“Bến chờ” – Công trình kiến trúc tái hiện ký ức sân ga
Khám phá ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất Châu Á Liên hoan Kiến trúc sư trẻ Việt Nam lần thứ IX diễn ra tại Yên Bái |
Tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023, thiết kế “Bến chờ” của KTS Lê Quang Thạch là Pavilion ngoài trời ấn tượng của lễ hội. Không chỉ làm biểu trưng cho sự kiện, “Bến chờ” còn làm sân khấu ngoài trời cho các sự kiện đặc sắc của lễ hội.
Làm mới những điều tưởng chừng xưa cũ
Khi nói về văn hoá, chúng ta thường nhắc tới di sản. Song, người dân hầu hết không để ý một thứ di sản quan trọng đang dần bị lãng quên theo thời gian - di sản công nghiệp.
Vì vậy, hướng đến bảo tồn di sản công nghiệp hiện đang được cả thế giới thực hiện. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm 2023 đã chủ động tham gia bằng việc chọn địa điểm tổ chức tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm – di sản công nghiệp giữa lòng Thủ đô.
Để đánh thức những ký ức đẹp của người dân về lịch sử đường sắt ở thời đại trước, các không gian Pavilion (những công trình kiến trúc đem tới không gian mở, nơi diễn ra các hoạt động...) mang tới những câu chuyện và các cung bậc cảm xúc khác nhau về Thủ đô ngàn năm dưới góc nhìn khác biệt về một Hà Nội sáng tạo và đậm chất nghệ thuật. Trong đó, Pavilion “Bến chờ” tại lễ hội năm nay là công trình kiến trúc chứa đựng nhiều hoài niệm của một thời đã qua.
Bản phác thảo thiết kế Pavilion “Bến chờ” - Công trình biểu trưng của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 |
Pavilion muốn tạo dựng một nhà chờ thu nhỏ trên một đoạn đường ray đang hoạt động với đầy đủ mái che và ghế ngồi. Kiến trúc độc đáo này do KTS Lê Quang Thạch thiết kế, được đặt tại khu vực sân Cầu Lăn chìm của nhà máy. “Bến chờ” có chức năng làm công trình biểu trưng cho Lễ hội và là sân khấu chính của các sự kiện.
Chia sẻ về bối cảnh ra đời của Pavilion, KTS Lê Quang Thạch đã có buổi trao đổi đầy ấn tượng với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô. Anh Thạch cho biết: “Tôi chứng kiến cùng cha ông những ký ức đẹp về nhà ga đường sắt thời ấy. Ngày chưa có điện thoại cầm tay, chưa có mạng xã hội, phương tiện đi lại đường dài chủ yếu là xe lửa, mỗi lần đi cũng là một lần khó. Vì vậy, nhà ga không còn đơn giản là nơi để di chuyển”.
Lấy cảm hứng từ ký ức về nhà ga đường sắt, KTS Lê Quang Thạch đã đặt bút thiết kế Pavilion “Bến Chờ” |
Trong hồi ức của anh Thạch, nhà ga là nơi của những cuộc chia xa, nơi của những ngày tiễn biệt, nơi của những giọt nước mắt buồn vui khi gặp lại người thân… Nhà ga vẫn lặng lẽ đứng đó, để lại trong lòng những con người thế hệ trước biết bao kỷ niệm đẹp. Nguồn cảm xúc đó chảy về là cảm hứng để KTS Lê Quang Thạch đặt bút thiết kế Pavilion “Bến chờ”.
Theo đó, Pavilion “Bến chờ” được đặt tại một đoạn đường ray trong Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, theo một hình thái vừa hoài niệm, vừa trẻ trung phù hợp với xu hướng chung của Gen Z.
Mô hình kiến trúc Pavilion “Bến chờ” |
Tái thiết di sản công nghiệp
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát huy giá trị của di sản công nghiệp. Bản thân anh Thạch may mắn được đến một nơi làm rất tốt về việc bảo tồn khu 798 tại Trung Quốc.
Anh Thạch kể, đây là một nhà máy công nghiệp cũ, cùng giai đoạn Nhà máy xe lửa Gia Lâm, được chính quyền nơi đây biến thành một tổ hợp đa năng mới. Với diện tích gần 60ha, KTS Lê Quang Thạch trực tiếp tham quan, khám phá ở đây 2 ngày không hết.
Những ngành nghề rất hợp với bối cảnh là một nhà máy cũ đã "sống tốt" ở đây như Galery nghệ thuật, phòng tranh, xưởng vẽ, các bảo tàng trưng bày nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật điện ảnh... Trong đó cũng có nhiều văn phòng làm việc của khối kiến trúc, khối công nghiệp sáng tạo.
Chứng kiến sức sống mãnh liệt của giới trẻ trước một di sản công nghiệp còn hiện hữu, KTS Lê Quang Thạch bị ấn tượng mạnh. Anh ấp ủ một ngày nào đó có thể góp sức vào việc bảo tồn di sản công nghiệp ở nước nhà.
Bản thân may mắn khi được đặt chân đến một nơi làm rất tốt về việc bảo tồn di sản, vì vậy, KTS Lê Quang Thạch ấp ủ một ngày nào đó có thể góp 1 cánh tay vào việc bảo tồn di sản công nghiệp ở nước nhà. |
“Di sản công nghiệp là bảo tàng sống, lưu giữ sự phát triển của văn minh loài người thời hiện đại. Dù đã bước sang thời đại thứ 4, nhưng những nhà máy công nghiệp vẫn là một thực thể kiến trúc biết nói. Bảo tồn di sản công nghiệp, chúng ta có thể cho nó một đời sống mới”, anh Thạch nhấn mạnh.
Xuyên suốt quá trình thiết kế không gian Pavilion, đội ngũ sáng tạo đã dày công tư duy và thiết kế “Bến chờ” với những đường nét mảnh mai, tiết giảm nhất. Đồng thời, đội ngũ sáng tạo và thi công tìm tòi và lựa chọn chất liệu chủ yếu là thép, nguyên liệu chính cấu thành nhà xưởng, sử dụng để Pavilion trở nên “tan biến” nhất khi đặt vào không gian của cầu Lăn Chìm.
KTS Quang Thạch không muốn Pavilion "Bến chờ" xuất hiện như một thực thể kiến trúc nổi bật |
Khiêm nhường và trân trọng vẻ đẹp có sẵn của di sản công nghiệp, công trình chỉ sử dụng một đường cong tối giản, tạo thành một hình khối cơ bản, nhằm kiến tạo không gian thay vì tạo dựng chi tiết. Chất liệu cấu thành lớp vỏ của công trình sử dụng chất liệu phản quang, là cách để ẩn mình và phản chiếu bối cảnh xung quanh lên thân mình.
Đặc biệt, “Bến chờ” còn được thiết kế những chỗ ngồi để làm điểm dừng chân cho du khách mỗi lần cần nghỉ ngơi, để lắng mình lại giữa tấp nập của thời cuộc, ngồi lại bên nhau, ngắm nhìn một vẻ đẹp đang bị lãng quên của một thời xưa cũ.
Công trình Pavilion "Bến chờ" chỉ sử dụng một đường cong tối giản, tạo thành một hình khối cơ bản, nhằm kiến tạo không gian thay vì tạo dựng chi tiết. |
Thời gian diễn ra Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 từ 17/11 – 31/12, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Cùng với “Bến chờ”, lễ hội còn có “Không gian kiến trúc và nghệ thuật phân xưởng nóng” tại sân khấu trong nhà, trưng bày những ghi chép về hiện vật tồn tại trong phân xưởng, chuỗi tư liệu hình ảnh của các cơ sở công nghiệp khác ở Việt Nam.
Lễ hội có chủ đề “Dòng chảy” và được kỳ vọng mang đến trải nghiệm mới cho người dân và du khách. Lễ hội năm nay bao gồm các hoạt động: Lễ khai mạc diễn ra vào tối 17/11 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm; 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 20 hội thảo, tọa đàm trong đó có 5 hội thảo quốc tế; 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, vườn hoa Vạn Xuân, ga Long Biên và ga Gia Lâm…
Mô hình của Pavilion "Bến chờ" |
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội là hoạt động do UBND TP Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc thực hiện. Năm nay, chương trình còn có Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc UN-HABITAT và nhiều đơn vị khác cùng tham gia tổ chức. |