9 tháng năm 2024, du khách đến Hà Nội đạt 21,12 triệu lượt
Du khách hào hứng trải nghiệm tại Festival Thu Hà Nội Kỷ lục du khách vào Lăng viếng Bác Ngày Tết Độc lập 2.100 lượt chuyến bay sẵn sàng phục vụ du khách dịp Quốc khánh |
Tính riêng trong tháng 9, du lịch Hà Nội đón được 2,16 triệu lượt khách, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó khách du lịch quốc tế đạt 510,6 nghìn lượt khách, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa đạt 1,65 triệu lượt khách.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Thủ đô đã đón được 21,12 triệu lượt khách, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó khách du lịch quốc tế đạt 4,45 triệu lượt, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023, khách du lịch nội địa đạt 16,66 triệu lượt, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 9/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 64,3%, tăng 6,73 % so với cùng kỳ năm 2023, như vậy trong 9 qua công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 62,6%; tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Hà Nội có 3.761 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng, trong đó có 606 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao.
Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan và mua sắm. Lượng khách tăng cao nên tổng thu từ khách du lịch trong 9 tháng đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Khách quốc tế tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng |
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, từ nay đến hết năm 2024, đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như: du lịch thể thao mạo hiểm, trải nghiệm, du lịch ứng dụng thực tế ảo... Thúc đẩy phát triển du lịch MICE tại các địa điểm có lợi thế về nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, các chương trình lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế. Đổi mới xây dựng, phát triển, kết nối các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của Hà Nội.
Sở cũng chú trọng xây dựng, hoàn thiện kết nối các sản phẩm du lịch riêng lẻ thành chuỗi các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Mở rộng kết nối sản phẩm du lịch Thủ đô với sản phẩm du lịch đặc sắc của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Việt Bắc…
Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, sở cũng tính đến phương án phát triển các sản phẩm du lịch du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp Thủ đô kết nối với tuyến du lịch văn hóa tín ngưỡng Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) - Bái Đính - Tràng An (tỉnh Ninh Bình); sản phẩm du lịch văn hóa Thủ đô kết nối với tuyến du lịch biển, nghỉ dưỡng Cát Bà (Hải Phòng) - Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh); hình thành các tuyến du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng như tuyến Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu, tuyến Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên.