Dở khóc dở cười chuyện người trẻ chọn “mắc nợ” để có động lực phấn đấu
Xu hướng “nằm yên” tránh áp lực cuộc sống của nhiều người trẻ Trẻ em sử dụng tiền lì xì như nào cho đúng? Thanh niên chống lại "virus xuyên tạc lịch sử" - Đừng để chỉ là trào lưu! |
Không giống như các thế hệ trước, những khoản tiền chi cho những việc “trời ơi đất hỡi” đang góp phần tác động đến tỷ lệ nợ nần của những người trẻ tuổi. Áp lực trả nợ thậm chí còn khiến giới trẻ cuống cuồng hơn thời khắc chấm công của dân văn phòng, ấm nước vừa sôi hay tiếng chuông đồng hồ báo thức mỗi buổi sáng.
Vừa mới bước chân vào xã hội, hầu hết người trẻ vẫn chưa có tiền hoặc chưa đủ điều kiện để sắm sửa, mua xe hay mua nhà. Nhiều người chia sẻ, vấn đề phát sinh khi càng kiếm tiền càng nghèo vì họ lâm vào những khoản nợ phi lý khiến tình hình trở nên mất kiểm soát. Từ đó, cuộc sống dần rơi vào vực thẳm và bế tắc.
Nhiều người trẻ trở nên "khốn đốn" với quan điểm "vay nợ để có động lực phấn đấu" (Ảnh minh họa) |
Nguyễn Lê Như Quỳnh (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết công việc hiện tại chỉ cung cấp đủ cho cô khả năng năng chi trả tiền nhà, sinh hoạt và mua sắm một chút đồ cho bản thân. Khi muốn đi chơi cùng bạn bè hay tham gia vào một chuyến du lịch sẽ buộc Quỳnh phải thắt chặt chi tiêu, thậm chí là đi vay để có thể tham gia cùng mọi người.
“Mình của ngày trước là một người không muốn cho người khác vay tiền, cũng không bao giờ vay nợ ai. Làm ra bao nhiêu thì mình sẽ dùng từng đó. Còn hiện tại, quan điểm đó của mình đã thay đổi vì càng lớn, những khoản chi ngày càng nhiều hơn.
Đợt vừa rồi, để mua chiếc máy tính mới, mình đã vay tiêu dùng 20 triệu trả trong 12 tháng. Sau khi kết thúc thời hạn vay, số tiền sẽ chênh lên khoảng 1,5 triệu so với tiền gốc. Vì không muốn phiền mọi người và khoảng chênh cũng không quá cao nên mình thấy không có vấn đề gì với khoản vay.
Máy tính mới sẽ phục vụ cho công việc thiết kế của mình chứ không vì lý do gì khác cả nên mình tin rằng sẽ có động lực làm việc nhiều hơn khi đang có một khoản nợ cần phải trả”, Như Quỳnh nói.
Giống như Nguyễn Lê Như Quỳnh, Phạm Văn Toàn (26 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cũng quyết định “chọn nợ để mắc” khi cần một khoản tiền lớn cho việc chi tiêu của mình. Tháng 8 năm ngoái, Toàn có mua chiếc điện thoại iPhone đời mới với mức giá hơn 30 triệu đồng theo hình thức trả góp trong 12 tháng. Chàng trai trẻ cho biết, dù có thể trả thẳng vì đã tiết kiệm đủ nhưng để có 1 khoản dự phòng khi những vấn đề khác xảy ra, Toàn quyết định sẽ trả góp chiếc điện thoại qua thẻ tín dụng.
Mua sắm quá tay và không có kế hoạch cụ thể khiến giới trẻ rơi vào vòng xoáy nợ nần |
Khi những khoản vay nợ cho phép Văn Toàn sở hữu các món đồ vốn không tương xứng với thu nhập của mình. Việc vay để có động lực khiến chàng trai 26 tuổi tiếp tục “nhúng tràm” mua trả góp thêm xe máy và một vài đồ dùng khác. Hiện tại, Văn Toàn đã mang số nợ tương đương thu nhập cả năm ngoái khiến anh rơi vào bế tắc, khủng hoàng vì không biết phải kiếm thêm nguồn thu nhập từ đâu.
“Mình không nghĩ là mọi chuyện sẽ rơi vào hố đen như vậy. Không cưỡng lại được việc chi tiền cho thứ mình thích nên đã tính toán sai số tiền phải bỏ ra và cứ thế quá tay khiến mọi thứ vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Bố mẹ có nói sẽ giúp mình trả nhưng thực sự mình cảm thấy chán nản lắm”, Văn Toàn bày tỏ.
Còn Hải Quân (22 tuổi, sinh viên năm cuối một trường đại học tại Hà Nội), người luôn tự nhận mình là mẫu con trai ga lăng cho biết, mỗi tháng anh chi hàng triệu đồng cho “chi phí tình yêu”. Việc đó khiến Quân ngày càng có nhiều khoản vay mà chưa biết ngày có thể trả.
“Mình vay tiền bên này để trả nợ cho bên khác. Việc đó bắt đầu sau hơn nửa năm mình có người yêu. Mỗi lần đi chơi với cô ấy, tiền ăn uống, mua sắm và nhiều thứ khác đều là mình trả. Lúc đầu vẫn ổn do công việc thuận lợi và mình thấy rằng việc chi tiền cho người yêu là điều quá bình thường.
Càng về sau, cô ấy càng đòi hỏi nhiều hơn. Trong khi đó, mình thì không thể đáp ứng nổi những yêu cầu của cô ấy nữa và hằng tháng đều phải gom góp để lo liệu các khoản nợ. Cuối cùng, bọn mình chia tay vào đầu tháng 1 vừa rồi”, Quân buồn bã nói.
Người trẻ không nên vì “sang mồm”, đua đòi cùng bạn bè hay sống ảo mà “chọn nợ để vay” thay vì cố gắng làm việc, tiết kiệm và xây dựng những kế hoạch phù hợp với bản thân |
Đối với phần đông người trẻ, khi có nhu cầu mua sắm các sản phẩm mình chưa có khả năng chi trả ngay lập tức, họ thường tìm đến thẻ tín dụng hay các khoản vay tiêu dùng. Mục đích của họ khi chọn vay nợ thường là đáp ứng các chi phí sinh hoạt cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, nghỉ ngơi, giải trí…
Việc nợ nần không phải là cội nguồn của mọi điều xấu xa. Biết sử dụng việc mượn nợ cho phép một số người kéo dài được thời gian cố gắng, một số thì thoát khỏi khó khăn và một số khác thậm chí còn kiếm được nhiều hơn. Đồng thời, nó cũng là con dao 2 lưỡi sắc nhọn đối với những người bị phụ thuộc vào các khoản vay này.
Tiền đề quan trọng để đưa ra cách thức giải quyết các vấn đề là mọi thứ phải xoay quanh 2 chữ “hợp lý”. Người trẻ không nên vì “sang mồm”, đua đòi cùng bạn bè hay sống ảo mà “chọn nợ để vay” thay vì cố gắng làm việc, tiết kiệm và xây dựng những kế hoạch phù hợp với bản thân.