Hà Nội dự kiến sẽ có 3 thành phố trực thuộc Thủ đô

Theo tờ trình Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, UBND TP Hà Nội đề xuất mô hình thành phố trong Thủ đô gồm phía Tây, phía Bắc và phía Nam,
Nguyên nhân vụ động đất tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội Hà Nội luôn nỗ lực thể hiện vai trò dẫn dắt và kết nối của Thủ đô

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND TP Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo nội dung Đồ án, Hà Nội dự báo đến năm 2030 trên địa bàn có 12 triệu người, đến năm 2045 là 14,6 triệu người, đến năm 2050 là 15,5 triệu người.

Về quy hoạch sử dụng đất, Hà Nội dự báo đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 88.000 - 90.000ha (chiến 27% diện tích toàn thành phố); đến năm 2025 đất xây dựng đô thị khoảng 115.000 - 120.000ha (chiếm 36% diện tích toàn thành phố).

Hà Nội xác định quy hoạch đô thị theo 5 vùng. Trong đó, vùng đô thị trung tâm gồm nội đô lịch sử (các quận nội thành hiện hành) và khu vực mở rộng đô thị về các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì…

Hà Nội dự kiến sẽ có 3 thành phố trực thuộc Thủ đô
Sông Hồng sẽ biểu tượng phát triển của Thủ đô.

Vùng đô thị phía Đông Hà Nội gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Vùng đô thị phía Bắc gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Vùng đô thị phía Tây gồm các huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ. Vùng đô thị phía Nam gồm các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đề xuất áp dụng mô hình thành phố trong Thủ đô.

Theo đó, Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng thành phố phía Bắc, nằm trên địa bàn các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn. Thành phố phía Tây thuộc Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) và thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ).

Đặc biệt, sau khi hình thành sân bay thứ 2 vùng Thủ đô, Hà Nội sẽ xây dựng thành phố khu vực phía Nam (huyện Phú Xuyên và huyện Ứng Hòa).

Theo Đồ án, thành phố phía Bắc của Hà Nội sẽ lấy sân bay Nội Bài là hạt nhân định hướng phát triển các ngành nghề, dịch vụ. Đồng thời thành phố phía Bắc sẽ là trung tâm dịch vụ về tài chính, công nghiệp công nghệ cao của Hà Nội; có các trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao giải trí.

Thành phố khu vực phía Nam (huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa), định hướng nhằm xây dựng trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng) và đường cao tốc (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 5B - Tây Bắc).

Thành phố phía Tây có trung tâm là khu công nghệ cao Hòa Lạc và thị trấn Xuân Mai, định hướng sẽ là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm bán dẫn, phần mềm, trí tuệ nhân tạo.

Theo UBND TP Hà Nội, mô hình thành phố trong Thủ đô nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logicstics; thương mại quốc tế; tài chính... để hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.

Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như thành phố, quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển.

Cũng theo Đồ án, Hà Nội định hướng có 5 trục không gian chính, gồm trục Sông Hồng phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông.

Trục Hồ Tây - Ba Vì kết hợp đồng bộ không gian Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6; xây dựng trục kết nối văn hóa Thăng Long - Xứ Đoài, kết nối trung tâm Thủ đô với thành phố phía Tây và kết nối các tỉnh lân cận phía Tây, Tây Bắc, vùng miền núi và trung du phía Bắc.

Trục Hồ Tây - Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị lịch sử; kết hợp đồng bộ không gian kết nối Hồ Tây- Cầu Tứ Liên- Cổ Loa. Bố trí các công trình văn hóa, công trình biểu tượng dọc trục, kết hợp với các làng truyền thống, cảnh quan mặt nước và khu di tích Thành Cổ Loa trở thành không gian văn hóa lịch sử và văn hóa.

Trục Nhật Tân - Nội Bài là trục phát triển kinh tế, đô thị thông minh, hiện đại (kết hợp đồng bộ với không gian trục Bắc Thăng Long – Nội Bài), kết nối với các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đường xuyên Á, gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài và Thành phố phía Bắc.

Trục Nam Hà Nội phát triển mới trục không gian phía Nam gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính; Kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc, Cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô và đô thị Phú Xuyên, đồng bộ với trục Quốc lộ 1A, 1B, đường Hồ Chí Minh, kết nối cao tốc Tây Bắc và các tỉnh phía Nam, tạo dư địa và động lực phát triển mới.

Theo Đồ án, trục sông Hồng được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, là mặt tiền, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng.

UBND TP Hà Nội muốn sông Hồng sẽ biểu tượng phát triển của Thủ đô, bởi hội tụ các yếu tố về tự nhiên, văn hóa lịch sử và tầm vóc để so sánh với các đô thị lớn của thế giới, các nền văn minh lớn của quốc tế, xứng tầm để quy hoạch phát triển trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội sẽ phát triển sông Hồng trở thành không gian phát triển, không gian sinh thái, không gian văn hóa, không gian kinh tế, nơi thể hiện các biểu tượng phát triển của Thủ đô về dịch vụ, khoa học công nghệ, văn hóa, không gian kiến trúc của Hà Nội theo từng thời kỳ phát triển.

Hậu Lộc
Phiên bản di động