Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Gỡ “nút thắt” quan trọng cho nguồn vốn đầu tư phát triển Thủ đô

Thông qua việc sửa đổi Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ được trao quyền chủ động quyết định và có được một cơ chế rõ ràng về việc sử dụng, phân bổ và giải ngân các nguồn vốn này cho các mục đích chi đầu tư phát triển, tập trung cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.
Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị tại Luật Thủ đô (sửa đổi) Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị tại Luật Thủ đô (sửa đổi)

Nâng cao năng lực, tính chủ động

Qua hơn 9 năm thực hiện, Luật Thủ đô năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền các cấp và Nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô; Các cấp chính sách, cơ chế quy định trong luật đã góp phần giúp thành phố Hà Nội đạt được một số thành tựu nhất định.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, dự án luật này vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, mặt khác cũng bộc lộ một số tồn tại và yêu cầu mới trong bối cảnh mới.

Do đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp để Hà Nội phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ tạo ra sự chủ động cho Hà Nội nhờ cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho sự phát triển.

Quy định về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho Thủ đô đã được ghi nhận tại Chương IV Dự thảo lần 2 Luật Thủ đô, từ Điều 37 đến Điều 41. Nội dung dự thảo đã kế thừa các quy định tại Điều 21 Luật Thủ đô 2012; kế thừa và luật hóa một số nội dung tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Gỡ “nút thắt” quan trọng cho nguồn vốn đầu tư phát triển Thủ đô
Sử đổi Luật Thủ đô giúp Hà Nội nâng cao năng lực, tính chủ động về ngân sách

Theo PGS.TS Bùi Hữu Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương Mại, các biện pháp được quy định trong Điều 37 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có vai trò nâng cao năng lực và tính chủ động về ngân sách Nhà nước của Thủ đô nhằm thực hiện các nhiệm vụ chi cho đầu tư phát triển.

Đơn cử như việc áp dụng trên địa bàn Hà Nội một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của Thủ đô, ngân sách Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, sẽ có những cải thiện đáng kể đối với năng lực ngân sách Nhà nước của Hà Nội.

Theo ông Đức, tác động hết sức quan trọng của các giải pháp này là nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng của Thủ đô, nâng cao tính chủ động và tính tập trung của ngân sách Nhà nước của Hà Nội khi phân bổ, sử dụng và giải ngân các nguồn lực về ngân sách nhà nước cho các mục đích chi đầu tư phát triển.

“Điểm đáng chú ý là các biện pháp có tính khả thi cao do phần lớn các nguồn vốn này nằm trong khả năng thu của Thủ đô và không ảnh hưởng đáng kể tới cân đối ngân sách Nhà nước Trung ương”, ông Đức nhận định.

Theo Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương Mại, vấn đề có tính chất quyết định là Thủ đô sẽ được trao quyền chủ động quyết định và có được một cơ chế rõ ràng về việc sử dụng, phân bổ và giải ngân các nguồn vốn này cho các mục đích chi đầu tư phát triển, tập trung cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.

Thông qua các quy định về biện pháp này trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tháo gỡ một nút thắt quan trọng về sự thiếu hụt nguồn vốn để chi cho đầu tư phát triển của Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2030 và các giai đoạn tiếp theo trong tương lai. Từ đó, tác động lớn nhất của giải pháp chính sách này là góp phần giải được bài toán về vốn đối với các công trình đầu tư công, đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng của Thủ đô.

Cần cơ chế đặc thù về đầu tư

PGS.TS Bùi Hữu Đức cũng đánh giá, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) còn có một số nội dung dễ làm nảy sinh bất cập.

Theo ông Đức, Khoản 2 Điều 37 của dự thảo Luật Thủ đô đề xuất cho phép chính quyền Hà Nội áp dụng những khoản phí chưa được quy định trong danh mục của Luật phí và lệ phí. Việc này có thể giúp chính quyền TP Hà Nội có thể cung cấp thêm các dịch vụ công phù hợp với đặc điểm của thành phố mà không nhất thiết phải sửa đổi văn bản ở cấp luật. Mặc dù vậy, điều này dễ dẫn đến sự tùy tiện trong việc ban hành các loại phí và phá vỡ nguyên tắc của Luật phí và lệ phí.

Gỡ “nút thắt” quan trọng cho nguồn vốn đầu tư phát triển Thủ đô
Các dự án đầu tư hạ tầng giao thông chiếm từ 60 - 70% vốn đầu tư công của Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Liên quan đến việc huy động các nguồn lực từ các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội, ông Đức cho rằng cần nghiên cứu để quy định một cách phù hợp, thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Từ việc phân tích tác động tích cực và tiêu cực của quy định về huy động nguồn vốn cho ngân sách Nhà nước của Thủ đô, ông Đức đề xuất một số kiến nghị nhằm khắc phục bất cập một số nội dung của Điều 37, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bổ sung nguyên tắc đối với hoạt động ban hành thêm một số loại phí ngoài danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí. Việc cho phép chính quyền TP Hà Nội đặt ra loại phí mới cần được thực hiện một cách thận trọng và cần bổ sung thêm ba nguyên tắc để bảo đảm tránh sự tùy tiện khi thực hiện.

Cụ thể, việc đặt thêm các loại phí mới vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc của Luật phí và lệ phí; Việc đề xuất và ban hành loại phí mới phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và bộ thuộc lĩnh vực dịch vụ công liên quan và tiến hành lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động; Công tác thẩm định đề xuất chính sách và dự thảo văn bản pháp luật về loại phí mới phải được thực hiện theo hình thức Hội đồng thẩm định với đầy đủ thành phần đồng thời xác định cụ thể thời gian, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý trong quá trình thẩm định.

Về huy động các nguồn lực từ các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án.

PGS.TS Bùi Hữu Đức cho rằng, phương án 1 sẽ là phù hợp hơn cả nhằm tạo cơ chế rõ ràng, thuận lợi cho Hà Nội có nguồn lực đầu tư, phát triển.

Đó là cần có cơ chế đặc thù để Hà Nội có tiềm lực thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô, các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự án phát triển đô thị theo TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng), hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời, thì cần thiết phải quy định ngân sách thành phố được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội

Ông Đức lưu ý, về huy động nguồn lực tài chính cho Thủ đô, cần tiếp cận theo hướng Luật Ngân sách Nhà nước là luật chung, quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các địa phương; Luật Thủ đô là luật riêng, có thể quy định những nội dung mang tính đặc thù.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương mại, Luật Ngân sách Nhà nước cần ghi nhận nguyên tắc công nhận tính đặc thù, ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô khi có sự khác biệt liên quan đến huy động ngân sách của chính quyền thành phố Hà Nội.

Việc quy định theo hướng này sẽ đảm bảo nội dung về huy động nguồn lực tài chính trong Luật Thủ đô vừa phù hợp Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, vừa phù hợp với quy định mang tính nguyên tắc khi Luật Ngân sách Nhà nước được sửa đổi, bổ sung trong tương lai.

Khánh Khoa
Phiên bản di động