Doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng với chất lượng vải tươi của Hải Dương
Hải Dương: Vải sớm Thanh Hà vào mùa, thương lái "săn" hàng Hải Dương: Những quả vải u trứng trắng Thanh Hà đầu tiên được thu hoạch Hải Dương "đánh thức" tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn |
Những ngày này, thủ phủ vải Thanh Hà đang trong giai đoạn thu hoạch rộ vải sớm. Với sự kết nối của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, đại diện Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã tham quan, khảo sát vùng vải thiều tại xã Thanh Sơn.
Tại đây, các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao quy trình sản xuất vải thiều của người dân. Đây là đặc sản được thị trường Nhật Bản ưa chuộng nhiều năm trở lại đây.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Thanh Hà dẫn đoàn tham quan, khảo sát vùng vải thiều tại xã Thanh Sơn. |
Ông Koji Tanihara, đại diện doanh nghiệp của Nhật Bản cho biết, trước mắt đoàn sẽ khảo sát, thông qua Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ để đưa vải thiều Thanh Hà vào hệ thống Trung tâm Thương mại Aeon Việt Nam (toàn quốc).
Đây cũng là một trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam. Đoàn đã phối hợp các đơn vị truyền thông quảng bá tới người dân Nhật Bản về hình ảnh, quy trình sản xuất vải thiều.
Ông Yuchiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam cho biết, quả vải Hải Dương đã có mặt tại Nhật Bản từ năm 2020 và được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ông tin tưởng với chất lượng được đảm bảo, sản lượng vải được xuất khẩu sang Nhật Bản trong tương lai chắc chắn sẽ vượt kỳ vọng.
Theo đại diện Công ty TNHH Rồng Đỏ, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, mẫu quả vải thiều Thanh Hà đã được gửi đi kiểm nghiệm tại trung tâm kiểm nghiệm của Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, đơn vị kiểm định chất lượng nông sản đã được quốc tế công nhận. Trung tâm này đã thông báo kết quả phân tích mẫu quả vải đủ điều kiện xuất khẩu.
Hình ảnh những quả vải đã được chiếu xạ tại Hà Nội để xuất khẩu đi Úc ngày 2/6. |
Cụ thể, hơn 800 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không còn tồn dư hoặc bảo đảm ở ngưỡng cho phép. Các chỉ tiêu được kiểm định theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là điều kiện để vải thiều Thanh Hà có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Australia, Anh, Pháp, Nhật Bản...
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ cho biết, ngày 2/6, 15 tấn vải thiều Thanh Hà đầu tiên đã được xuất khẩu sang Mỹ, 1 lô tiếp theo đang được chiếu xạ tại Hà Nội và sẽ xuất sang Úc ngay sau đó. Năm nay, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ dự kiến xuất khẩu 300 tấn vải thiều Thanh Hà sang Nhật Bản, Mỹ, Úc…
Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, các thị trường xuất khẩu truyền thống của vải Thanh Hà vẫn được giữ vững. Riêng đối với thị trường Nhật Bản, năm nay ước tính lượng vải sang Nhật có thể tăng 150 - 200%.
"Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập huấn rất kỹ cho bà con nông dân, các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để họ là những cánh tay nối dài hướng dẫn bà con chăm sóc đúng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương cũng lưu ý bà con nông dân đối với các trà vải đã chín, tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng quả vải tốt nhất.
"Theo kiểm tra bước đầu, các mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều đạt tiêu chuẩn", bà Kiểm chia sẻ.
Vải sớm Thanh Hà (Hải Dương): Thương lái săn nhà vườn |
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết, địa phương tạo điều kiện tối đa cho việc tiêu thụ vải.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, sơ chế và xuất khẩu, huyện Thanh Hà đang chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn bố trí các điểm thu mua thuận lợi, lực lượng công an phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự…
Hiện Hải Dương có 55 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với tổng diện tích 622ha. Trong đó có 42 mã vùng trồng vải có diện tích 49ha, sản lượng trên 3.300 tấn, 13 mã vùng trồng cà rốt có quy mô 130 ha, sản lượng 7.800 tấn. Bên cạnh đó, tỉnh hiện cũng có 2 cơ sở đóng gói bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản.