Giáo dục thiếu nhi bằng sự sinh động thông qua các phong trào

Các đại biểu cho rằng, muốn giáo dục lý tưởng cho thiếu niên, nhi đồng phải gắn với phong trào hành động cách mạng, dễ nhớ, dễ hiểu.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô là người anh, người bạn lớn của thanh thiếu nhi Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn sẽ đối thoại với thanh thiếu nhi Việt Nam

Ngày 28/3, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ phụ trách thiếu nhi xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Các đồng chí: Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; Lê Hải Long, Trưởng ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương chủ trì hội nghị.

Giáo dục lý tưởng cho thiếu nhi cần dễ nhớ, dễ hiểu

Hội nghị được tổ chức nhằm phát huy trí tuệ và trách nhiệm của cán bộ phụ trách thiếu nhi trong xây dựng và góp ý về những vấn đề lớn của dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII về công tác phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Hội nghị lấy ý kiến cán bộ phụ trách thiếu nhi xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII
Hội nghị lấy ý kiến cán bộ phụ trách thiếu nhi xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Đánh giá, nhận định về kết quả công tác phụ trách Đội, bảo vệ chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng nhiệm kỳ 2017 - 2022; Những hạn chế, khó khăn trong công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh; Các giải pháp nâng cao hiệu quả của tổ chức Đoàn trong công tác phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh; Giải pháp thực hiện Luật Trẻ em và nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em…

Chia sẻ tại hội nghị, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương cho rằng, thực tế hiện nay, nhiều thiếu nhi đang xử sự theo xu hướng bạo lực; Tình trạng tự kỷ, tự tử do áp lực gia tăng. Nguyên nhân có phải sự quan tâm của Đoàn, Đội với thiếu nhi chưa đúng mức? Thời gian qua, tổ chức Đoàn, Đội cũng chưa mạnh dạn lên tiếng vấn đề này. Vì thế, việc giáo dục lý tưởng cho thiếu nhi rất quan trọng.

Tuy nhiên, theo nguyên Bí thư Trung ương Đoàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Phạm Phương Thảo, giáo dục lý tưởng cho thiếu nhi phải hết sức dễ hiểu, gắn với chủ đề, chủ điểm, các loại hình sản phẩm văn học nghệ thuật, sinh hoạt truyền thống; Làm sống lại các sự kiện lịch sử văn hóa, dân tộc.

Giáo dục các em thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy cần gắn với phong trào hành động. “Chúng ta phải giáo dục thiếu nhi bằng sự sinh động thông qua phong trào, nếu nói suông khó có thể giáo dục được”, đồng chí Phạm Phương Thảo nói.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Để giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn cho thiếu niên, nhi đồng, cần có sự phối hợp đồng bộ, đề xuất không cắt giảm các thiết chế văn hóa, chỗ chơi, công viên cho thanh thiếu nhi; Bên cạnh đó, tăng thêm sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, chương trình giờ vàng cho thiếu nhi.

“Nên chăng chúng ta đề xuất chính sách để các chuyên gia, văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm chất lượng cho thiếu nhi và có chế độ thù lao hấp dẫn để họ làm tốt việc này hơn”, bà Thảo đề xuất.

Có giải pháp căn cơ, lâu dài

Đồng chí Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Sông Bé cũng cho rằng, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng là việc hết sức quan trọng và cần xem đó là một chiến lược phát triển. Bởi chuẩn bị kỹ lượng, tốt cho các thiếu niên, nhi đồng là chuẩn bị trước một bước cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và là lực lượng kế cận trung thành, xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng.

“Chăm sóc, bảo vệ, giáo dục thiếu niên, nhi đồng là công việc mang tính chiến lược cần sự chung tay của mọi cấp, ngành cùng thực hiện; Làm khẩn trương, tích cực, căn cơ, bài bản, khoa học, bền bỉ, lâu dài. Đồng thời, chúng ta cần hợp thành hệ thống lý luận, phương pháp về công tác Đội, chăm sóc giáo dục, thiếu niên nhi đồng”, đồng chí Nguyễn Văn Thỏa nhấn mạnh.

Bí thư Trung ương Đoàn
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết: Hội nghị có số lượng đại biểu tham gia đông nhất trong các hội nghị mà Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo chính trị. Hội nghị có 129 điểm cầu với gần 900 đại biểu tham dự. Ngoài 17 ý kiến phát biểu trực tiếp, Ban Tổ chức nhận được 25 tham luận của chuyên gia và cán bộ Đội, 29 báo cáo tham luận đóng góp của các Tỉnh, Thành đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố.

Các ý kiến đều có giá trị rất lớn về lý luận và thực tiễn. Những ý kiến này sẽ giúp Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội Trung ương có thêm nhiều thông tin, cơ sở chiến lược quan trọng để tổ chức Đoàn, Đội xác lập những giải pháp hiệu quả, phù hợp trong dự thảo báo cáo chính trị của nhiệm kỳ mới rõ nét hơn.

Đồng thời, các ý kiến tập trung gợi mở các vấn đề mới, cách tiếp cận khoa học, phù hợp hơn để xác lập những nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ mới. Trong đó, các đại biểu tập trung góp ý cho việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Đoàn; Đề xuất bổ sung, làm rõ nội hàm các giải pháp hiện có trong dự thảo của công tác phụ trách Đội và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng nhiệm kỳ mới…

Đây sẽ là cơ sở góp phần đưa các phong trào có sức lan tỏa, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và sở thích của các em thiếu nhi.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động