Sóc Sơn: Giáo dục lịch sử địa phương trong trường học

Việc áp dụng dạy học tích hợp nội dung lịch sử của Hội nghị quân sự Trung Giã vào chương trình giáo dục tại Sóc Sơn là một cách làm hay, cần được nhân rộng.
Hội nghị quân sự Trung Giã - Mốc son của lịch sử ngoại giao Việt Nam Hiệp định Giơnevơ: Nâng tầm ý nghĩa và tầm vóc lịch sử Cả nước có hơn 2.100 thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử

Niềm tự hào của Nhân dân huyện Sóc Sơn

Hội nghị quân sự Trung Giã (4 – 27/7/1954) là một dấu mốc lịch sử đáng tự hào, thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của quân và dân ta trong đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Cách đây 70 năm, Hội nghị diễn ra tại xã Trung Giã, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) bàn những vấn đề về quân sự đã thỏa thuận ở Hội nghị Giơnevơ. Sau 23 ngày làm việc, Hội nghị đã kết thúc khi hai bên đạt được thỏa thuận về bốn vấn đề chính: Trao đổi tù bình; những biện pháp sơ bộ về ngừng bắn; thỏa thuận về các chiến dịch rút quân, tập kết; về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Giám sát liên hợp; qua đó, góp phần thực thi Hiệp định Giơneve, chấm dứt chiến tranh, củng cố thành quả của phong trào Việt Minh và chuẩn bị cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Sóc Sơn: Giáo dục lịch sử địa phương trong trường học
Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tại Hội nghị quân sự Trung Giã, tháng 7/1954 (Ảnh tư liệu)

Có thể khẳng định, Hội nghị quân sự Trung Giã (1954) là mốc son chói lọi đánh dấu bước ngoặt mới của cách mạng nước nhà, thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của quân và dân ta trong đấu tranh giành độc lập dân tộc. Vì vậy, việc áp dụng dạy học tích hợp nội dung của Hội nghị vào chương trình giáo dục tại địa phương có vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bàn về những giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của Hội nghị Trung Giã, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: “70 năm đã qua nhưng âm hưởng, ý nghĩa và những bài học của Hội nghị Trung Giã vẫn còn vang vọng, là động lực, xây dựng, phát triển Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn… phát triển nhanh, bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Cũng theo đồng chí, Hội nghị Trung Giã còn giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương thế hệ ông cha ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Còn đối với đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Sóc Sơn: “70 năm đã trôi qua, nhưng dấu ấn lịch sử, niềm tự hào, vinh dự của Nhân dân huyện Sóc Sơn được góp phần tham gia tổ chức Hội nghị quân sự Trung Giã vẫn còn mãi. Khắc ghi dấu ấn lịch sử đó, Đảng bộ và Nhân dân Sóc Sơn ngày nay, luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy những thành tựu đạt được, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là mảnh đất của những sự kiện oai hùng”.

Sóc Sơn: Giáo dục lịch sử địa phương trong trường học
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Sóc Sơn

Tích cực đưa lịch sử địa phương vào mỗi bài giảng

Với ý nghĩa lịch sử to lớn của Hội nghị Trung Giã, đồng thời, nhằm hướng tới tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp trong lịch sử, phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn đã trực tiếp tham mưu với các cấp lãnh đạo huyện đưa sự kiện lịch sử này vào Tập bài giảng Giáo dục lịch sử địa phương Sóc Sơn, đi kèm là Tập tài liệu hướng dẫn giảng dạy đến 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn từ năm học 2012 - 2013 đến nay.

Nhận thức rõ vai trò then chốt của đội ngũ nhà giáo trong việc truyền tải kiến thức lịch sử một cách chân thực và sinh động, toàn ngành GD&ĐT huyện Sóc Sơn đã tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo cốt cán chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương.

Các khóa tập huấn chuyên môn ngắn ngày đã được tổ chức; không những vậy, các giáo viên còn được rèn luyện các kỹ năng biên soạn tài liệu, phương pháp giảng dạy hiện đại để triển khai công tác giáo dục lịch sử một cách hiệu quả.

Điều này giúp các thế hệ học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông không chỉ được tiếp cận, trang bị kiến thức mà còn khơi gợi niềm tự hào, ý thức trân trọng, phát huy các giá trị truyền thống quý báu của lịch sử cách mạng địa phương.

Chia sẻ với phóng viên, cô Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn bày tỏ: “Giáo dục truyền thống dân tộc nói chung, giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng địa phương nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ hiện nay. Việc trân trọng, kế thừa và phát huy là niềm tự hào, vinh dự và cũng là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên, các thế hệ học sinh tại các nhà trường trên địa bàn huyện”.

Cụ thể, phần Hội nghị quân sự Trung Giã được trình bày trong phần bài giảng “Sóc Sơn trong kháng chiến chống Pháp”… Đây là những tài liệu quan trọng giúp giáo viên và học sinh các nhà trường tìm hiểu, giảng dạy về lịch sử địa phương trong các giờ học chính khóa và ngoại khóa.

Ngành GD&ĐT huyện cũng xác định, việc đưa các nội dung lịch sử địa phương nói chung và nội dung về Hội nghị quân sự Trung Giã nói riêng vào chương trình giáo dục lịch sử tại các cấp học không chỉ đơn thuần là truyền tải lịch sử mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục đạo lý, truyền thống; khẳng định trí tuệ, bản lĩnh; tôn vinh những anh hùng, liệt sĩ đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc. Đây cũng là cơ hội để quảng bá, khẳng định vị thế của quê hương Sóc Sơn với cả nước về phương diện lịch sử, truyền thống cách mạng.

Sóc Sơn: Giáo dục lịch sử địa phương trong trường học
Cô Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn

Đặc biệt, ngành GD&ĐT huyện Sóc Sơn đã chủ động chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ nhằm phát triển chương trình giáo dục lịch sử địa phương.

Toàn ngành ưu tiên triển khai những hoạt động giáo dục trải nghiệm, quán triệt tinh thần chỉ đạo của cấp trên thông qua các cuộc thi, hội thảo, các buổi trải nghiệm thực tế… để kết nối chủ đề Hội nghị quân sự Trung Giã với học sinh một cách sinh động. Ngoài cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử kháng chiến chống Pháp” do Huyện ủy phát động vào tháng 4/2024 nhân kỷ niệm 70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã, phòng GD&ĐT còn chỉ đạo các trường tổ chức tham quan, nghe thuyết minh, giới thiệu, qua đó học tập và tìm hiểu lịch sử sự kiện ngay tại Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã.

Bên cạnh đó, phòng GD&ĐT huyện thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan trong huyện tổ chức các cuộc triển lãm lưu động với hình ảnh, tư liệu giới thiệu về sự kiện lịch sử hay một số hoạt động như các buổi tọa đàm, chia sẻ chuyên đề hoặc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nhân chứng sống, nói chuyện về các gương anh hùng cách mạng, về kháng chiến tại địa phương.

Khi lịch sử không chỉ nằm lại quá khứ
Học sinh Trường Tiểu học Phù Linh, huyện Sóc Sơn trong 1 tiết học trên lớp

Có thể khẳng định, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, ngành GD&ĐT huyện Sóc Sơn đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, tiên phong trong việc tôn vinh và phổ biến sâu rộng giá trị lịch sử truyền thống nói chung, của Hội nghị quân sự Trung Giã nói riêng. Sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo huyện đối với công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, đặc biệt là nội dung liên quan đến sự kiện quan trọng này đã được thể hiện rõ nét qua những chỉ đạo sâu sát, sự đầu tư nguồn lực và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành trong việc triển khai các giải pháp nêu trên.

Theo kế hoạch của Huyện ủy, năm 2024 - 2025, ngành GD&ĐT huyện sẽ phối hợp với ban Tuyên giáo Huyện ủy trong nghiên cứu, bổ sung, biên tập, tái bản Tập bài giảng lịch sử địa phương của huyện. Những giá trị lịch sử truyền thống, sự kiện Hội nghị quân sự Trung Giã sẽ có thêm nhiều tư liệu quý được bổ sung, làm sáng rõ.

Ngành cũng sẽ phối hợp với Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, các xã, thị trấn biên soạn Tập bài giảng riêng về Lịch sử cách mạng huyện cũng như Lịch sử Đảng bộ địa phương.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành GD&ĐT huyện Sóc Sơn hoàn toàn tin tưởng rằng các thế hệ học sinh Sóc Sơn sẽ không chỉ được tiếp thu tri thức về lịch sử mà còn được rèn luyện, thấm nhuần tinh thần yêu nước nồng nàn, khí phách bất khuất của dân tộc Việt Nam qua những bài học lịch sử sống động.

Đây là tài sản vô giá để các em trở thành những công dân có trách nhiệm, kiên định lý tưởng cách mạng, quyết tâm xây dựng quê hương Sóc Sơn ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động