Đừng vội chủ quan khi Hà Nội chưa “sạch bóng quân thù”
Hà Nội bước vào "trận chiến" mới, vững tin chống dịch Thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để kiểm soát được dịch bệnh sớm nhất Đường phố đông xe cộ, Hà Nội tăng mức độ kiểm soát |
Với tốc độ đạt mức kỉ lục khi xét nghiệm, truy vết để sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và đặc biệt là thần tốc tiêm phủ sóng vắc xin Covid-19 cho toàn bộ người dân, Hà Nội đang có những tín hiệu khả quan để trở về những ngày bình yên sớm trở lại. Đây là thời gian lâu nhất mà người Hà Nội phải ở yên trong nhà, hạn chế tất cả mọi hoạt động không thiết yếu kể từ khi làn sóng dịch bệnh thứ 4 xuất hiện.
Tính đến nay, có những người làm việc tại nhà đến hơn 4 tháng trời. Chắc chắn mỗi người đều có những tâm tư, tình cảm, mong muốn riêng, tính toán, dự định riêng khi được trở lại nhịp sống bình thường mới khi xưa.
Những "niềm nhớ" của Hà Nội đang chờ người thưởng thức nhưng bạn hãy bình tĩnh, đừng chủ quan vì Hà Nội chỉ thực sự đẹp khi an toàn |
Hoài Linh, một cô gái trẻ trở lại Hà Nội sau kì nghỉ 30/4 và ở nhà cho đến hôm nay. Thời gian đầu còn có hàng quán, cô còn được gọi ship rất nhiều món đồ ăn, thức uống yêu thích. Khi Hà Nội tiến hành giãn cách xã hội, cùng với việc nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ “cánh” shipper, Hoài Linh đành mấy ngày một lần đi mua thực phẩm, tự chế biến như bao nhiêu người khác.
“Thèm trà sữa, thèm đồ ăn vặt, thèm đồ nướng, thèm phở… nói chung là thèm đủ thứ. Ngay cả món bánh dầy giò cũng thèm. Rồi bánh mì pate, bánh mì kẹp chả, chả xiên, nộm… cứ nghĩ đến là thèm không chịu nổi”, Hoài Linh cho biết.
Thu Lê, một cô nàng nghiện cà phê và thích ngắm phố phường thì ngay sau khi hết giãn cách sẽ tìm quán cà phê ven hồ Tây quen thuộc, gọi bạn bè đến ngồi nguyên một ngày để hàn huyên. “Tất nhiên là sẽ đi ăn lẩu đuôi bò, ăn món gì đó cay cay nữa, đặc biệt là mua một gói cốm, ngồi hồ nhẩn nha vừa uống cà phê vừa ăn cốm và sẽ mua những món ăn vặt mà người bán hàng rong đi qua. Thèm cả thế giới rồi”, Thu Lê bày tỏ.
Những ngày thu bắt đầu mát dịu như thế này, nhiều người nhớ da diết món bún ốc, bún riêu cua. “Cho thật nhiều ớt, cay xé lưỡi, chua chua ngọt ngọt, ăn cho bõ những ngày nhịn thèm”, Minh Long, một chàng trai có đam mê ẩm thực Hà Nội không giấu nổi ước muốn.
Chắc chắn rồi, nếu hết giãn cách đợt này, phố phường Hà Nội sẽ tưng bừng, náo nức lắm. Bao nhiêu ngày rồi vỉa hè chờ bước chân qua, bao nhiêu ngày rồi phố xá vắng bóng người, bao nhiêu ngày rồi phố đi bộ, vỉa hè ven hồ Gươm, hồ Tây không còn là những điểm hẹn lí thú, đong đầy kỉ niệm.
Bao nhiêu ngày rồi hiệu sách quen không còn được ghé tới mỗi cuối tuần. Bao ngày rồi, hàng cây thuở đầu hò hẹn đứng bơ vơ lặng im. Rồi còn cầu Long Biên mơ màng gió sông Hồng, bãi lau lách chuẩn bị đón gió mùa về mà bừng lên cái màu trắng lạnh rất mê man của mình.
Hà Nội đẹp như thế, trữ tình như thế, cuốn hút như thế, biết bao nhiêu địa điểm mà nhắc đến thôi đôi chân như muốn bước đi, trái tim như bồi hồi, xao xuyến. Được ở trong nhà bình yên là mừng rồi nhưng được tháo gỡ hết những hàng rào phong tỏa, những chốt chặn, những cổng rào kín các ngõ ngách, được đi lại, được chen chúc trong đám tắc đường như thuở xưa kia còn hạnh phúc hơn.
Sẽ sớm thôi, Hà Nội sẽ trở lại những ngày bình thường ấy, khi tiếng còi xe, khi chợ búa tấp nập, khi mỗi sớm mai chiều muộn dòng người hối hả sẽ lại mang dáng vẻ đô thị như xưa. Đi qua tất cả những ngày vắng lặng người ta mới thấy trân trọng hơn những khoảng khắc hết sức đời thường ấy. Câu chuyện của tắc đường, văn hóa giao thông, của vỉa hè, ứng xử văn hóa nơi công cộng sẽ tiếp tục được nhắc nhở, chấn chỉnh như một phần tất yếu của đô thị. Ai cũng hiểu rằng, được trải qua tất cả những điều ấy, được tiếp tục sống trong không khí ấy chính là hạnh phúc mà chúng ta mong muốn.
Ùa vào nỗi nhớ, ùa vào phố phường, gặp bạn bè, đến những hàng quán quen ăn những món ăn yêu thích, ngồi chuyện trò cho bõ nhớ nhung, đó là việc hết sức bình thường. Đã rút kinh nghiệm và đầy tỉnh táo sau mấy mùa dịch bệnh, khá nhiều người lại chọn sự bình tĩnh, từ từ nghe ngóng.
Thu Yên, một cô gái rất lãng mạn, yêu mùa thu Hà Nội, thường xuyên tụ tập với bạn bè những buổi tan tầm, tận hưởng cuộc sống độc thân xưa kia nay lại tâm sự: “Mình vẫn thế thôi, tan làm sẽ trở về nhà, nấu ăn, đọc sách, duy trì thói quen những ngày giãn cách một thời gian. Không phải là đã quen với nhịp sống ấy, lười giao tiếp. Mà bởi, hơn 4 tháng ở trong nhà, mình quá hiểu thế nào là cái giá của sự tụ tập. Vui vẻ ai cũng muốn nhưng chúng ta nên “tém tém” lại nhu cầu. Rất có thể vẫn còn những mầm bệnh trong cộng đồng, nên đừng vui mừng vội mà quên đi sự cảnh giác. Mình chắc sẽ chờ một thời gian, khi chắc chắn dịch bệnh ổn thật sự thì mới tận hưởng cảm giác có cuộc sống bình thường như xưa”.
Cùng ý kiến với Thu Yên, Hoa Mai, sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho biết mình sẽ tạm thời chỉ đi làm rồi về nhà. Đợt giãn cách vừa rồi, Hoa Mai ở lại Hà Nội vì có việc làm thêm bán thời gian nhưng sau đó phải nghỉ ở nhà do dịch bệnh. Đó là những ngày tháng không quên với cô khi một mình ở phòng trọ, các bạn về hết, thực phẩm vẫn mua được nhưng rất buồn chán. Suốt gần hai tháng trời, cô quanh quẩn trong bốn bức tường, liên lạc với gia đình, bạn bè qua internet, cảm giác rất cô đơn, có lúc sợ hãi vì ốm đau không có ai ở bên.
Vì thế, được đi làm, đi học là rất quý nhưng cô không muốn khoảng thời gian giãn cách như trước kia lặp lại lần nữa. Phải thực sự an toàn thì mới ra đường, đó là điều Hoa Mai tâm niệm. Bởi vậy, còn rất nhiều tháng ngày vui vẻ để chúng ta tận hưởng, không nên vội vàng ùa ra đường bất chấp mọi thứ để rồi chẳng may có sự bất trắc gì xảy ra thì thực sự có lỗi với cộng đồng và với chính mình, cô gái trẻ dự định.
Đến Hà Nội làm cốc nâu... (Ảnh tư liệu) |
Còn rất nhiều việc phải làm cho đến ngày Hà Nội thực sự an toàn, không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng để có thể tính đến việc mở cửa trở lại. Cho đến lúc ấy, chúng ta vẫn nên tiếp tục tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, tiếp tục ở yên trong nhà, đi test Covid theo yêu cầu của thành phố, đi tiêm nếu đến lượt.
Hà Nội đang bước vào mùa đẹp nhất trong năm. Mùa thu năm nay có đẹp và an toàn hay không, có đón chúng ta ra phố, đi làm, đi học, hoạt động bình thường trở lại lâu dài hay không chính là phụ thuộc vào việc những ngày này chúng ta có nghiêm chỉnh thực hiện giãn cách hay không. Mỗi người Hà Nội hãy tự nhắc nhở mình và người thân đừng chủ quan, sốt ruột.
Muốn Hà Nội “sạch bóng quân thù” thì mỗi chúng ta vẫn tiếp tục là chiến sĩ trong chính ngôi nhà, khu phố của mình để chống Covid-19 cũng như “chiến đấu” với chính bản thân mình nữa để mong cuộc sống sớm bình yên trở lại.