“Đóng đô” tại các quán cafe: Xu hướng mới của giới trẻ trong mùa thi cử

Bận rộn với deadline và bài tập chồng chất nhưng ở nhà thì lại lười biếng, nhiều bạn trẻ Gen Z đã “đóng đô” ngồi cả ngày ở quán cafe trong mùa thi cử để làm việc, học tập.
Ấn tượng thành tích của đại biểu gen Z dự Đại hội Đoàn XII Tại sao đa số Gen Z chỉ sống thật với nick ảo? Gen Z – Hành động vì môi trường

Dạo một vòng quanh các quán cafe tại Hà Nội trong thời gian này, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ mang theo laptop, giấy tờ đến đây để làm việc. Các quán cafe hiện nay dần trở thành địa điểm tự học, chạy deadline của nhiều người, từ học sinh, sinh viên đến người đã đi làm, bởi không phải ai cũng có không gian riêng phù hợp.

Thoải mái khi học tập, làm việc tại quán cafe

Bạn Anh Khoa (sinh viên năm 3, Học viện Tài chính) chọn cách thường xuyên ghé các quán cafe để học nhóm và làm bài tập trong suốt thời gian chuẩn bị cho kỳ thi. Khoa chia sẻ: “Thời gian gần đây mình phải ôn thi khá căng thẳng nên hầu như ngày nào cũng tìm đến các quán để học bài, nghe nhạc và giải trí. Giá nước cũng rẻ, vừa túi tiền với sinh viên nên việc ra quán cafe để học bài cùng bạn bè trong một không gian thoải mái, yên tĩnh thì cũng không quá khó”.

Cảm giác mọi người xung quanh cùng học tập, làm việc giống như mình giúp Khoa cảm thấy tập trung và hoàn thành bài tập sớm hơn so với khi làm bài một mình tại nhà. “Nhiều lúc mình bị xao nhãng khi làm việc ở nhà, trong khi đó ở ngoài quán cafe chỉ có mình và những người lạ xung quanh, nên lúc đó mình chỉ tập trung làm công việc của bản thân”, Khoa nói.

Nhiều quán cafe trở thành địa điểm làm việc quen thuộc của các bạn trẻ
Nhiều quán cafe trở thành địa điểm học tập và làm việc quen thuộc của các bạn trẻ

Bạn Phương Linh (23 tuổi, Hà Nội) cho biết từ khi cô bạn bắt đầu công việc freelancer, Linh cũng thường chọn các quán cafe có cách trang trí độc đáo để làm việc thay vì ở nhà. “Đối với mình, không gian quen thuộc, gò bó ở nhà hay văn phòng nhiều lúc khiến mình cảm thấy không thoải mái và mất hứng thú làm việc. Vì thế nên quán cafe là nơi làm việc vô cùng lý tưởng giúp mình làm việc hiệu quả hơn”, Linh chia sẻ.

Hiện nay, nhiều người thường sẽ ra quán cà phê để làm việc và học tập vì hợp với không khí ở đó. Xu hướng này phổ biến đến mức dễ dàng tìm được rất nhiều bài đăng trên mạng xã hội nói về các quán cà phê có thể ngồi học thay vì gợi ý những địa điểm tự học, đọc sách truyền thống là thư viện.

Nhật Khanh (sinh viên năm 2, Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ rằng bản thân thích học tại không gian thoải mái ở quán cafe hơn. Khanh cho biết, “Thư viện chỉ mở cửa theo giờ hành chính, đôi lúc mình muốn tự học thêm ngoài giờ thì khá bất tiện. Hơn nữa, ngồi ngoài quán cafe mình có thể thoải mái trao đổi với bạn bè còn ở thư viện phải hạn chế tiếng ồn”.

Nên hay không khi thường xuyên “mọc rễ” tại các quán cafe?

Trong thời gian này, nhiều bạn trẻ liên tục tận dụng những quán nước, cafe để ngồi làm việc, học tập cả ngày cũng gây nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng là sinh viên mà bỏ quá nhiều tiền để đi cafe học bài là không tiết kiệm, bởi vì học ở nhà hay thư viện sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều.

Bởi vì ở nhà không có không gian học tập, nhiều điều bất tiện khiến Anh Khoa bị xao nhãng nên thường sẽ ra ngoài để tập trung hơn. “Thường 1 tuần ít nhất mình đi 4 lần, nếu có thời gian sẽ đi cả tuần. Mỗi lần đi sẽ mất 45-50 nghìn để gọi đồ uống”, Khoa chia sẻ.

Không chỉ là nơi “trốn” công sở, các quán cafe còn là địa điểm để nhiều bạn trẻ tụ tập với bạn bè, Phương Linh cho biết bản thân khi là sinh viên cũng thường ra quán cafe tự học hay gặp gỡ bạn bè, “Mình thường dành 5-6 triệu mỗi năm để đi cafe. Thỉnh thoảng nếu ngồi lâu tại quán mình cũng thường gọi thêm nước hay bánh ngọt tuỳ nhu cầu của bản thân”.

Với Phương Linh, tần suất đi cafe để làm việc khoảng 1-2 buổi mỗi tuần thì số tiền này hoàn toàn xứng đáng. Bởi vì công việc đòi hỏi phải có nhiều sự sáng tạo nên đôi khi không gian quen thuộc, gò bó của thư viện hay ở nhà sẽ khiến cô bạn cảm thấy không thoải mái và mất hứng thú làm việc.

Việc chi tiêu sao cho phù hợp khi đi cafe để học tập và làm việc cũng trở thành một bài toán nan giải. “Theo mình thì nếu có thể đảm bảo khoản chi không ảnh hưởng quá nhiều đến chi phí sinh hoạt thì mới nên chi tiêu. Còn nếu không, hạn chế đi những quán cà phê có tầm giá cao hoặc đến quán chỉ để “sống ảo” thì khoản chi sẽ trở nên vô ích”, Anh Khoa chia sẻ.

Chi tiêu sao cho phù hợp trong khoản đi cà phê này cũng trở thành một bài toán tài chính nan giải
Chi tiêu sao cho phù hợp trong khoản đi cà phê này cũng trở thành một bài toán tài chính nan giải của. nhiều bạn sinh viên

Tuy nhiên, không phải lúc nào không gian quán cafe cũng yên tĩnh, phù hợp để các bạn trẻ học tập và làm việc. Nhật Khanh cho biết đôi khi gặp những bạn đến học nhóm đông, thảo luận ồn ào quá mức cũng khiến cô bạn mất tập trung, “Ngồi cafe như một địa điểm lý tưởng để làm việc, hẹn hò hay gặp gỡ bạn bè nên nếu đi học nhóm quá đông thì cũng gây bất tiện cho bản thân, mình dễ bị cuốn theo câu chuyện của mọi người hay “sống ảo” mà không học”.

Có thể thấy, việc các bạn trẻ Gen Z “đóng đô” ngồi cả ngày ở những địa điểm “đa di năng” như quán cafe cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mỗi người nên cân nhắc bởi những khoản phí tại các quán nước phải trả cũng như cần lựa chọn địa điểm ra sao cho phù hợp để học tập và làm việc.

Đình Trung
Tags: Gen Z
Phiên bản di động