Dấu ấu công nghiệp văn hóa Thủ đô năm 2023

Coi văn hóa là nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa, trong năm 2023, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để lại nhiều dấu ấn và ý nghĩa.

Đổi mới sản phẩm du lịch

Thực hiện chủ trương của Ðảng về phát triển công nghiệp văn hóa, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ; cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025, tháng 2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” (Nghị quyết số 09-NQ/TU).

Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến năm 2030, công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác...

Tiếp tục thực hiện chiến lược để hiện thực hóa mục tiêu trên, năm 2023 vừa qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động để lại dấu ấn. Đáng kể đến là việc tạo điều kiện tổ chức thành công 2 đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, thu hút một lượng lớn khách du lịch. Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong hai đêm diễn của Blackpink tại sân vận động Mỹ Đình, khoảng 170.000 khách đã đến Hà Nội, trong đó khách quốc tế đạt hơn 30.000 lượt. Khoảng 65% khách quốc tế có lưu trú, chủ yếu từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Australia. Các hoạt động du lịch tại Hà Nội hưởng lợi lớn trong hai đêm diễn của Blackpink, tổng thu từ du khách ước đạt 630 tỷ đồng.

Dấu ấu công nghiệp văn hóa Thủ đô năm 2023
Tour "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" trở thành sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội

Tiếp sau đó, Sở Du lịch Hà Nội ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm, trong đó có show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (huyện Quốc Oai); tour thăm quan Di tích nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm); Không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội; Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Không gian văn hóa Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; Khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình; Không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận, quận Hai Bà Trưng (giai đoạn 1); Rối nước Thăng Long, Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm)….

Nhiều doanh nghiệp lữ hành chia sẻ, việc ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm mang đến tín hiệu vui cho du lịch Thủ đô. Bên cạnh đó, nhiều địa chỉ như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám liên tục đổi mới cách tiếp cận, khai thác để biến các lĩnh vực văn hóa thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa.

Sức lan tỏa từ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Đáng kể đến, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra vào dịp cuối tháng 11/2023 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và hàng loạt địa điểm khác trên thành phố đã để lại dấu ấn chưa từng có. Chỉ trong 12 ngày, 250.000 du khách đã tham quan Lễ hội qua hơn 60 hoạt động vô cùng hấp dẫn. Sự kiện cũng tạo nên sự kết nối chặt chẽ trong lĩnh vực sáng tạo với 200 kiến trúc sư, nghệ sĩ,.. cùng tham gia, tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng sáng tạo.

Dấu ấu công nghiệp văn hóa Thủ đô năm 2023
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham quan các gian trưng bày tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Đánh giá về sự thành công của Lễ hội, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho biết, so với 2 năm trước, mùa lễ hội năm nay được coi là thành công bởi được lan tỏa và đã nâng tầm nhận thức của cộng đồng về ngành công nghiệp sáng tạo.

“Với một không gian di sản rộng như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Lễ hội có thể vươn tầm quốc tế chứ không đơn thuần là của một thành phố. Tuy nhiên, với những gì đang bắt đầu, sự tham gia đông đảo của cộng đồng sáng tạo, của chính quyền, của người dân…, chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai sáng hơn về những không gian sáng tạo của thành phố từ những di sản công nghiệp như thế này” – vị kiến trúc sư này nói.

Dấu ấu công nghiệp văn hóa Thủ đô năm 2023
Trình diễn nghệ thuật tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Theo thống kê, năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố. Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, Hà Nội đã và đang phát huy những giá trị đặc sắc của nguồn lực di sản văn hóa, đồng thời chứng minh vị thế, khả năng hòa nhập của Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Thái Sơn
Phiên bản di động