Giá xăng dầu đồng loạt giảm từ 15h, chiều 21/2

Từ 15h, chiều 21/2, giá xăng dầu các loại được điều chỉnh giảm, trừ mặt hàng dầu mazut.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Không nên có mức chiết khấu xăng dầu tối thiểu Việt Nam chi hơn 900 triệu USD nhập xăng dầu trong tháng đầu năm Chuyên gia: Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhưng lại gây "bất ổn"

Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa thông báo điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước từ 15h, chiều 21/2.

Theo đó, cơ quan điều hành quyết định giảm 320 đồng/lít xăng E5RON 92 và xăng RON95-III. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5RON 92 là 22.540 đồng/lít và xăng xăng RON95-III là 23.440 đồng/lít.

Tương tự, giá một số mặt hàng dầu cũng điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 700 đồng/lít còn 20.860 đồng/lít; dầu hỏa hạ 750 đồng, về mức giá mới 20.840 đồng/lít. Riêng mặt hàng dầu mazut tăng 620 đồng, lên 14.250 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập và không chi quỹ bình ổn giá với xăng E5RON 92 và RON95-III, nhưng trích lập 600 đồng mỗi lít với dầu diesel, 200 đồng/lít đối với dầu hỏa.

Giá xăng dầu đồng loạt giảm từ 15h, chiều 21/2
Ảnh minh họa

Liên quan đến việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa văn bản gửi Bộ Công thương về việc góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng liên quan mật thiết tới an ninh năng lượng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống Nhân dân. Do đó, việc điều hành giá xăng dầu cần đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tạo động lực, điều kiện cho phát triển kinh tế.

Góp ý liên quan đến công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện giá xăng dầu được điều hành theo giá cơ sở. Giá cơ sở được xác định dựa trên các yếu tố hình thành giá tổng hợp từ các nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, nhập khẩu; làm căn cứ để cơ quan Nhà nước xác định giá điều hành, là căn cứ cho việc quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

"Thời gian qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu trên thị trường có một số bất ổn cục bộ, một trong những nguyên nhân là do chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh", văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn phương án 1 nêu tại dự thảo tờ trình đó là tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở, nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong quá trình kinh doanh.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất rà soát các quy định về phương thức xác định chi phí, tần suất xác định các chi phí để có cơ sở điều chỉnh kịp thời. Điều này bảo đảm phát huy vai trò quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và Nhân dân, giá xăng dầu có sự thống nhất giữa các địa bàn.

Về quy định thời gian điều hành, công bố giá, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại dự thảo tờ trình, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cùng nhận định chu kỳ điều hành giá 10 ngày như quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP hiện nay vẫn cơ bản phù hợp và không phải là nguyên nhân của việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu thời gian qua.

Do đó, việc điều chỉnh chu kỳ điều hành giá xuất phát từ đề xuất của một số doanh nghiệp; trong đó một số doanh nghiệp đề xuất rút ngắn chu kỳ điều hành giá, một số doanh nghiệp khác lại đề xuất quay trở lại chu kỳ điều hành giá 15 ngày. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Bộ Công thương cần phân tích, đánh giá, kiểm tra thực tế để đề xuất chu kỳ phù hợp.

Hậu Lộc
Phiên bản di động