Hà Nội: Hơn 8.000 lượt công dân thực hiện cấp lý lịch tư pháp trên VNeID

Trong vòng hơn 1 tháng triển khai thực hiện, đến nay đã có trên 8.000 lượt công dân thực hiện yêu cầu cấp lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID với con số 78,6% số cấp phiếu được cấp.
Cho phép Hà Nội được duyệt xây các công trình tại bãi sông, bãi nổi Hà Nội: Thêm một tuyến du lịch đường sông qua Bát Tràng

Đây là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đưa ra tại Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Theo ông Hải, Hà Nội nhận thức được Đề án 06 là đề án tiền đề mang tính đột phá để xây dựng Chính phủ điện tử và hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đây là phương thức quan trọng hiệu quả nhất để có thể đi tắt đón đầu chuyển đổi xanh, phát triển nhanh và bền vững.

Thời gian qua, bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với sự hỗ trợ tháo gỡ và tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự giúp đỡ hỗ trợ của Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, C06 Bộ Công an, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), việc triển khai đề án của thành phố Hà Nội đã đạt được một số kết quả.

Thứ nhất là nhận thức tư duy cách làm trong công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số triển khai Đề án 06 của các cơ quan đơn vị và các quận, huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều đổi mới sáng tạo, đạt kết quả cụ thể thiết thực nhất định.

Cụ thể, về kết quả triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử ứng dụng VNeID đến nay đã cơ bản hoàn thành triển khai thí điểm và hoàn thành 4/4 nội dung quan trọng theo kế hoạch.

Hà Nội: Hơn 8.000 lượt công dân thực hiện cấp lý lịch tư pháp trên VNeID
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải.

Hà Nội đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn phục vụ công tác quản lý khám chữa bệnh; kết nối chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh của người dân với phần mềm quản lý sức khỏe với 651 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, đã cấp tài khoản 3.900 cán bộ y tế; tạo dữ liệu của trên 9,2 triệu người dân với 16,2 triệu lượt khám chữa bệnh trên phần mềm sức khỏe điện tử từ các nguồn dữ liệu; đồng bộ hoá 3,5 triệu hồ sơ người dân với 48/48 trường thông tin theo hướng dẫn của Bộ Y tế (chỉ riêng việc việc bỏ sổ giấy đã tiết kiệm cho người dân 8,1 tỷ đồng).

Đồng thời, Hà Nội đã đưa vào vận hành hệ thống vé điện tử và triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe. Thành phố cũng đã triển khai thí điểm hệ thống giám sát giao thông thông minh, dự kiến từ cuối tháng 6/2024 sẽ vận hành thí điểm.

Thành phố cũng đã triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại 57 điểm trông giữ xe trên địa bàn 9 quận và sẽ có thêm 7 quận nữa triển khai thí điểm với kết quả là có trên 70,9% lượt giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó bảo đảm công khai, minh bạch, tiện lợi được sự ủng hộ của người dân. Hiện nay, các đơn vị đang hoàn thiện công nghệ hướng tới áp dụng công nghệ theo nguyên tắc 2 không 1 có (Không dùng tiền mặt, không dừng và có hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan chức năng).

Về cấp lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, được sự quan tâm hỗ trợ chỉ đạo sâu sắc của Tổ Đề án 06, thành phố Hà Nội và thành phố Huế đã thực hiện thí điểm cấp lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID từ 22/4/2024. Thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ 100% lệ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân. Trong vòng hơn 1 tháng triển khai thực hiện, đến nay đã có trên 8.000 lượt công dân thực hiện yêu cầu cấp lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID với con số 78,6% số cấp phiếu được cấp.

Về chi trả an sinh xã hội, lương hưu và trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt, Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai tới các quận, huyện để thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là sự vào cuộc của lực lượng công an cơ sở, công chức cấp xã rồi các tổ dân phố, ngân hàng thương mại. Đến nay, trong vòng 10 ngày tỷ lệ vận động các đối tượng đăng ký tài khoản ngân hàng đã tăng hơn 60% và đạt 93,4%; còn trợ cấp bảo hiểm xã hội trả lương hưu trong vòng 21 ngày đã đạt 95,4%, tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước khi thực hiện.

Về việc triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử theo tinh thần Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Thuế Hà Nội đã ban hành kế hoạch phối hợp chặt chẽ, xây dựng dữ liệu, xây dựng tiêu chí chuyển hóa cơ sở dữ liệu định danh, với phương châm là nắm chắc đối tượng, nắm chắc kê khai, nắm chắc đồng tiền.

Tính đến tháng 6/2024, Hà Nội đã định danh tổng hợp dữ liệu lớn về thương mại điện tử gồm 418 doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử; 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm và nội dung số.

Trên cơ sở những dữ liệu từ 3 sàn lớn nhất, Cục Thuế Hà Nội đã tổng hợp chuẩn hóa dữ liệu về chủ thể, doanh thu của trên 366.000 shop, tương ứng với 197.000 mã số tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh trên 3 sàn và đến nay tổng số thuế nộp của 418 doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử là 2.547 tỷ đồng và của các hộ kinh doanh cá nhân 7.362 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong triển khai Đề án 06, đặc biệt là tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn; chủ động trong việc đề xuất các thí điểm với các việc mới, khó trong thực hiện, rất mong Tổ Để án 06 Chính phủ ủng hộ cho Hà Nội tiếp tục triển khai thí điểm.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục tham mưu báo cáo đề xuất tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc về thể chế, tiêu chuẩn, định mức, dữ liệu, đặc biệt là chia sẻ kết nối dữ liệu và thanh toán không dùng tiền mặt, tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho việc chuyển đổi số.

Hậu Lộc
Phiên bản di động