Hà Nội: Khảo sát tiền lương, thu nhập của người lao động tại các doanh nghiệp

Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội sẽ tổ chức khảo sát khoảng 500 đoàn viên và nguời lao động tại các doanh nghiệp trong ngành dệt may, công thương, xây dựng, nông nghiệp... để nắm bắt tình hình lao động, tiền lương, thu nhập...
Kịp thời biểu dương công nhân, người lao động động sáng tạo trong lao động, sản xuất Đề xuất người lao động có hợp đồng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp Hà Nội: Hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng cho người lao động mất việc, giảm giờ làm

Theo Kế hoạch Khảo sát về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động năm 2023 của LĐLĐ TP Hà Nội: Thời gian khảo sát sẽ tiến hành trong từ 10-11/4/2023 với hai hình thức, trực tiếp và gián tiếp (lấy phiếu khảo sát).

Với hình thức khảo sát trực tiếp sẽ thực hiện tại 10 công đoàn cơ sở của Công đoàn ngành Xây dựng và Công đoàn các Khu công nghiệp - Chế xuất Hà Nội.

Đối với hình thức khảo sát gián tiếp sẽ tổ chức tại 22 công đoàn cơ sở của Công đoàn ngành: Dệt may, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT và Công đoàn Tổng Công ty Thương mại dưới hình thức phiếu hỏi.

Nội dung khảo sát sẽ tập trung vào các nội dung như: Tình hình lao động, việc làm, tiền lương, thu nhập của người lao dộng trong các doanh nghiệp; Tình hình chi tiêu, đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp (so sánh giữa thu - chi và tương quan với mức sống tối thiểu...); Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng 2023 và những tác động của việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.

Với phương châm khảo sát khoa học, khách quan, trung thực, LĐLĐ TP Hà Nội sẽ chọn Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở doanh nghiệp có đông lao động thuộc ngành công nghiệp, dịch vụ trong các loại hình doanh nghiệp (vốn nhà nước, FDI và dân doanh) để tiến hành khảo sát.

Cụ thể, sẽ chọn 500 người lao động/10 doanh nghiệp phân bổ tại 1 - 2 vùng lương, thuộc các lĩnh vực, ngành nghề có mức tiền lương trung bình và thấp như: lắp ráp điện, điện tử; xây dựng. Mỗi doanh nghiệp lấy ý kiến 50 người lao động, đảm bảo đủ cơ cấu, giới tính, độ tuổi, vị trí công việc.

Đối với doanh nghiệp, sẽ chọn 32 doanh nghiệp phân bổ tại 1 - 2 vùng lương, thuộc các lĩnh vực, ngành nghề có mức tiền lương trung bình và thấp như: Chế biến nông lâm thủy sản; Dệt may, giày da; Giao thông vận tải và dịch vụ - thương mại; Lắp ráp điện, điện tử; Xây dựng.

Đối với cán bộ công đoàn, sẽ chọn 32 cán bộ Công đoàn thuộc Công đoàn cơ sở doanh nghiệp phân bố tại 1 - 2 vùng lương, thuộc các lĩnh vực, ngành nghề có mức tiền lương trung bình và thấp như: Chế biến nông lâm thủy sản; Dệt may, giày da; Giao thông vận tải và dịch vụ - thương mại, lắp ráp điện, điện tử; xây dựng.

Kết quả của cuộc khảo sát này sẽ là cơ sở để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuẩn bị các phương án đề xuất để thương lượng, đàm phán tại Hội đồng tiền lương quốc gia về điều chỉnh mức lương tối thiếu vùng năm 2023.

Đồng thời, thông qua khảo sát sẽ đánh giá tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu, đời sống của người lao động và tác động của việc thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp năm 2023.

Hạnh Nguyên
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động