Chuyên gia: Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhưng lại gây "bất ổn"
Ngày 14/2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu”.
Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá, xăng dầu là mặt hàng quan trọng đặc biệt của quốc gia. Điều hành giá xăng dầu là khó khăn. Giá cao có lợi cho doanh nghiệp nhưng lại ảnh hưởng tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngược lại nếu giá sát với chi phí sẽ gây ảnh hưởng và thiếu hụt cho hoạt động kinh doanh.
Theo ông Tuấn, vừa qua cơ quan quản lý Nhà nước xử lý nghiêm trước tình trạng cây xăng đóng cửa, đây là giải pháp tình thế nếu như không giải quyết bài toán chi phí, thuế, tiến tới thị trường thì mới hiệu quả, trong khi thực tế doanh nghiệp đang kinh doanh lỗ.
“Tôi nghe doanh nghiệp kể rằng vài chục năm qua chưa bao giờ có chuyện phải lỗ vẫn phải bán, bỏ tiền nhà ra để duy trì bán hàng. Đó là khó khăn của doanh nghiệp”, ông Tuấn cho hay.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Nên ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững.
Chuyên gia cho rằng đã đến lúc bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu. |
"Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP lần này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ", ông Tuấn nói.
Cũng tại hội thảo, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đầu vào cho mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng. Đây cũng là lý do mặt hàng xăng dầu luôn nhận được quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Cũng theo ông Đông, trong bối cảnh năm 2022 diễn biến thị trường khác biệt, biến động chính trị tác động đến thị trường năng lượng, gồm cả giá cả và nguồn cung, gây đứt gãy cục bộ, ảnh hưởng cung cầu, giá cả với tần suất lớn… đặt ra thách thức trong kinh doanh bài toán quản trị cực khó, cũng như ứng xử, quản trị chính sách đảm bảo tính điều hành linh hoạt.
Đây là cơ hội để tư duy, nhìn nhận lại cách thức điều hành mặt hàng xăng dầu, công cụ quản lý của Nhà nước, quan hệ cung cầu, cạnh tranh, Nhà nước nên can thiệp đến đâu hay để thị trường tự quyết định. Mục tiêu là để thị trường đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cầu xăng dầu, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh và cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Tại hội thảo, bình luận về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), PGS. TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng đã đến lúc phải bỏ Quỹ BOG do chưa thực hiện được vai trò cả ở lý thuyết và thực tiễn.
Theo ông Phạm Thế Anh, các nước trên thế giới xây dựng Quỹ BOG như kho dự trữ để can thiệp vào những tình huống cần thiết. Quỹ được hình thành dựa trên đóng góp của ngân sách nhà nước, doanh thu trích từ việc sản xuất dầu thô hoặc đều đặn trích lập số tiền rất nhỏ trong giá xăng dầu ở mỗi kỳ điều chỉnh…
Còn Nghị định 95/2021 của nước ta quy định “Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh đánh giá Quỹ BOG là một “sáng tạo” của Việt Nam. Quỹ này hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá nên không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Quỹ bình ổn xăng dầu có xu hướng trích lập vào Quỹ khi giá ở kỳ điều hành trước giảm và ngược lại. Quỹ có vai trò điều hành giá quanh mức trung bình, “chống sốc” trong những kỳ biến động mạnh.
Qua khảo sát trong giai đoạn 2020 - 2022, PGS. TS Phạm Thế Anh nhận thấy mức độ biến động (đo bằng lệch chuẩn) của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn.
Mặt khác, có thời điểm cơ quan điều hành vẫn trích lập vào Quỹ BOG khi giá xăng dầu thế giới tăng. Tiêu biểu như năm 2022, giá xăng gần 30.000 đồng/lít nhưng người dân vẫn phải đóng vào quỹ khiến giá xăng tiếp tục tăng. Còn hiện nay, giá xăng hơn 22.000 đồng/lít nhưng vẫn chi quỹ để bù vào giá.
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh khẳng định nguyên tắc trích - chi không đảm bảo bình ổn giá và Quỹ BOG cũng chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá.
“Việc điều hành Quỹ BOG thời gian qua đã không đạt được mục tiêu bình ổn bởi sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng Quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng Quỹ, thậm chí mức độ biến động của giá khi sử dụng Quỹ còn lớn hơn. Do vậy, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang gây bất ổn”, PGS. TS Phạm Thế Anh nói.