Giáo dục, chấn chỉnh vi phạm giao thông học đường

Liên ngành công an - đơn vị Thường trực Ban Chỉ đạo 197 các cấp trên địa bàn TP Hà Nội đang chú trọng giáo dục, chấn chỉnh vi phạm giao thông đối với các em học sinh và cả các vị phụ huynh.
Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên Giáo dục kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh cấp THCS Thống nhất phương án mua sách giáo khoa trang bị cho các thư viện trường học để học sinh mượn

Nhiều lý do “biện minh”

Để thực hiện nghiêm chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025, với chức năng, nhiệm vụ được phân công, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội - Đơn vị Thường trực Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội - đã giao các Đội địa bàn ra quân xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông liên quan đến môi trường học đường. Trong đó, CSGT tập trung vào xử lý những phụ huynh không tuân thủ Luật giao thông đường bộ khi đưa đón trẻ đến trường.

Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) lưu ý, việc xử lý vi phạm quyết liệt không ảnh hướng đến quá trình học tập của học sinh. Đồng thời, tuân thủ quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an sở tại và nhà trường đã được cam kết trước đó.

Theo Đại tá Nghĩa, các đơn vị CSGT khu vực nội thành vừa bảo đảm điều tiết an toàn giao thông (ATGT) trước cổng trường học, vừa bảo đảm xử lý nghiêm những hành vị vi phạm. Đối với khu vực ngoại thành, CSGT ngoài xử lý hành vi vi phạm giao thông của học sinh, phụ huynh học sinh thì các đơn vị cần tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn của xe ô tô đưa đón của các trường.

Thông tin từ Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT) ngay trong ngày ra quân các đơn vị đã lập biên bản hàng chục trường hợp là phụ huynh, học sinh các trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trong đó, phần lớn các lỗi vi phạm như: không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe vượt đèn đỏ, đi không đúng phần đường làn đường theo quy định... khi tham gia giao thông.

Ghi nhận tại ngã tư Ngô Quyền - Hai Bà Trưng, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), từ 6 giờ sáng ngày 19/10, tổ công tác Đội CSGT số 1 đã ra hiệu lệnh dừng xe và đưa người cùng phương tiện nhiều trường hợp vi phạm vào chốt để làm việc.

Một trường hợp phụ huynh đưa trẻ đến trường vi phạm Luật giao thông đường bộ
Một trường hợp phụ huynh đưa trẻ đến trường vi phạm Luật giao thông đường bộ

Điển hình là trường hợp là phụ huynh đèo theo con nhỏ khi cả hai đều không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh qua ngã tư. Sau khi phát hiện tổ công tác, người phụ nữ này định tăng ga bỏ chạy song đã bị lực lượng chức năng giữ lại, đưa vào chốt để làm việc.

Tại chốt, người phụ nữ lái xe khai nhận tên L.V.L (sinh năm 1981 ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). "Tôi đang trên đường cho con đi học, sau đó về nhà lại tiếp tục đưa con trai tới một lớp học thêm khác. Vì vậy, do vội quá nên không kịp mang theo mũ bảo hiểm..." - chị L.V.L đưa ra lý do.

Tiếp đó, lực lượng chức năng phát hiện anh L.A.T (sinh năm 1979 ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển xe máy chở theo hai em nhỏ áo đồng phục học sinh, cả ba đều không đội mũ bảo hiểm. Cũng giống như một số trường hợp kể trên, anh T cho biết bản thân do vội đón con nên đã quên mang mũ cho các cháu. Sau khi được tuyên truyền nhắc nhở, anh T đã hứa sẽ không tái phạm.

Còn với trường hợp nữ sinh tên N.N.T.A (sinh năm 2007) học sinh thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, là người điều khiển phương tiện cho biết, do hai em đi học vội nên đã quên không mang mũ bảo hiểm. "Sau khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền, em với bạn đi cùng đã nhận thức được hành vi vi phạm và cam kết sẽ không tái phạm nữa...", N.N.T.A bày tỏ.

Cá biệt vẫn còn trường hợp phát hiện một nhóm học sinh đèo nhau trên xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh trên đường dù CSGT đã ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, khi vừa thấy tổ công tác, nhóm học sinh trên đã liều mình quay xe, phóng nhanh về hướng đường ngược lại.

“Chế tài nghiêm”, ngừa sai phạm

Trực tiếp làm nhiệm vụ, Đại úy Ngô Xuân Giang - Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT) cho biết, địa bàn phụ trách với nhiều trường học từ Tiểu học đến THPT nên vào giờ cao điểm vẫn còn tình trạng phụ huynh học sinh và cả học sinh điều khiển xe máy vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Bởi vậy, ngay vào đầu các năm học, Đội CSGT số 1 tiến hành phối hợp với nhà trường, mở các hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền cho các em học sinh biết và nắm rõ về ATGT đường bộ. Qua đó, giúp cho học sinh có thể chấp hành tốt hơn Luật giao thông đường bộ, giảm tỷ lệ vi phạm và nguy cơ tai nạn giao thông.

Vẫn còn tình trạng học sinh sử dụng xe máy điện không đội mũ bảo hiểm đến trường
Vẫn còn tình trạng học sinh sử dụng xe máy điện không đội mũ bảo hiểm đến trường

Còn Thiếu tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT) thì cho biết, đảm bảo trật tự ATGT cho học sinh đến trường không chỉ kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông có thể xảy ra còn góp phần nâng cao văn hóa giao thông.

Năm học 2022 - 2023, Đội CSGT số 6 tiếp tục cử cán bộ đến các trường học trên địa bàn phụ trách. Tại đây, cán bộ CSGT phối hợp với nhà trường tuyên truyền khuyến cáo phụ huynh học sinh khi đưa đón học sinh chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ.

Với các trường THPT, cán bộ CSGT trao đổi tuyên truyền với thầy cô, học sinh tham gia giao thông đúng quy định, đặc biệt là phương tiện theo lứa tuổi cho phép. "Đơn vị tuyên truyền tại trường như: THPT Cầu Giấy, THPT Nguyễn Tất Thành...tại đây, hướng dẫn cho học sinh đội mũ bảo hiểm, sử dụng phương tiện phù hợp lứa tuổi cho phép...", Thiếu tá Chiến thông tin.

Cùng với tuyên truyền, Đội CSGT số 6 tổ chức tuần tra kiểm soát để phát hiện lập biên bản PHHS, học sinh vi phạm giao thông. Đồng thời, gửi thông tin vi phạm giao thông của PHHS, học sinh đến Ban giám hiệu nhà trường để nắm bắt và nhắc nhở kịp thời. Thống kê của Đội CSGT số 6, từ đầu năm 2022 -2023 đến nay, đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính với hơn 20 trường hợp là phụ huynh khi đưa đón học sinh đến trường.

Thiếu tá Chiến cũng cho biết, trong quá trình xử lý vi phạm, gặp một số khó khăn như các em học sinh vi phạm liều lĩnh, bỏ chạy, điều này rất dễ gây ra tai nạn giao thông và gây nguy hiểm tới những người khác.

"Giảm thiểu tình trạng vi phạm luật giao thông đối với nhóm đối tượng học sinh thì trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về các bậc cha mẹ, phụ huynh. Bên cạnh đó là sự kết hợp giáo dục từ nhà trường.

Qua đó, sẽ giúp học sinh có thể biết và nắm rõ về luật, cũng như áp dụng luật và thực tiễn. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cũng phải làm gương cho chính con em của mình, từ đó các em mới có thể học tập, noi theo gương tốt của cha mẹ...", Thiếu tá Chiến khuyến cáo.

Giáo dục, chấn chỉnh vi phạm giao thông học đường
Khi gặp CSGT, phần lớn các trường hợp vi phạm đều "viện lý do"

Trước đó (ngày 18/10), tại Hà Nội, Bộ Công an cùng Bộ GD&ĐT đã ký kết chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025.

Hai Bộ sẽ tập trung vào một số nội dung như tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho học sinh sinh viên. Đồng thời, rà soát, sửa đổi và hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy nội dung giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và văn hóa giao thông vào chương trình chính khóa. Cùng với đó, huấn luyện các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, xây dựng văn hóa giao thông và hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho học sinh sinh viên.

Hoa Thành
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động