Gen Z làm sếp và những điều mới mẻ
Gen Z sử dụng tiếng lóng: Hãy sáng tạo trong khuôn khổ Quan điểm của Gen Z về tình một đêm, FWB và dấu hỏi cho lòng chung thủy Nhân viên gen Z gánh việc cho đồng nghiệp bất ngờ nghỉ ngang |
Gen Z được hiểu là những bạn trẻ sinh ra vào khoảng thời gian từ năm 1996 - 2010, cũng có một số ý kiến khác cho rằng Gen Z thuộc khoảng năm 1995 - 2012. Nhìn chung các bạn ở thế hệ này cũng là người được sinh ra vào thời điểm nền tảng công nghệ số thịnh hành và phát triển. Các bạn trẻ trong nhóm này có một số đặc điểm chung nổi bật như: Rất tự tin, giỏi giao tiếp xã hội, thẳng thắn, khả năng xử lý tình huống nhanh, chủ động học tập, dành nhiều thời gian cho công nghệ…
Gen Z hiện nay và trong thời gian tới chiếm phần lớn lực lượng lao động. Họ cũng là thế hệ lãnh đạo mới với kỹ năng, tư duy mới xuất hiện. Gen Z sẽ thách thức những quan điểm mà các doanh nghiệp đã đi theo trong nhiều thập kỷ, chẳng hạn như hệ thống cấp bậc truyền thống hay phương pháp lãnh đạo chỉ huy và kiểm soát.
Các bạn trẻ Gen Z có nhiều kỹ năng, sáng tạo mới mẻ |
Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Hoàng Yến, sinh năm 1997 (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) được một công ty du lịch nhận làm việc. Cô gái gen Z rất năng động, sáng tạo, có năng lực vượt trội so với nhiều bạn bè đồng trang lứa và các bạn đồng nghiệp. Dường như Yến có đủ và thành thạo các kỹ năng về giao tiếp, ngoại ngữ, đàm phán, sáng tạo nhạy bén… Sau 2 năm công tác, cô gái 9X được thăng chức làm Giám đốc truyền thông của công ty. Với tư duy của người trẻ thuộc thế hệ Z, cô nàng muốn được thoải mái sáng tạo và tự do thể hiện cá tính trong công việc.
Nữ Giám đốc truyền thông chia sẻ: “Ở trong trường đại học, mình từng làm lớp trưởng và chủ nhiệm câu lạc bộ. Vì vậy, việc điều hành một team cũng không lạ lẫm. Tuy nhiên, khi ra ngoài trường làm lãnh đạo rất khác vì tính chất công việc là lợi ích gắn liền với trách nhiệm một cách rõ ràng. Mọi thứ được tính bằng kết quả, năng suất lao động, bằng doanh số hoặc sản phẩm cụ thể. Trong môi trường công việc thời đại này, là một leader, bản thân mình càng phải ý thức được việc nỗ lực cố gắng rất nhiều để làm gương cho các nhân viên trong nhóm và công ty”.
Theo cô nàng, lãnh đạo gen Z thường có phong cách mở hơn so với các thế hệ trước. Cách làm của họ cũng nhiều sáng tạo táo báo và linh hoạt. Các bạn trẻ tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân thay vì bắt tất cả phải đi theo phong cách quy chuẩn chung. Trong công việc, họ tập trung vào quản trị mục tiêu hơn là quản lý cá nhân, đồng thời chú trọng vào việc phát triển văn hóa doanh nghiệp và các phúc lợi về tinh thần cho nhân viên nhiều hơn thế hệ cũ.
Ông chủ Gen Z tự tạo dựng thương hiệu cho mình |
“Ở công ty, chúng mình có nhiều nhóm chát để trao đổi công việc. Tuy nhiên, các nhóm chát dừng trao đổi sau 6 giờ chiều bởi sau những giờ làm việc căng thẳng, ai cũng cần được nghỉ ngơi và dành thời gian cho cá nhân. Ngày nghỉ cuối tuần, chúng mình hoàn toàn được tự do giải quyết việc của bản thân, gia đình chứ không phải lo việc công ty”, Nguyễn Hoàng Yến cho hay.
Bạn trẻ Hoàng Văn Hùng (trú tại Hà Đông, Hà Nội) đang làm việc cho một công ty về thiết kế. Lãnh đạo của Hùng chỉ hơn cậu 2 tuổi. Hùng bày tỏ: “Mình thấy rất “tâm phục khẩu phục” lãnh đạo của mình, dù anh ấy còn trẻ, cũng là 9X như mình. Đến công ty, lãnh đạo quản lý không như bề trên và ra lệnh cho người khác, mà sếp trở thành người hướng dẫn, chia sẻ cùng cấp dưới. Mọi người thân thiết với nhau như những người bạn. Đến công ty, mình có cảm giác rất vui vẻ, được tiếp thêm động lực và nguồn năng lượng dồi dào. Vì vậy, công việc cũng đạt kết quả tốt”.
Hùng cho biết, ngay cả trong tuyển dụng nhân sự, sếp của cậu cũng rất mở. Công ty tuyển dụng cả người đồng tính, người khuyết tật, những ứng viên trẻ chưa hề có kinh nghiệm cũng được tuyển dụng nếu đạt yêu cầu.
Theo quan sát và nhận định của Hoàng Văn Hùng, lãnh đạo của cậu luôn phải chịu trách nhiệm nhiều hơn, có tầm nhìn bao quát và không làm quá chi tiết. Người quản lý hiểu rõ công việc của cấp dưới và biết bố trí sử dụng nhân sự hợp lý.
Chàng trai 9X bày tỏ, với cậu, môi trường làm việc nên mở và công bằng, thoải mái như gia đình thứ hai, thay vì là nơi những quy tắc, cấp bậc kìm hãm sự tự do quan điểm. Có một môi trường làm việc tốt thì sẽ giữ chân được nhân viên tốt và mọi người có điều kiện để phát huy tối đa khả năng của bản thân.