Doanh nghiệp “than” chi phí vận chuyển nông sản quá cao: Thủ tướng vào cuộc!
Bộ Công thương khuyến cáo việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc Nông sản Việt tìm lời giải khi đứt chuỗi cung ứng |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chi phí vận chuyển nội địa đối với hàng nông sản.
Theo đó, vừa qua, báo chí phản ánh chi phí vận chuyển nông sản cao hết sức vô lý, do quá nhiều trạm thu phí trong khi hệ thống đường biển không phát huy tác dụng, doanh nghiệp kiến nghị cắt giảm chi phí vận chuyển nội địa.
Về vấn đề trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất.
Xe chở nông sản tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). |
Trước đó, chia sẻ tại Hội nghị Giải pháp cắt giảm chi phí logistics - giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức ngày 9/7, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú cho biết, chi phí vận chuyển nội địa quá cao đang cản đường tiêu thụ nông sản của nhiều doanh nghiệp.
Ông Quang lấy ví dụ, chi phí vận chuyển 1 container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 15 triệu đồng thì vận chuyển 1 container tôm từ TP HCM ra Hà Nội mất 80 triệu đồng, tăng gấp đôi vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ. Tương tự, một container tôm từ TP HCM đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa.
"Đây là điều hết sức vô lý, đẩy giá thành lên cao, vì vậy ngành chức năng cần có giải pháp cắt giảm chi phí vận chuyển nội địa, do có quá nhiều trạm thu phí đã đẩy giá lên cao, trong khi hệ thống đường biển, đường sông có nhiều nhưng không phát huy tác dụng do không có cảng nội địa", ông Quang nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Minh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, chi phí logistics của một số chuỗi cung ứng hiện còn ở mức cao, khiến giá thành sản xuất của nông sản Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Cụ thể, chi phí logistics của sản phẩm hải sản chiếm 12,1% giá thành sản xuất, con số này với mặt hàng gạo lên tới 29,8%, rau quả 29,5%. "Nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng cao là do phí vận chuyển cao vì giá nhiên liệu cao, quá nhiều trạm thu phí BOT, các chi phí không chính thức khác,… hệ thống hạ tầng còn hạn chế", ông Minh nói.