Hà Nội: Lựa chọn sách giáo khoa xuất phát từ cơ sở và theo đúng quy trình hướng dẫn

Sáng 9/2, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2024/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022 tại UBND TP Hà Nội.
Phát động Năm an toàn giao thông 2023 Đại học Quốc gia Hà Nội công bố cấu trúc, đề cương bài thi ĐGNL 2023 Sắp diễn ra Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954”

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Tham gia Đoàn có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn (ĐBQH Đoàn TP Hà Nội).

Quang cảnh buổi giám sát
Quang cảnh buổi giám sát

Góp phần thay đổi diện mạo ngành giáo dục Thủ đô

Theo đánh giá của Đoàn ĐBQH sau quá trình giám sát cho thấy, tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 trên địa bàn TP Hà Nội đã góp phần tích cực thay đổi diện mạo ngành GD&ĐT Thủ đô.

Theo đó, với việc triển khai chương trình, sách giáo khoa, UBND TP đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học (đối với lớp 1,2,3), cấp THCS (đối với lớp 6,7) cấp THPT (đối với lớp 10); Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; Vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Tất cả các trường tiểu học, THCS đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1,2,6 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.

Về chất lượng đội ngũ nhân lực, đa số nhà trường đảm bảo về cơ cấu, số lượng và trình độ cán bộ quản lý, giáo viên. Giáo viên cơ bản và giáo viên chuyên biệt đảm bảo dạy đủ các môn học bắt buộc theo quy định. Giáo viên được phân công đúng chuyên môn, phù hợp với khả năng của mỗi người, được tạo điều kiện tốt hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, các quận, huyện đã cử các giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên tham gia học tập để có chứng chỉ đào tạo dạy được môn tích hợp theo yêu cầu của chương trình mới. 100% giáo viên dạy lớp các lớp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tập huấn đầy đủ nội dung Chương trình sách giáo khoa, kĩ thuật, phương pháp dạy học; đảm bảo đủ điều kiện theo quy định...

Hà Nội: Lựa chọn sách giáo khoa xuất phát từ cơ sở và theo đúng quy trình hướng dẫn
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát

Bên cạnh những thuận lợi còn có một số khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 như về cơ sở vật chất, diện tích đất quy hoạch tại nhiều trường trong các quận trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Một số cơ sở giáo dục tại các huyện ngoại thành nguồn lực tài chính còn hạn hẹp nên việc đầu tư cho mua sắm thiết bị dạy học phòng học, phòng chức năng còn hạn chế, khó đáp ứng ngay...

Hiện còn một số trường tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình thấp, chưa đạt được tỷ lệ giáo viên/lớp đảm bảo để tổ chức thuận lợi dạy học 2 buổi/ngày. Một số trường thiếu giáo viên các môn chuyên biệt. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy, khả năng tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại còn hạn chế ở một số cán bộ quản lý, giáo viên...

Đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của người dân

Tại buổi làm việc, Đoàn ĐBQH đã yêu cầu UBND làm rõ thêm một số nội dung như: Việc thực hiện quy hoạch, đội ngũ giáo viên thực hiện ra sao, cơ cấu chất lượng đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa; Việc bố trí kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường, cải tạo, nâng cấp, xây mới, nâng cao tỉ lệ trường chuẩn; Việc tổ chức dạy học có thật sự đạt được sự đổi mới theo chương trình học hay chưa?...

Tiếp thu những ý kiến của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định: TP Hà Nội lựa chọn sách giáo khoa xuất phát từ cơ sở, theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ GD&ĐT chứ không có định hướng, gợi ý các trường.

Với tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số nơi, thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục giao cho các ngành chức năng nghiên cứu cơ chế chính sách để đáp ứng đủ số giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy và học.

Hà Nội: Lựa chọn sách giáo khoa xuất phát từ cơ sở và theo đúng quy trình hướng dẫn
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi giám sát

Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Phạm Thị Thanh Mai đánh giá: TP Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nghiệm túc, đầy đủ, toàn diện, khá kịp thời triển khai 2 Nghị quyết của Quốc hội. Mặc dù thực hiện Nghị quyết trong điều kiện còn một số nơi thiếu trang thiết bị dạy học, một số trường học quá tải nhưng các giáo viên đã sáng tạo, cố gắng tốt nhất trong điều kiện hiện có để đáp ứng yêu cầu tối thiểu.

Với mong muốn hướng đích nhanh nhất có thể, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị UBND TP tiếp tục quan tâm rà soát mạng lưới các cơ sở giáo dục, bố trí hợp lý nhất đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của người dân về trường học; Sử dụng hiệu quả nhất nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục, với những danh mục đã được bố trí, thông qua chủ trương đầu tư cần khẩn trương thực hiện với trách nhiệm cao nhất.

Đồng thời, thực hiện ngay việc giám sát, đôn đốc những gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục; Phối hợp với các sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn thực hiện đúng quy định.

Quan tâm tới vấn đề tuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thiếu cục bộ, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP đề nghị UBND TP quan tâm hỗ trợ cho một số địa phương về nội dung này.

Hạnh Nguyên
Phiên bản di động