Giá xăng dầu ngày 1/4 có thể được điều chỉnh sớm hơn

Nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, giá xăng dầu có thể sẽ được điều chỉnh sớm hơn tại kỳ ngày 1/4 tới, thay vì 15h như mọi khi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tính lại thuế, phí trong giá xăng Chính thức “chốt” mức giảm thuế môi trường với xăng dầu từ ngày 1/4/2022

Liên quan đến vấn đề liệu giá xăng dầu sẽ được điều hành ra sao trong kỳ điều hành ngày 1/4 tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, theo quy định của Nghị định 83 trước đây, xăng dầu được điều hành 15 ngày/lần, nay Nghị định 95 yêu cầu điều hành giá vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng.

Theo ông Hải, tại kỳ lần này (ngày 1/4), việc giảm thuế môi trường có hiệu lực nên việc điều chỉnh giá xăng dầu có thể sớm hơn nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Về giá xăng dầu được điều chỉnh tăng hay giảm, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết sẽ phụ thuộc vào sự biến động của xăng dầu thế giới.

Theo ghi nhận của phóng viên, tính đến ngày 28/3, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore (thị trường nhập khẩu chính) với RON92 là 128,65 USD/thùng, RON95 là 132,48 USD/thùng, tăng 7-8% so với kỳ trước đó.

Giá xăng dầu ngày 1/4 có thể được điều chỉnh sớm hơn
Giá xăng dầu có thể được điều chỉnh giảm mạnh tại kỳ ngày 1/4 tới

Tương tự, các mặt hàng dầu cũng tăng cao. Trong đó, giá dầu hỏa có lúc lên mức 149,38 USD/thùng (ngày 24/3), dầu diesel có lúc lên tới 148,96 USD/thùng.

Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, mặc dù giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trở lại, nhưng từ ngày 1/4, thuế môi trường giảm 2.000 đồng/lít với xăng và 1.000 đồng với dầu nên kỳ điều hành lần này giá xăng dầu dự đoán sẽ cùng giảm mạnh.

Liên quan đến vấn đề cung ứng xăng dầu trong nước, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, từ năm 2021 đến nay, sự cố từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường trong nước bởi nhà máy này đang chiếm 30% nguồn cung trong nước dẫn đến việc thiếu hụt xăng dầu trong thời gian rất ngắn.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn báo cáo kế hoạch tái khởi động sản xuất, kế hoạch cung ứng, giao hàng cho thương nhân đầu mối.

Cùng với đó, Bộ Công thương cũng đã ban hành quyết định yêu cầu các thương nhân đầu mối ngoài tổng nguồn đã giao năm 2022 thì đẩy mạnh tăng kế hoạch nhập khẩu. Mặc dù vậy, việc nhập khẩu xăng dầu cũng đang gặp nhiều khó khăn sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của thương nhân đầu mối, đặc biệt là “cánh chim đầu đàn” Petrolimex đã đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian vừa qua và trong thời gian sắp tới.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động