Du xuân ở chốn thiền môn Chùa Đậu
Đầu năm mới người trẻ nô nức đi lễ chùa Đi lễ chùa đầu năm: Yếu tố tâm linh gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của người Việt |
Ngôi chùa 2.000 năm lịch sử
Chùa được xây dựng dưới thời Bắc thuộc lần thứ hai (602 - 939), thời Sĩ Nhiếp, cùng với sự xuất hiện sự tích Phật mẫu Man Nương và thần Tứ pháp, gắn liền với việc du nhập đạo Phật từ Ấn Độ và nước ta mà cơ sở là trung tâm Luy Lâu (Thuận Thành – Bắc Ninh). Tư liệu về Phật mẫu Man Nương ở chùa Đậu hiện còn khá phong phú, trong đó đặc biệt là cuốn sách đồng có tự đề: “Pháp Vũ thực lục” gồm 8 lá đồng khổ 0,20 x 0,12m khắc chữ Hán hai mặt, ghi trọn vẹn sự tích Man Nương và thần Pháp Vũ như sau:
“… Quách Thông tâu vua rằng: Nay có tứ tượng, cần được chia ra nhiều nơi để thờ cúng, hằng mong đức Thánh lan tỏa khắp, phù trì vạn dân. Vả lại ở phía nam là vùng khô nóng, có linh khí trấn yểm, quả là vượt dải phúc kinh. Thần vừa có công du qua xứ Sơn Nam thấy ấp Gia Phúc, phủ Thường Tín có địa thế đẹp, đất này tất thành đại danh lam. Vua nghe xong liền xa giá tới thăm, ngó trước nhìn sau tấm tắc khen rằng: Quả như lời Quách Thông nói. Rồi lệnh cho xây lâu đài, phụng thờ thần Pháp Vũ, đặt tên là Thành Đạo tự”.
Như vậy, theo ghi chép tại sách đồng này thì ban đầu chùa có tên là Thành Đạo tự. Tại nhà Tổ của chùa còn đôi câu đối:
"Thiên sử cam lâm, Nam Việt dao truyền thiên cổ tích;
Đại khai minh kính, Sĩ Vương ngật lập vạn niên từ"
Nghĩa là:
"Trời ban mưa móc, đất Nam Việt truyền thiên cổ tích;
Đất mở gương sáng, thời Sĩ Vương sừng sững đền thiêng"
Mỗi khi có hạn hán, triều đình và Nhân dân đều đến đây cầu đảo. Vào thời Lê – Trịnh, mỗi lần cầu đảo, chúa Trịnh đều cho rước tượng thần Pháp Vũ ở chùa Đậu về phủ Chúa tế lễ.
Bảo tháp thờ đức Quán Thế Âm Bồ Tát nằm giữa hồ nước rộng lớn |
Chùa Đậu đã trải qua nhiều lần tu bổ tôn tạo qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Mạc và đợt tu bổ lớn nhất vào thời Lê-Trịnh năm 1635 bởi hội chủ hưng công là cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên cùng các công tôn (cháu đích tôn) là Trịnh Căn, Trịnh Quế và Trịnh Thụ hằng tâm công đức.
Thầy và trò trường Archimedes về chùa tham quan bái Phật và tìm hiểu văn hóa lịch sử dịp đầu xuân 2023 |
Kiến trúc độc đáo
Tiền đường chùa ở phía trước, nối liền với hai dãy hành lang hai bên và nhà tổ ở phía sau làm thành một khung vuông bao bọc lấy tòa thiêu hương và điện thờ Bà Đậu hay nữ thần Pháp Vũ. Ở lối vào gian giữa Tiền đường có bậc thềm với đôi rồng đá tạc với hình dạng đầu to, mình mập, uốn lượn như đang bò từ trên xuống. Đôi rồng đá này có phong cách tạo tác tương tự như đôi rồng đá trên bậc thềm chùa Phổ Minh (Nam Định) có niên đại thời Trần (thế kỷ 13-14). Bên trong nhà Tiền đường có bức phù điêu chạm hình tiên nữ đầu người mình chim và những chàng trai cưỡi rồng đánh hổ rất sinh động. Tại đây có hai pho tượng Hộ pháp khuyến thiện và Hộ pháp trừng ác sừng sững, uy nghiêm.
Hai tượng nhục thân các vị Thiền sư được đặt ở tòa Hậu đường chùa Đậu là 2 báu vật đã thu hút hàng vạn khách trong và ngoài nước đến chiêm bái. Đến nay, dòng họ Vũ ở thôn Gia Phúc vẫn làm giỗ hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Trong bài khấn còn lưu lại câu: “Hòa thượng, tăng lục ti tăng thống Vũ Khắc Minh hóa thân bồ tát”.
Hai am thờ hai vị thiền sư trước đây được dựng khối vuông, vừa đủ người ngồi, xung quanh xây gạch hộp khối chũ nhật, trang trí hình linh vật có phong cách thời Lê – Mạc. Ngày nay, am được tu tạo rộng hơn, song tượng hai vị thiền sư vẫn được bảo quản tại nhà Tổ của chùa. Hai am này vì từng có di hài các vị sư nên gọi là “Mộ am”, “lăng” hay “Nhà mộ nổi”.
Các am thờ Phật Thân Xá Lợi của nhị vị Thiền sư |
Cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viết: “... Di hài nhục thân của các Thiền sư là một dạng Xá lợi (hay Xá lị), là kết quả của quá trình dùng năng lượng đạt đến đỉnh cao của thiền định mà có được sau khi đã tự thiêu đốt đi tất cả. Là kết quả của một quá trình rất dài chứng nghiệm trong tu tập, loại bỏ tất cả những tạp niệm của Tâm và đạt đến sự giác ngộ viên mãn. Với di sản quý giá, nhục thân của các Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường ở Chùa Đậu (Hà Nội)… đã thể hiện sự đắc đạo trong tu chứng của các vị Thiền sư Phật giáo Việt Nam. Đó cũng chính là dấu ấn tâm linh và di sản văn hóa đặc biệt để lại trong lòng văn hóa dân tộc…”
Chùa Am (chùa Dân) tựa mình bên cạnh hồ bán nguyệt cùng chùa Đậu |
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa Đậu còn có chùa Am (chùa Dân) nằm ở phía Đông Nam, sau chùa chính (chùa Vua). Ngôi chùa thiết kế mặt bằng chữ đinh. Phía ngoài Tiền đường, phía sau là Tam bảo đấu đinh vào gian giữa Tiền đường. Chùa có quy mô nhỏ hơn chùa chính. Hệ thống tượng trên Tam bảo cũng có những lớp tượng cơ bản như Tam thế, A Di Đà, Cửu long… với nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XIX – XX. Cũng tại chùa Dân còn có những pho tượng Bà Hậu được tạc bằng gỗ thơm, đá quý rất đẹp.
Khuôn viên chùa với vườn cây, hồ bán nguyệt với bảo tháp thờ Quán Thế Âm Bồ Tát khiến Phật tử chiêm bái về đây không ngớt xuýt xoa với không khí trong lành và mát mẻ khác hẳn sự ngột ngạt xô bồ ngoài cổng tam quan. Tiếng chuông gió ngân nga mỗi khi gió về, âm vang như bản thiền ca bất tận khiến bất cứ nỗi lòng nặng trĩu nào cũng phải mỉm cười thả hồn để cảm nhận sự an yên nơi thiền môn thanh tịnh.
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ngự trên đài sen, mắt nhìn tứ phương, tay che tám hướng cứu độ chúng sinh |
Trong dịp đầu xuân Quý Mão, Chùa Đậu - Chùa Am đã đón tiếp các Cao Tăng Thái Lan về hành hương lễ Phật |
Các vị Cao Tăng làm lễ tại Chánh Điện thờ Tam Bảo |
Với 2.000 năm lịch sử cùng kiến trúc cổ và nhiều câu chuyện bí ẩn xung quanh hai thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, Chùa Đậu trở thành chốn tham quan lý thú cho du khách thập phương mỗi dịp Xuân về.