Giải pháp đưa Quốc Oai thành điểm đến không thể thiếu khi du lịch Hà Nội

Kỳ vọng trở thành một trong những điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến với Hà Nội, huyện Quốc Oai đã và đang nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch.
Sôi nổi phong trào vật đầu năm tại Quốc Oai Người trẻ Quốc Oai lan tỏa yêu thương đến cộng đồng Linh thiêng chùa Thầy

Điểm đến của tour du lịch ngắn ngày

Đó cũng là nội dung của cuộc toạ đàm “Tiềm năng du lịch Quốc Oai và những giải pháp thu hút khách du lịch trong và ngoài nước” – mới được Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Quốc Oai, Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội tổ chức ngày 3/3.

Tại buổi toạ đàm, nhiều lợi thế về du lịch của huyện Quốc Oai được chỉ rõ. Theo đó, nơi đây đang được kỳ vọng là điểm đến hấp dẫn ở ngoại thành phía Tây Hà Nội. Lợi thế địa hình bán sơn địa, đồng bằng xen lẫn đồi núi đã tạo cho diện mạo Quốc Oai nhiều địa danh đẹp tự nhiên, thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch di sản văn hóa, du lịch sinh thái, vui chơi, nghỉ dưỡng cuối tuần.

Ngoài ra, Quốc Oai có bề dày lịch sử, văn hóa đậm nét xứ Đoài với 220 di tích, trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy, thuộc xã Sài Sơn và di tích quốc gia đặc biệt đình So (xã Cộng Hòa); 29 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 64 di tích xếp hạng cấp thành phố.

Bên cạnh đó, Quốc Oai có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như: Nghệ thuật tuồng ở Dương Cốc (xã Đồng Quang); chèo ở Đại Thành, hát Dô ở Liệp Tuyết, múa rối nước ở Sài Sơn, văn hóa cồng chiêng ở Phú Mãn, Đông Xuân…

Giải pháp đưa Quốc Oai thành điểm đến không thể thiếu khi du lịch Hà Nội
Doanh nghiệp du lịch khảo sát điểm du lịch Đình So (Quốc Oai) qua đó xây dựng tour mới. Ảnh: Hoài Nam

Đại diện UBND huyện Quốc Oai cho biết, theo quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện có vị trí nằm dọc theo vành đai sông Đáy, với các sản phẩm du lịch: Du lịch sinh thái; du lịch văn hóa khai thác các di tích lịch sử văn hóa. Ngoài ra, Quốc Oai còn hướng đến phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Một trong những thế mạnh của huyện là đã hình thành và đưa vào sử dụng Tổ hợp khu du lịch, sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội với tổng diện tích khoảng 250ha, có các hoạt động giải trí hấp dẫn là vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ", biển nhân tạo, biểu diễn cá voi…

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, hiện nay, địa phương đang nỗ lực làm mới các sản phẩm du lịch truyền thống, trong đó đầu tư cho du lịch văn hóa tâm linh như đầu tư lại hạ tầng, chỗ để xe phục vụ du lịch cho Khu di tích đền So; chỉnh trang lại hệ thống đường giao thông, hệ thống chiếu sáng, xây dựng tour mới khám phá chùa Thầy.

Ngoài ra, Quốc Oai đang có nhiều sản phẩm du lịch mới như các homestay nghỉ dưỡng ở các xã Đông Xuân, Phú Mãn và sẽ triển khai một số sản phẩm du lịch cắm trại, trải nghiệm ở khu vực sông Đáy, sông Tích.

“Trước dịch COVID-19, Quốc Oai đón 500 nghìn lượt khách mỗi năm. Với lợi thế giao thông di chuyển thuận lợi, có nhiều sản phẩm du lịch, Quốc Oai hy vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn ở ngoại thành Hà Nội, có thể thu hút đông khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, trong thời gian tới”, ông Hoàng Nguyên Ưng bày tỏ.

Giải pháp thúc đẩy tiềm năng du lịch

Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, du lịch Quốc Oai vẫn còn nhiều bất cập trong việc thu hút khách đoàn, phần lớn chỉ là khách đơn lẻ.

Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng đánh giá, mặc dù có nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp vào “độc nhất vô nhị” tại Hà Nội, có quần thể vui chơi giải trí Tuần Châu hiện đại nhưng Quốc Oai mới chỉ thu hút khách lẻ, chưa đủ điều kiện thu hút khách đoàn. Một số khu nghỉ dưỡng homestay mới hoạt động tự phát, chưa đủ công suất để đón những đoàn mới.

Giải pháp đưa Quốc Oai thành điểm đến không thể thiếu khi du lịch Hà Nội
Doanh nghiệp du lịch khảo sát điểm du lịch Chùa Thầy (Quốc Oai) qua đó xây dựng tour mới. Ảnh: Hoài Nam

Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, cần có quy hoạch đầu tư, phát triển du lịch bài bản cho huyện. Ông Phùng Quang Thắng gợi ý, bên cạnh phát triển du lịch văn hóa tâm linh, Quốc Oai nên hướng đến phát triển du lịch xanh, làm mới cảnh quan, chú ý đến việc bảo vệ môi trường.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn góp ý, địa phương nên chú trọng phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, địa phương cần có trung tâm thông tin, nâng cấp hệ thống chỉ dẫn thông tin, đưa vào sử dụng mã quét QR thông tin để du khách dễ dàng trải nghiệm.

Nhằm hỗ trợ cho Quốc Oai đổi mới, nâng cấp sản phẩm, tăng sức hấp dẫn trong việc thu hút khách, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, Sở Du lịch sẽ hỗ trợ huyện trong việc quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực.

Thời gian tới, Sở tiếp tục tổ chức các đoàn khảo sát những điểm đến mới của Quốc Oai, kết nối các đơn vị lữ hành với địa phương để xây dựng sản phẩm liên kết, tạo hiệu quả trong việc thu hút khách với kỳ vọng đây sẽ là điểm đến thu hút khách quốc tế khi lưu trú tại Hà Nội.

Hoa Thành
Phiên bản di động