Hải Dương "đánh thức" tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn
Lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn năm 2022 do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tổ chức trong 2 ngày 3 và 5/8. |
Chia sẻ tại lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn năm 2022, do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tổ chức trong 2 ngày cuối tuần qua, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tiến, Trưởng khoa Du lịch - Trường Đại học Sao Đỏ khẳng định, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hải Dương mới ở đang ở giai đoạn bắt đầu.
Chưa tương xứng tiềm năng
Hải Dương có vùng nông thôn rộng, trải dài khắp các huyện, thị xã, thành phố, với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng. Tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông thôn hiện nay bao gồm rừng, núi, sông, hồ, làng quê, vườn cây hoa trái; cùng với các di tích đền, đình, chùa cổ kính có bề dày lịch sử…
Hải Dương với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng. |
Ở đây, mỗi làng quê lại có những sinh hoạt văn hóa, các loại hình nghệ thuật đặc sắc (như tuồng, múa rối nước, xiếc, hát ca trù, hát trống quân, hát đối, hát ru), lễ hội dân gian truyền thống đậm màu sắc bản địa, các làng nghề có nhiều sản phẩm đặc trưng tiêu biểu được làm ra bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân trong vùng.
Bên cạnh đó, tính cách của người dân mỗi địa phương cũng có nét riêng đặc biệt, nhưng điểm chung đều là sự cởi mở, thân thiện, nhân hậu và chân thành. Đây là tiền đề rất quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, loại hình du lịch này ở Hải Dương còn mới, quy mô nhỏ lẻ và mang tính tự phát, tính hệ thống và kết nối chưa cao. Các sản phẩm mới chỉ dừng ở khai thác các cảnh quan như vườn cây ăn trái, ao sen, tham quan trải nghiệm ăn uống, mua trái cây hoặc sản phẩm làng nghề là chính.
Ông Vũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi tập huấn. |
Thêm nữa, số lao động tham gia vào du lịch nông thôn còn hạn chế vì thu nhập còn thấp, mang tính mùa vụ (mùa quả chín…). Cùng với đó nhiều nơi cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch còn thiếu, yếu; công tác vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức; tinh thần chủ động sáng tạo của nhiều người dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng chưa cao, chưa khai thác được các sản phẩm nông nghiệp vào phát triển du lịch...
Do đó, “để phát triển du lịch cộng đồng cần có sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền các cấp và đặc biệt là vai trò của mỗi người dân. Về phía người dân, bên cạnh việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong cộng đồng trên tinh thần hợp tác còn cần tích cực học hỏi, giao lưu, tìm hiểu các kiến thức, cách thức làm du lịch nông nghiệp, nông thôn” - ông Vũ Đình Tiến nhấn mạnh.
Nâng cao kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tiến, Trưởng khoa Du lịch - Trường Đại học Sao Đỏ khẳng định, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hải Dương mới ở đang ở giai đoạn bắt đầu. |
Tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tiến, Trưởng khoa Du lịch - Trường Đại học Sao Đỏ khẳng định, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hải Dương mới ở đang ở giai đoạn bắt đầu. Việc khai thác giá trị mới dừng ở lại bước tham quan và trải nghiệm mà chưa có hoặc có rất ít các sản phẩm về dịch vụ ăn uống, lưu trú để "níu" chân du khách.
"Hiện các khu di tích, điểm đến du lịch của Hải Dương có khá nhiều hoạt động tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, du lịch là một ngành kinh tế, do vậy các điểm đến cần có thêm nhiều dịch vụ và nhiều hơn nữa các hoạt động để du khách lưu trú được dài và đến đó để tiêu tiền".
Ông dẫn chứng ví dụ, tại đền thờ Chu Văn An có thể tổ chức thêm các hoạt động trải nghiệm như làm một sĩ tử ngày xưa như thế nào; Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức các hoạt động liên quan đến trải nghiệm ở khu vực hồ sen; tại An Lạc có các tài liệu về bánh chưng, bánh giày…
"Kiếp Bạc cần tổ chức thêm các hoạt động liên quan đến trải nghiệm ở khu vực hồ sen", ông Nguyễn Đăng Tiến cho biết. |
“Chí Linh là địa phương có rất nhiều tiềm năng, nhiều hơn so với nơi khác trong tỉnh, thế nhưng nhiều khách đến đây không biết đi đâu. Ở những địa phương của tỉnh, thành khác, du khách đến có rất nhiều thông tin. Vì vậy, Chí Linh cần đầu tư thêm nhiều tờ rơi, tờ gấp, bản đồ thông tin về du lịch để cung cấp cho du khách. Hay tại khu vực Thanh Mai, xứ vải thiều Thanh Hà, những nơi check-in đẹp cần đầu tư xây dựng điểm kiên cố để du khách có thể đứng lại chụp ảnh, selfie,… đáp ứng những sở thích, nhu cầu của du khách”, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tiến gợi ý.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tiến, trong các bước hình thành mô hình điểm đến du lịch, bước đầu tiên là lập kế hoạch, trong lập kế hoạch có bước chọn điểm vì trong một vùng hay một khu vực không phải nơi nào cũng phát triển được. Như ở Chí Linh, ngoài các điểm di tích, các điểm ở thôn, xã cần tìm ra tính độc đáo, thế mạnh của tài nguyên đó, khả năng tiếp cận, tính thị trường và có kế hoạch để khai thác điểm đó. Tiếp đó là xây dựng cơ cấu tổ chức, ai tham gia ở mảng nào, ai quản lý nhằm tạo ra các mối quan hệ với các công ty du lịch, đầu mối khách hàng… để đưa khách về địa phương.
Hải Dương là một tỉnh có nhiều loại đặc sản nổi tiếng, trong số đó phải kể đến Rươi Tứ Kỳ, Thanh Hà. |
Tiếp theo là việc thiết kế sản phẩm du lịch, để khai thác tối đa những thứ vốn có của tài nguyên ở điểm đó. Hoàn thiện khả năng khai thác nhanh bao gồm các quy định giữa doanh nghiệp du lịch với du khách, ban quản lý với người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tương tác với các bên để đảm bảo tính an toàn như bác sĩ, ẩm thực, cơ sở lưu trữ… Tạo hình ảnh, khẩu hiệu, slogan hấp dẫn, thú vị, riêng có; thiết lập quan hệ với báo chí, truyền thông; làm tờ rơi, tờ gấp, bản đồ, website, mạng xã hội; tổ chức sự kiện… nhằm lan tỏa thương hiệu, tiếp cận khách hàng một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hơn nữa, việc cung cấp các dịch vụ cần sự chuyên nghiệp, thân thiện, hiếu khách…
Chia sẻ tại buổi tập huấn, bà Phạm Thị Liêm, chủ Khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn (huyện Thanh Hà) cho hay, trước kia, người dân ở khu vực chúng tôi phần lớn là làm nông nghiệp, chưa nghĩ tới du lịch. Sau này chúng tôi nảy ra ý tưởng làm nông nghiệp kết hợp với du lịch, nhưng lúc đó chỉ là tự phát.
Hiện Khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn kết hợp giữa trồng vải thiều và sen. Đến mùa, du khách được tham gia chèo thuyền, trực tiếp hái, thưởng thức quả vải, chụp ảnh làm kỷ niệm và nhâm nhi chén trà sen. Sau 5 năm triển khai, chúng tôi nhận thấy, việc kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch đã thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển hơn, diện mạo xóm làng ngày một khang trang.
Khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn (Thanh Hà, Hải Dương) mới chỉ dừng lại ở bước tham quan và trải nghiệm. |
Sau buổi tập huấn, bà Phạm Thị Liêm cho biết: "Tôi đã thêm được nhiều kiến thức và sẽ nghiên cứu thêm về lĩnh vực ẩm thực để phục vụ du khách; xây dựng những ngôi nhà đơn giản ven sông làm nơi lưu trú cho các gia đình nhỏ; thả thêm cá dưới các kênh rãnh nước, mỗi khi du khách đến có thể trải nghiệm câu cá…".
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách) cho biết, Chu Đậu là một làng nghề khá đặc sắc so với các làng nghề khác. Liên quan đến du lịch, ngay từ ban đầu, chúng tôi đã có quy hoạch, trong đó có nơi sản xuất, hướng dẫn, trưng bày sản phẩm, vườn cây tạo cảnh quan bóng mát...
Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam. |
“Hiện tại, các đoàn khách đến với chúng tôi ngoài tham quan, mua sắm các sản phẩm còn được trải nghiệm vẽ hoa văn, họa tiết lên gốm. Các đoàn khách ghé qua chỗ chúng tôi thường nằm trong tour Côn Sơn, Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh) - Gốm Chu Đậu - thành phố Hải Dương - Đảo Cò (huyện Thanh Miện)”, ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết thêm.