện việc bảo tồn tòa nhà Cục Tác chiến, nhà Con Rồng dưới dạng di sản số (hồ sơ đã được gửi đến Trung tâm Di sản thế giới) để tiến tới khôi phục toàn bộ sân Đan Trì (diện tích 34.000m2) và phục dựng chính điện Kính Thiên.
Trong năm 2023 này, Hà Nội sẽ có đủ cơ sở, bước những bước đầu tiên trong lộ trình khôi phục không gian chính điện Kính Thiên, qua đó, giúp Nhân dân và du khách quốc tế có thêm cơ hội tìm hiểu lịch sử văn hóa của Việt Nam thông qua hình dung về kiến trúc chính điện uy nghi, lộng lẫy tiêu biểu cho Hoàng thành Thăng Long, biểu trưng cho sự trường tồn của đất nước Việt Nam.
Hy vọng, với những nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học và chính quyền Hà Nội, di sản Hoàng thành Thăng Long sẽ thực sự là trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội lên vị thế hàng đầu về văn hóa và du lịch của khu vực và thế giới, hiện thực hóa mục tiêu phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 như thành phố đã đề ra.