Gen Z sử dụng tiếng lóng: Hãy sáng tạo trong khuôn khổ
Quan điểm của Gen Z về tình một đêm, FWB và dấu hỏi cho lòng chung thủy Nhân viên gen Z gánh việc cho đồng nghiệp bất ngờ nghỉ ngang Bố mẹ phải làm gì khi Gen Z có cá tính mạnh mẽ? |
Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng |
Giải mã “từ điển” gen Z
Trò chuyện cùng một số bạn trẻ có năm sinh khoảng từ 1995 trở lại đây, chúng ta không khỏi bất ngờ với những câu, từ, cụm từ lóng mà các bạn sử dụng, có nhiều từ khó hiểu và không thể hiểu như: Chầm Zn, sin lũi, xu cà na, mãi mận, mãi keo… Nhiều bạn gen Z cho rằng sử dụng ngôn ngữ lóng nhiều thành quen và “bắt trend” với thời đại.
Bạn Nguyễn Ngọc Lan Hương (sinh năm 1998) trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội dí dỏm nói: “Chúng em sử dụng rất nhiều từ lóng, có lẽ các anh chị 8X và các thế hệ trước không phải ai cũng có thể hiểu ngay nếu không tìm hiểu về ngôn ngữ nhóm của gen Z ngày nay. Nhiều anh chị nghe chúng em nói chuyện với nhau bảo “chắc cần phải có từ điển gen Z may ra mới hiểu hết được”.
Rồi Lan Hương liệt kê hàng loạt câu từ mà cô và các bạn thường dùng để nói chuyện, chát chít với nhau: “Khum” có nghĩa đơn giản là “không”. Từ “không” trong tiếng Việt được viết theo nhiều cách khác nhau như: Ko, hăm, hong, hơm… Nhưng trong ngôn ngữ gen Z thì từ “không” đã được chuyển sang một phiên bản dễ thương hơn là “khum”. “Sin lũi”,gen Z đã biến tấu “xin lỗi” thành “sin lỗi” bởi vì nói lời xin lỗi với người khác thường là trạng thái khiến đôi bên rất khó xử nên dùng “Sin lũi” là từ một cách nói lái đi để giúp câu xin lỗi trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn cho cả hai bên.
“U là trời” được biết đến là cụm từ được chế lại từ “trời ơi”. “U là trời” là câu cảm thán được giới trẻ sử dụng để thể hiện cảm xúc kinh ngạc, ngạc nhiên khi chứng kiến một câu chuyện bất ngờ nào đó. Cụm từ này còn thể có trạng thái cảm xúc giống với “Oh my god” trong tiếng Anh.
Một đoạn chát của các bạn trẻ sử dụng tiếng lóng |
Chia sẻ thêm về “từ điển” gen Z, bạn trẻ Nguyễn Trọng Hưng (sinh năm 1999), trú tại quận Hà Đông, Hà Nội vui vẻ: “Ét o ét là gì ạ: “Ét o ét” hoặc “ét ô ét” là cách mà chúng em phát âm Việt hóa của SOS - một tín hiệu quốc tế được sử dụng để yêu cầu cứu sợ. Cư dân mạng sử dụng “ét o ét” thay cho cụm từ “cứu với” trước những tình huống quá hài hước. Còn “Gét gô” cũng là cụm từ được giới trẻ sử dụng nhiều. Mở đầu từ Tiktok cho đến Facebook, lướt đến đâu cũng thấy “gét gô”. “Gét gô” chính là cách phát âm sai của từ “Let’s go” trong tiếng Anh mà “Let’s go” có nghĩa là “đi nào”.
“Xu cà na” hay “Xu” là từ được gen Z sử dụng với những ý nghĩa như quá mệt mỏi, quá xui xẻo, quá chán, quá buồn… Nó mang hàm ý tiêu cực về một sự việc khủng khiếp, không được như ước nguyện vừa xảy ra với bản thân.
Còn “Chằm Zn” được các bạn lý giải rằng, “Chằm Zn” là “Trầm kẽm” nghĩa nói “Trầm cảm”. Ngôn ngữ lóng này không chỉ là chỉ một loại bệnh mà trong đặc điểm thế hệ Z thì “Chằm Zn” thường được dùng để miêu tả trạng thái mệt mỏi, buồn chán trong đời sống hàng ngày…
Ranh giới giữa sáng tạo và lệch chuẩn
Là một chàng trai thế hệ gen Z, Hoàng Thanh Tùng (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, với việc sử dụng tiếng lóng trong lúc trò chuyện giao tiếp với bạn bè là bình thường. Bởi theo Tùng, cùng thế hệ với nhau và có mức độ quen biết, thân thiết nhất định, nếu cuộc trò chuyện có thêm tiếng lóng sẽ trở nên thú vị, nhẹ nhàng, hài hước và gần gũi hơn.
Gen Z là thế hệ hiện đại, giàu sức sáng tạo |
Theo chàng trai, hiện nay giới trẻ sử dụng tiếng lóng rất phổ biến, xuất hiện trong tất cả các cuộc giao tiếp hàng ngày của gen Z. Tuy nhiên, sử dụng tiếng lóng nhiều quá khiến các bạn trẻ dễ bị quên lãng nghĩa ban đầu cả từ ngữ đó. Trong một số văn bản hành chính, hay những cuộc trò chuyện nghiêm túc với người lớn tuổi, với cấp trên… sẽ không phù hợp, có thể khiến mọi người không hiểu hoặc thấy không được tôn trọng. Chính Hoàng Thanh Tùng đã gặp phải tình huống đó với người quản lý của mình trong công việc. Từ đó, cậu đã rút kinh nghiệm sâu sắc, chỉ sử dụng tiếng lóng khi “chém gió” với bạn bè đồng trang lứa, trong những cuộc trò chuyện vui vẻ, xả stress.
Là một cô giáo dạy văn, chị Lê Thị Xoan (trú tại quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tiếng lóng là sự sáng tạo thú vị của các bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên thời nay. Song, các bạn trẻ chỉ nên sử dụng nó khi nói chuyện, nhắn tin với bạn bè, những người ngang tầm tuổi. Theo chị Xoan, thực tế hiện nay, nhiều bạn trẻ sử dụng tiếng lóng ở mọi lúc mọi nơi, ở các trường hợp, hoàn cảnh, thậm chí với cả các ông, bà đã già khiến họ không hiểu, hoặc hiểu sai câu chuyện.
“Dù chúng ta đang sống ở thời đại mới, hội nhập, công nghệ 4.0, thoả sức sáng tạo nhưng chúng ta vẫn phải gìn giữ, phát huy vẻ đẹp truyền thống của tiếng Việt. Bởi thế, chúng ta không nên lạm dụng từ lóng quá mức, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt”, chị Xoan bày tỏ.
Theo giảng viên Trần Thị Minh Thu, Khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, ngôn ngữ là mã giao tiếp tồn tại trong một cộng đồng mà chúng ta quy ước với nhau để giao tiếp.
Thế hệ trẻ cũng là cộng đồng thu nhỏ, các bạn có thể tạo nên những mã ngôn ngữ để giao tiếp với nhau cho vui nhưng vui thì được, còn nếu ảnh hưởng đến mã giao tiếp chung của toàn cộng đồng thì không được, vì như thế sẽ làm méo mó và lai tạp tiếng Việt. Vậy nên, các bạn trẻ nên ý thức được sáng tạo cũng phải có khuôn khổ, chứ không thể vượt đường biên giới.