Đừng 'gắn mác" cho bất cứ ai, chỉ có những kẻ giả tạo mới không thay đổi
Có ba người phụ nữ trò chuyện với nhau và theo lẽ thường, họ không quên nói về những đứa con của mình.
Một người nói: “Con tôi mới năm tuổi mà đã làm thơ rồi đấy. Thơ hay lắm, hay đến nỗi những nhà thơ chuyên nghiệp cũng phải thấy xấu hổ!”.
Người thứ hai tiếp lời: “Thế thì có là gì đâu! Con tôi mới có bốn tuổi nhưng đã biết vẽ tranh trừu tượng, đẹp đến nỗi cả Picasso có nhìn cũng không tưởng tượng được là gì. Nhiều khi cháu chỉ cần phóng cọ vài nét thôi là đã hiện ra một bức tranh tuyệt vời. Con trai tôi quả là một họa sĩ thực thụ và ấn tượng”.
Người thứ ba nói: “Bình thường! Con tôi mới có ba tuổi thôi mà đã tự đi gặp chuyên viên phân tích tâm lý đấy!”.
Khi bạn “gắn mác” cho một đứa nhỏ, bạn sẽ vô tình hủy hoại nó. Đám đông và sự truyền miệng sẽ khiến cho mọi người quên đi ý kiến cá nhân; nội dung được “gắn mác” đó sẽ ngày càng được khắc họa rõ nét và sâu hơn, đến một lúc nào đó sẽ khiến cho người bị “gắn mác” thật sự tin mình là như thế và sẽ hành động để chứng minh điều đó.
Hãy thử tưởng tượng, một người không thể sống tử tế nếu cứ bị mọi người bảo rằng: “Mày là kẻ bất lương mà lại cố làm thánh nhân à? Liệu mà coi chừng đấy!”. Làm sao họ dám đối đầu với cả một xã hội xung quanh khi tất cả đều có một định kiến giống nhau như thế?
Bên cạnh đó, khi bạn “gắn mác” một người, họ sẽ luôn thất bại cho dù có tìm cách làm gì để chứng minh được điều bạn nói là đúng. Có thể họ luôn phải gồng mình để giả vờ chứng tỏ điều đó, nhưng rồi sẽ có những lúc họ thả lỏng và trở về với chính bản thân, chẳng hạn như khi họ đang nóng giận hay đau khổ, thì lập tức sẽ bị cho là kẻ lừa dối.
Ví dụ như bao nhiêu năm nay, bạn vẫn luôn cho rằng ai đó là một người tốt, ấy vậy mà bỗng dưng hôm nay họ lấy trộm tiền của bạn. Bạn nghĩ rằng họ lừa dối bạn ư? Không phải vậy, chỉ là do bạn đã “gắn mác” cho họ như thế thôi. Thực ra họ chỉ đang hành động đúng theo con người thật của mình. Họ đã sống theo khuôn khổ mà bạn đặt ra suốt một thời gian dài và bây giờ đã đến lúc họ phải thoát khỏi nó để làm điều mình muốn.
Chẳng ai sinh ra để thỏa mãn những kỳ vọng của bạn cả. Một người bình thường sẽ tìm cách phá vỡ mọi kỳ vọng mà những người xung quanh áp đặt lên họ vì họ sinh ra không phải để bị cầm tù trong những ý nghĩ đó. Họ là người tự do, do vậy họ sẽ không thể nào luôn như thế vì bản chất của tự do là thay đổi không ngừng. Hôm nay họ có thể làm điều này nhưng ngày mai họ lại có thể làm điều khác, do vậy bạn không thể nào “gắn mác” cố định cho họ được.
Một con người thật sự sẽ luôn thay đổi, và chỉ có những kẻ giả tạo mới luôn bất biến. Bởi bất kỳ ai cũng luôn có những điều mâu thuẫn tồn tại trong bản thân, và vì họ tự do nên họ luôn có thể làm những điều trái ngược nhau. Tất cả nằm ở sự chọn lựa của họ. Họ có thể là người hướng nội hoặc là người hướng ngoại. Họ có thể là người theo phái tả hoặc phái hữu nếu muốn…
Khi chúng ta áp đặt một tính chất nào đó lên một người, hay nói cách khác là “gắn mác” cho họ theo một tên gọi nào đó, thì tức là mãi mãi họ sẽ phải như thế. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra khi họ không còn sống nữa.
Khi bạn nói: “Chồng tôi là người rất đáng tin cậy”, tức là anh ta đã chết và sẽ không còn người phụ nữ nào quyến rũ anh ta nữa. Nhưng nếu như thế thì làm sao chính bạn có thể tiếp tục quyến rũ anh ta trong cuộc sống hằng ngày? Thực ra thì anh ta chỉ đang giả vờ tỏ vẻ như thế với bạn thôi. Khi còn sống và còn yêu thì người đàn ông vẫn còn bị hấp dẫn bởi phụ nữ đẹp. Tương tự như thế với phụ nữ. Và đó là điều hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, việc họ có ngã lòng hay không trước sự hấp dẫn đó lại tùy thuộc ở họ.
Từ “nhân cách” đôi khi đã khiến chúng ta phải chịu nhiều đau khổ. Khi bạn nói một người có nhân cách, điều đó đồng nghĩa với việc họ không còn thay đổi nữa. Một người như thế sẽ phải sống một cuộc đời đúng với tên gọi mà xã hội đã đặt để cho họ và hoàn toàn bất biến trong mắt mọi người.
Nói cách khác, họ chỉ có quá khứ và không có tương lai vì mọi thứ đã dừng lại tại thời điểm họ được “gắn mác”. Họ chẳng khác gì một cỗ máy phải lặp đi lặp lại cách hành xử của mình sao cho nhất quán và không có gì mới để nói thêm cả. Họ không có gì mới để khám phá và không thể phá vỡ sự cam kết của mình. Quả thật họ là một nhân tố có lợi cho xã hội nhưng bản thân họ đã chết dù đang còn sống vì phải sống một cuộc đời như cái máy.
Con người có tâm trạng thất thường là vì con người có linh hồn riêng của mình. Chính điều đó khiến họ chỉ thật sự là họ khi không phải gắn liền với một tính cách nhất định nào đó. Khi tôi nói một người “phi tính cách”, nghĩa là họ đã rũ bỏ quá khứ của mình, sống cho hiện tại và tương lai. Nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta sẽ không lường trước họ sẽ thay đổi ra sao. Bù lại, họ sẽ được nhìn, được ngắm và được cảm nhận cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình để được sống thật sự. Họ sẽ không có khái niệm phải sống như thế nào mà chỉ sống với sự tỉnh thức của nội thức.
Cuộc đời của họ là một dòng chảy không ngừng và ngẫu nhiên. Họ là một thực thể sống thực thụ sẽ đón nhận và đáp lại những gì xảy ra xung quanh chứ không chỉ biết trả lời như một cái máy. Họ đáp lại cuộc sống theo từng khoảnh khắc, từng câu hỏi và từng hoàn cảnh khác nhau của hiện tại. Họ không đáp lại bằng những điều đã được lập trình từ trước. Họ đáp lại bạn và nhìn sâu vào mắt bạn. Họ không chỉ phản ứng vô thức mà đáp lại bạn một cách có ý thức.
"Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ" - cuốn sách đúng thời điểm Cuốn sách của GS. John Vu - Nguyên viện trưởng viện Công nghệ Sinh học Đại học Carnegie Mellon, tác giả Muôn kiếp nhân sinh ... |