Đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y: Nên hay không?

Thông tin một số trường đưa tiêu chí phụ là xét tuyển môn Văn khi tuyển sinh Đại học năm 2023 đang gây nhiều tranh cãi.
Đại biểu Quốc hội lo “căn bệnh sợ trách nhiệm” lây lan từ ngành y sang các ngành khác Ngành Y tế Hà Nội thực hiện mô hình tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại Đẩy mạnh phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” trong ngành Y tế Hà Nội

Nhiều lo ngại

Cụ thể, Trường Đại học (ĐH) Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa công bố Đề án tuyển sinh ĐH 2023. Một trong 3 tiêu chí phụ được dùng để xét trong trường hợp thí sinh có tổng điểm xét tuyển bằng nhau là điểm thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2023. Đây là lần đầu tiên trường đưa tiêu chí phụ này vào xét tuyển ĐH.

Ngoài ra, một số trường đại học tư thục cũng đưa môn Văn vào xét tuyển đối với ngành y khoa như: Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tân Tạo, Trường ĐH Võ Trường Toản, Trường ĐH Văn Lang…

Từ trước tới nay, hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe trong những năm qua sử dụng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A00 (Toán, Hóa, Lí), ngoài ra còn có A02 (Toán, Lí, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Anh), D08 (Toán, Sinh, Anh)... Toán, Hóa, Sinh, Lí là những môn học rất quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sức khỏe.

Theo bác sĩ, Thạc sĩ Vũ Thị Hảo, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, ngành Y là một ngành đặc thù, đòi hỏi yêu cầu khắt khe vì liên quan sức khỏe và sự sống của bệnh nhân; việc đào tạo tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Do đó, việc tuyển sinh đầu vào vô cùng quan trọng. “Tôi cho rằng, môn Văn chỉ nên là tiêu chí phụ trong xét tuyển vào các ngành Y, còn các môn học truyền thống như Toán, Lý, Hóa; Toán, Hóa, Sinh thì không thể thay thế” – bác sĩ Hảo nói.

GS-TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết các môn quan trọng để làm căn cứ tuyển sinh ngành y là Toán, Hóa, Sinh. Đào tạo y khoa là vấn đề quan trọng. Vì thế, bất kỳ sự thay đổi nào trong phương án tuyển sinh cần phải trải qua quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động. Nếu đưa môn văn vào xét tuyển thì phải có sự đánh giá của các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học ngành y.

Trong khi đó, GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc dùng điểm văn xét tuyển ngành Y cần cân nhắc kỹ.

Đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y: Nên hay không?
Nguồn nhân lực ngành Y cần chất lượng cao

Bộ GD&ĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh

Trước những ý kiến trái chiều về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ GD&ĐT luôn lắng nghe, tiếp thu để có thể có những điều chỉnh chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Ngoài ra, theo bà Thủy, vai trò của Bộ Y tế cũng đặc biệt quan trọng. Quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành Kế hoạch thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020 - 2025) đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành sức khỏe.

Yếu tố quan trọng mà tất cả các bên liên quan đều quan tâm, đó chính là chất lượng đào tạo của các trường. Các trường nào có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, có đầu vào tuyển sinh quá thấp… thì sẽ chịu ảnh hưởng đến chính uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của mình và về lâu về dài chắc chắn thí sinh sẽ không lựa chọn vào học. Do vậy, một lần nữa khẳng định các kênh thông tin và các hệ quả lâu dài dự báo sẽ có tác dụng tích cực, giúp các trường tự điều chỉnh, hoàn thiện.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm, bà Thủy nhấn mạnh.

Bảo Phương
Phiên bản di động