Hà Nội bước vào "trận chiến" mới, vững tin chống dịch
Cấp giấy đi đường nhanh gọn, thực hiện giãn cách triệt để trong "vùng đỏ" Người dân tin tưởng, ủng hộ biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, quyết liệt của thành phố |
Người dân “vùng đỏ” ủng hộ siết chặt giãn cách xã hội
Với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, quyết định giãn cách theo vùng từ 6/9/2021 của TP Hà Nội được người dân đồng tình ủng hộ.
Chị Nguyễn Thị Ly (sống tại quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, phải phân vùng như thế này thì kết quả phòng chống dịch mới có thể đạt kết quả cao.
“Công ty tôi đã cho làm việc online từ ngày 20/7/2021. Chồng tôi thi thoảng mới phải đến cơ quan. Các con cũng xác định tư tưởng học online và rất vui vẻ. Chính vì thế, tôi cũng yên tâm và hoàn toàn ủng hộ việc phân vùng cách ly như thế. Dù gia đình nằm trong “vùng đỏ” nhưng tôi nghĩ cuộc sống cũng không có thay đổi gì nhiều vì ai cũng ý thức được việc phải nghiêm túc phòng chống dịch bệnh”, chị Ly chia sẻ.
Cùng quan điểm, chị Lương Thị Thu Hiền (sống tại chung cư AZ Sky tại phố Trần Điền) hoàn toàn ủng hộ chủ trương tiếp tục siết chặt giãn cách tại “vùng đỏ”.
“Tôi theo dõi thường xuyên báo chí và thấy rằng, quận Thanh Xuân hiện đang có các ổ dịch. Nếu không siết chặt giãn cách thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm như đã xuất hiện 2 ca F0 ở địa chỉ 210 và 218 đường Lê Trọng Tấn, cách nhà tôi cũng không quá xa”, chị Hiền cho biết.
Chị Hiền cũng cho rằng, việc giãn cách sẽ giúp lực lượng y tế tập trung bóc tách F0 nhanh chóng nhất và phải khoanh được các vùng như vậy thì việc chống dịch mới đạt kết quả như mong muốn.
Lực lượng chức năng lập hàng rào phong tỏa toà nhà 210 Lê Trọng Tấn, kiểm soát chặt người dân ra vào |
Còn anh Trần Văn Thùy sống tại tòa nhà Vinh Hanh, Khu đô thị Hồng Hà Ecocity, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì – địa phương xuất hiện ca nhiễm gần như đầu tiên trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này tại Hà Nội và cũng nằm trong “vùng đỏ”, cho rằng: “Nếu không siết chặt giãn cách thì không biết bao giờ nơi tôi sinh sống mới có thể trở lại bình thường. Tôi nghĩ chúng ta cần phải chấp nhận, động viên nhau ở nhà, hạn chế ra ngoài. Thực ra ở lâu trong nhà thì gia đình nào cũng có bất tiện nhưng vẫn tốt hơn nếu hàng loạt người bị nhiễm Covid-19”.
Anh Thùy cũng cho biết thêm, mặc dù giãn cách và nằm trong "vùng đỏ" nhưng các con vẫn có thể học hành, vẫn tham gia khai giảng. Vợ chồng anh có thể làm việc online tại nhà, thực phẩm vẫn đủ cho nhu cầu thiết yếu nên anh cảm thấy yên tâm, may mắn hơn rất nhiều người.
“Tôi có niềm tin tuyệt đối vào sự tính toán, cân nhắc và quyết sách của lãnh đạo TP Hà Nội. Chắc chắn dịch bệnh sẽ được đẩy lùi trong thời gian tới”, anh Thùy nói.
Là một tư vấn viên bảo hiểm, đây là thời điểm vàng để có thể học thêm các kiến thức tại nhà nên chị Ngọc Trang, sống tại NO4, Khu đô thị Pháp Vân, quận Hoàng Mai cho biết, giãn cách theo vùng là phương án tốt cho tất cả mọi người, có bệnh đã được nhà nước lo, việc của mỗi người là hãy tập trung làm tốt công việc của mình.
“Việc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của chiến dịch phòng chống dịch lần này nên chỉ có cách phân vùng như vậy mới đạt hiệu quả. Tôi cũng mong rằng, quận Hoàng Mai sẽ sớm được chuyển sang vùng “xanh””, chị Trang cho biết thêm.
Nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội
Song song với việc phân vùng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, TP Hà Nội luôn nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội.
Tại Chỉ thị số 20/CT-UBND do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tiếp tục phát động phong trào toàn dân chung tay chăm lo an sinh xã hội; Huy động các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19, tạo nguồn lực chăm lo an sinh xã hội, tiếp tục quan tâm đến các đối tượng lao động tự do, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh gặp khó khăn, lao động không có giao kết hợp đồng hoặc gặp khó khăn chưa được hỗ trợ theo chính sách của Trung ương và thành phố.
Chị Nguyễn Thị Ly, lao động tự do sống tại quận Hai Bà Trưng được nhận hỗ trợ |
Cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, Hà Nội còn bổ sung các chính sách đặc thù khác, nhằm hỗ trợ cấp bách cho các trường hợp khó khăn với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đó là việc trao quà, tặng tiền mặt cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19; Xây dựng mô hình “Chợ 0 đồng”; tổ chức các chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” tại nhiều địa điểm... Cùng với đó, các ngành, đơn vị, địa phương tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho lao động ngoại tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội huy động nguồn xã hội hóa để trao 863 suất quà với tổng kinh phí gần 259 triệu đồng cho người lao động ngoại tỉnh hiện đang cư trú tại quận Hoàn Kiếm. Tương tự, các quận, huyện: Tây Hồ, Hà Đông, Đống Đa, Hoài Đức, Đan Phượng... cũng đã chuyển nguồn lực hỗ trợ đến hàng nghìn lao động ngoại tỉnh.
Ngoài các chương trình, hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội đã, đang triển khai, Hà Nội đã ban hành thêm 3 nghị quyết đặc thù hỗ trợ các trường hợp ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố với kinh phí hàng trăm tỷ đồng; Đồng thời thống nhất với đề xuất của UBND thành phố bổ sung nguồn vốn ngân sách thành phố năm 2021, ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội để cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền là 500 tỷ đồng.
Như vậy, đến thời điểm này, các chính sách an sinh xã hội của Hà Nội đã được khẩn trương triển khai, bao quát nhiều mặt của đời sống, hỗ trợ người dân, người lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là những người dân đang sống tại các “vùng đỏ”, giúp họ yên tâm tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, chung tay cùng thành phố sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.