Dồn sức hỗ trợ trường học vùng ngập lụt ở huyện Chương Mỹ
Sóc Sơn: Giáo dục lịch sử địa phương trong trường học Ngành giáo dục Thủ đô đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin Huyện Thạch Thất lấy ý kiến về dự án xây dựng trường gần 700 tỷ đồng |
Tại các vùng bị ngập úng, công tác hỗ trợ đã được thành phố Hà Nội cùng các cấp, các ngành và người dân các địa bàn lân cận triển khai từ sớm, đảm bảo những nhu cầu thiết yếu của người dân nơi đây.
Trường học vẫn mênh mông nước
Con đường dẫn vào các thôn Nhân Lý, Nam Hài, Hạnh Côn, Hạnh Bồ của xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn ngập trong nước lũ. Sau hơn 10 ngày, nước đã chuyển màu xanh lục và phảng phất mùi hôi. Đâu đó vẫn còn những mảng rác nổi.
Trường THCS Nam Phương Tiến A ngập trong nước lũ ngày 1/8 |
Ghi nhận ngày 1/8, các tuyến đường tại địa phận 4 thôn đều mênh mông nước. Vài ngôi nhà 1 tầng bị ngập sâu, chỉ còn một phần mái nhà nổi trên mặt nước. Tuyến đường liên xã Tân Tiến - Nam Phương Tiến ngập cao hơn, nhiều cây cao chỉ thấy ngọn.
Anh Nguyễn Văn Tân (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) cho biết, anh đã từng chứng kiến nhiều lần ngập lụt nên đã sớm có sự chuẩn bị. Ngay từ khi nghe được thông tin dự báo thời tiết, có nguy cơ xảy ra ngập nặng, vợ chồng anh Tân liền gửi hai con sang nhà ông bà ngoại, còn hai vợ chồng thì thay phiên nhau người trông nhà, người chạy qua chạy lại đảm bảo cuộc sống.
“Đến hôm nay nước đã rút được khoảng 30 - 50 cm nhưng trời vẫn tiếp tục mưa nên chắc sẽ rút rất chậm. Theo kinh nghiệm của tôi, chắc phải nửa tháng nữa mới hết ngập hoàn toàn”, anh Nguyễn Văn Tân chia sẻ.
Chèo xuồng theo con đường liên xã nay đã thành sông, cả 3 ngôi trường Mầm non, Tiểu học và THCS Nam Phương Tiến A vẫn đang ngập trong nước. Tại các trường học, Ban Giám hiệu đều có mặt, cùng một số nhân viên theo dõi tiến độ nước rút để sẵn sàng khắc phục hậu quả, đồng thời đảm bảo an ninh an toàn.
Hiệu trưởng Trường THCS Nam Phương Tiến A Nguyễn Bá Thắng cho biết, ngay khi xảy ra mưa lớn, nhà trường đã khẩn trương di chuyển các trang thiết bị, hồ sơ, tài liệu lên trên tầng cao để giảm thiểu thiệt hại, đồng thời cắt cử nhân viên ứng trực tại chỗ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã có thông báo tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên sẵn sàng tới trường để dọn vệ sinh trường lớp khi nước rút, đảm bảo các điều kiện tốt nhất khi năm học mới đang tới gần.
Chia sẻ, hỗ trợ kịp thời
Theo thống kê của xã Nam Phương Tiến, tính đến ngày 31/7, cuộc sống của gần 800 hộ dân và hơn 3.700 nhân khẩu thuộc 4 thôn Nhân Lý, Nam Hài, Hạnh Côn, Hạnh Bồ vẫn gặp nhiều khó khăn khi nước lũ rút chậm.
Xã Nam Phương Tiến đã huy động 250 người, trong đó có 150 cán bộ, chiến sĩ quân đội, 100 người là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai của địa phương và các phương tiện hỗ trợ người dân di chuyển người, tài sản từ nơi úng ngập đến vùng cao an toàn.
Cụm các trường THCS miền Bùi, huyện Chương Mỹ hỗ trợ, chia sẻ với Trường THCS Nam Phương Tiến A bị ngập úng |
Các đơn vị, đoàn thể cùng góp sức vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng cứu trợ của các cấp, các ngành đến các hộ dân bị nước lũ cô lập; đoàn thanh niên, hội phụ nữ cử cán bộ tới đi chợ giúp bà con trong vùng ngập lụt…
Chị Cao Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Phương Tiến cho biết, ngay những ngày đầu xảy ra hiện tượng ngập úng, Ban Chấp hành Hội đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đảm bảo cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân vùng lũ một cách nhanh chóng và hiệu quả, trong đó ưu tiên các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ em.
“Chúng tôi cử đồng chí Phó Chủ tịch Hội là “đầu mối”, tổng hợp từ các cơ sở thôn. Tại các chi hội sẽ phân thành các tổ nhóm và chi hội trưởng sẽ là người tổng hợp từ các tổ nhóm, trong đó mỗi tổ nhóm phụ trách từ 20-30 hộ gia đình. Khi nhận thông tin về các nhu yếu phẩm và thuốc của các hộ gia đình, tổ nhóm ghi chép từng đơn hàng theo từng hộ, sau đó tiếp nhận hàng hóa từ đầu các các chi hội trưởng để chuyển tới các hộ gia đình”, chị Cao Thị Luyến chia sẻ.
Có mặt kịp thời hỗ trợ gia đình các giáo viên Trường THCS Nam Phương Tiến B gặp khó khăn do bị cô lập bởi nước lũ, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Phương Tiến B Phạm Thu Hà cho biết: “Chúng tôi thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của các giáo viên sinh sống tại vùng ngập. Mỗi lần ngập, họ không chỉ phải đảm bảo an toàn cuộc sống gia đình mà còn luôn là người tiên phong trong công việc của nhà trường. Khi nước rút, họ vừa dọn dẹp nhà mình vừa xung phong tới trường chuẩn bị cho năm học mới”.
Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tối 2/8, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Hữu Thìn cho biết: "Vì đang trong thời gian nghỉ hè nên về cơ bản học sinh các nhà trường không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng ngập lụt. Theo thống kê của Phòng, có 47 giáo viên các trường nằm rải rác ở vùng lũ. Chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường ứng trực, rà soát cơ sở vật chất, nước rút đến đâu, các lực lượng vệ sinh đến đó, đảm bảo điều kiện phòng chống dịch bệnh để sẵn sàng đón học sinh".
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, để ứng phó các tình huống thiên tai, hỗ trợ người dân vùng lũ ổn định đời sống, huyện Chương Mỹ đã huy động 4.721 người, 199 phương tiện (trong đó có 450 cán bộ, chiến sĩ và 17 phương tiện của đơn vị quân đội) hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản từ vùng úng ngập đến nơi an toàn; phân luồng giao thông, không để người và phương tiện đi qua khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, bảo vệ tài sản của người dân.
Cùng với nhiệm vụ trên, huyện đã huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân vùng úng ngập 3.701 thùng mì tôm, 100 gói lương khô, 65 thùng sữa tươi, 3.010 bình nước uống, 820 chai nước mắm, tặng 601 suất quà bằng tiền mặt với tổng số gần 172 triệu đồng; 1.800 quả trứng gà, 100 lít dầu thắp sáng, 1.000 gói thuốc nhỏ mắt, chữa bệnh ngoài da, tiêu chảy, khử khuẩn nguồn nước…
Huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương đóng điện trở lại cho các hộ nước rút đảm bảo an toàn, hỗ trợ bóng điện, dây điện cho các hộ khó khăn. UBND các xã, thị trấn triển khai ngay việc tổng vệ sinh môi trường, rác thải, xác động vật, đồng thời thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ thiệt hại theo quy định.
Bên cạnh đó, các địa phương sớm triển khai phương án phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống của nhân dân: Vùng ngập sau khi rút cạn nước sẽ trồng rau và cây vụ đông sớm, UBND huyện sẽ hỗ trợ cây giống theo đề xuất của Phòng Kinh tế.
Ngay sau khi nước rút, các xã khẩn trương kiểm tra, đánh giá sự cố các công trình giao thông, hạ tầng, nhà ở, đê điều, thủy lợi; kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi; chủ động triển khai phương án hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men và thiết bị y tế, không để tình trạng người dân không có nước uống, sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu…
Theo báo cáo nhanh của Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, sáng 2/8, mực nước sông Bùi đã hạ xuống mức 6,5m (giảm 30cm so với ngày 1/8) và bằng với mức báo động 2. Tuy nhiên mực nước ở các hồ vẫn ở mức cao, cụ thể hồ Đồng Sương ở mức 18,24 (ngưỡng tràn 18,2m), hồ Văn Sơn 19,52 (ngưỡng tràn: 19,5), hồ Miễu là 39,52m (ngưỡng tràn: 39,5). Về thiệt hại, hiện vẫn còn 17 thôn xóm đang bị ngập (giảm 2 thôn so với ngày 1/8), số hộ ảnh hưởng là 912 (giảm 340 so với ngày 1/8), số người ngập cần cứu trợ là 5.652 (giảm 398), so với ngày 1/8, số người đang sơ tán 2.006 (giảm 1.523 số người). |