Hà Nội đã có quy hoạch phân khu sông Hồng

Quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ tạo nguồn lực quan trọng về đất đai, cảnh quan, môi trường, là điểm tựa cho phát triển của Thủ đô.
"Giải cứu" sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng như thế nào? Hà Nội chưa thể “chốt” được quy hoạch hai bờ sông Hồng: Vướng mắc từ đâu?

Đồ án quy hoạch sông Hồng là điểm tựa phát triển Thủ đô

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Thường trực Thành ủy Hà Nội đã góp ý chủ trương, định hướng lớn vào bản dự thảo Quy hoạch phân khu sông Hồng. Theo đó, Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000ha, thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

Hà Nội đã có quy hoạch phân khu sông Hồng
Hà Nội đã có quy hoạch phân khu sông Hồng.

Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục hoàn thiện, trình Ban Thường vụ Thành ủy trước khi làm việc với các bộ, ngành Trung ương để thống nhất các nội dung quan trọng trước khi phê duyệt.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ tạo nguồn lực quan trọng về đất đai, cảnh quan, môi trường, là điểm tựa cho phát triển của Thủ đô.

TP Hà Nội khẳng định việc đưa ra đồ án 1/2.000 quy hoạch phân khu sông Hồng là bước tiến lớn sau thời gian dài lâm vào bế tắc vì vướng quy hoạch thoát lũ.

Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và làm việc với các bộ, ngành về những vấn đề còn vướng mắc trước khi phê duyệt.

Vướng mắc do quy hoạch thoát lũ

Trước đó, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - ông Trần Quang Hoài bày tỏ sự sốt ruột về những tồn tại hai bên bờ sông Hồng, nhất là khu vực qua địa bàn Hà Nội mà nguyên nhân là do quy hoạch phân khu chưa thể thực hiện.

“Về việc cải tạo chỉnh trang khu vực bãi sông, chúng tôi rất muốn vừa là làm sao phát triển khu vực bãi sông, vừa đảm bảo đúng luật pháp để phát triển Thủ đô. Mỗi lần đi kiểm tra khu vực bãi sông là thấy những tồn tại mà chúng ta không thể để như thế này được. Nhưng để đảm bảo được việc này, rất mong thành phố xây dựng phương án phòng chống lũ trong quy hoạch phát triển Thủ đô”, ông Trần Quang Hoài nói.

Hà Nội đã có quy hoạch phân khu sông Hồng
Vướng mắc quy hoạch thoát lũ là nguyên nhân gây cản trở.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, vướng mắc quy hoạch đã kìm hãm phát triển ở khu vực này, các nhà đầu tư không dám đầu tư, các công trình đều "án binh bất động”. Do không có quy hoạch hai bên sông Hồng nên nhiều nguồn lực bị lãng phí.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, muốn quy hoạch được hai bên bờ sông Hồng thì quy hoạch thoát lũ là quan trọng nhất. Vì vậy, Hà Nội xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chủ trương, hướng dẫn, thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

“Phải phủ kín những quy hoạch theo quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô hiện có mà Thủ tướng đã phê duyệt đến năm 2030, tầm nhìn 2050, nhất là vấn đề quy hoạch hai bờ sông Hồng, phủ kín các quy hoạch về sông Hồng. Sử dụng được nguồn tài nguyên, nhất là vùng bãi ven sông. Muốn quy hoạch hai bờ sông Hồng, rồi dọc các bờ sông khác thì vấn đề thoát lũ là vấn đề quan trọng nhất. Vấn đề quy hoạch, phát triển các nguồn lực của Hà Nội cũng rất quan trọng”, ông Vương Đình Huệ cho hay.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Phạm Hồng Hà cho rằng, trong quy hoạch thiết kế đô thị, cùng với trục hai bên sông Tô Lịch, Láng Hòa Lạc, hồ Tây thì quy hoạch hai bên bờ sông Hồng vô cùng quan trọng trong quy hoạch và thiết kế đô thị của Hà Nội. Hiện, quy hoạch hai bên sông Hồng đang vướng vào quy hoạch thoát lũ, nhưng nếu tất cả tập trung nghiên cứu, xử lý thì chúng ta vẫn đạt được yêu cầu của ngành nông nghiệp là phòng, chống thiên tai, mà vẫn khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế hai bên bờ sông Hồng.

Hà Gia
Phiên bản di động