Yên Dũng - Bắc Giang: Đầu tư hạ tầng gắn với phát triển du lịch
Tháng 12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.
Nghị quyết này nhằm từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế của huyện với các loại hình du lịch như văn hóa - tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng, thể thao - giải trí và các sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của huyện.
Khung cảnh núi non kì vỹ, huyền ảo tại huyện Yên Dũng đã thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách về thăm quan, chiêm ngưỡng |
Qua đó, phấn đấu đến năm 2025, huyện Yên Dũng trở thành một trong những trung tâm du lịch của tỉnh Bắc Giang, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu trở thành huyện công nghiệp - dịch vụ - du lịch theo hướng hiện đại.
Xác định tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với sự phát triển ngành du lịch, huyện Yên Dũng đã tập trung nhiều nguồn lực, phối hợp với các cơ quan chuyên môn lập nhiều đồ án quy hoạch, xây dựng nhiều tuyến đường, tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn.
Cụ thể, huyện đã hoàn thành lập đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm với quy mô diện tích 40ha; lập quy hoạch chi tiết xây dựng đối với các dự án: Khu đô thị, dịch vụ, sinh thái cao cấp thông minh phía Nam thành phố Bắc Giang; khu đô thị, sân golf núi Nham Biền.
Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với Ban quản lý dự án các công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Bắc Giang trong việc đầu tư xây dựng dự án Cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu - tuyến đường kết nối 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, góp phần kết nối đồng bộ các điểm du lịch của huyện với Khu du lịch văn hóa tâm linh đền Kiếp Bạc; Khu du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái Côn Sơn.
Đồng thời, huyện cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc đề xuất Dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm; kêu gọi thu hút đầu tư khởi công xây dựng mở rộng, tu bổ, tôn tạo chùa Thiên Lai, đền Thanh Nhàn, chùa Kem ở thị trấn Nham Biền.
Hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng đã hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch tại huyện Yên Dũng |
Cùng đó, huyện cũng đã hoàn thành xây dựng đường giao thông kết nối điểm du lịch khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Kem và Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng; cải tạo, sửa chữa nâng cấp một số hạng mục chùa Vĩnh Nghiêm.
Ngoài ra, huyện cùng với Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng, triển khai thực hiện hoàn thành Đề án Trưng bày Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; phối hợp đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến tham quan chùa Vĩnh Nghiêm.
Về công tác tu bổ, tôn tạo, trong 3 năm đã có 22 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí khoảng 154,86 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh, huyện, xã hỗ trợ 23,336 tỷ đồng, còn lại là nguồn khác và xã hội hóa.
Song song với đó, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch của huyện được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương, của tỉnh, của huyện đã góp phần quảng bá du lịch đến với du khách.
Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Yên Dũng và các xã, thị trấn đã tích cực phối hợp với các cơ quan báo, đài của Trung ương, tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, tiềm năng phát triển du lịch và các giá trị văn hóa tiêu biểu của huyện.
Không những vậy, các đơn vị còn tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ thông qua các trang mạng xã hội facebook, zalo với nhiều nội dung cụ thể như: Văn hóa du lịch, kiến trúc nghệ thuật, không gian văn hóa lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, các sản phẩm phục vụ du lịch như tương Trí Yên, khoai lang, bánh đa.
Cùng với đó, huyện Yên Dũng cũng tập trung xây dựng các chuyên trang về du lịch Yên Dũng và chuyên trang về chùa Vĩnh Nghiêm, Mộc bản, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm trên Cổng Thông tin điện tử của huyện, thường xuyên cập nhật thông tin, tư liệu liên quan, góp phần tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng là điểm đến du lịch văn hoá - tâm linh hấp dẫn du khách |
Huyện Yên Dũng cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh, góp phần tuyên truyền rộng rãi về cảnh đẹp và con người Yên Dũng. Cùng với Nhà hát Tuồng Việt Nam xây dựng kịch bản, chương trình nghệ thuật với màn sử thi “Vĩnh Nghiêm - Linh thiêng chốn Tổ” có nhiều điểm nhấn mới, trong đó nhấn mạnh về con đường hoằng dương phật pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông gắn với lịch sử ra đời và phát triển của chùa Vĩnh Nghiêm. Phối hợp với Trung tâm Thông tin và xúc tiến Du lịch tỉnh Bắc Giang, đơn vị truyền thông tổ chức làm phim quảng bá du lịch tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện.
Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Yên Dũng cũng đã thực hiện 1 MV giới thiệu ca khúc “Yên Dũng quê hương tôi” của nhạc sĩ Vũ Duy Cương với những cảnh quay đẹp trên địa bàn huyện; đồng thời đặt hàng và mua bản quyền được 2 ca khúc về Yên Dũng.
Liên tiếp trong các năm từ 2020-2024, huyện Yên Dũng đã triển khai nhiều kế hoạch và tổ chức thành công nhiều chương trình như: Cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng (logo) huyện Yên Dũng; tổ chức “Đêm nhạc Phật” tại chùa Vĩnh Nghiêm và Lễ rước bộ Mộc bản “Cư Trần lạc đạo phú”, lễ rước bài vị Tam Tổ Trúc Lâm từ chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng lên chùa Hạ, chùa Thượng Tây Yên Tử, huyện Sơn Động.
Nét cổ kính chùa Vĩnh Nghiêm đã thu hút hạng hàng trăm nghìn lượt du khách về thăm quan hằng năm |
Đặc biệt, huyện Yên Dũng rất chú trọng tới công tác chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử, bước đầu thí điểm tại chùa Vĩnh Nghiêm và đạt những phản hồi hết sức tích cực từ du khách.
Cụ thể, huyện đã thực hiện sử dụng công nghệ chuẩn hóa nội dung số để tổng hợp các tài liệu giới thiệu về di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, lời thoại được thực hiện tự động (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) giới thiệu về di tích (gồm cổng vào, Tam quan, tòa Tam bảo, nhà Tổ đệ Nhất, gác chuông, nhà Tổ đệ Nhị, nhà Mẫu, hành lang Đông - Tây, nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản, khu vườn tháp); hình ảnh 360 độ, video quay toàn cảnh, cận cảnh chùa Vĩnh Nghiêm; phối hợp với Bảo tàng tỉnh tiến hành số hóa 3D tượng Phật chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Kem.
Với định hướng rõ ràng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sau 3 năm thực hiện huyện Yên Dũng đã đón khoảng 690 nghìn lượt khách tham quan, đạt 138% kế hoạch thực hiện Nghị quyết giai đoạn 2021-2025 (trong đó có 350 lượt khách quốc tế). Doanh thu từ dịch vụ du lịch 159,6 tỷ đồng, ước đạt 138,7 % kế hoạch thực hiện Nghị quyết giai đoạn 2021-2025.
Cây gạo hơn 100 năm tại Miếu Bà Cô, xã Lãng Sơn luôn hút khách đến chụp ảnh và vãn cảnh ngắm sông |
Nguồn nhân lực làm công tác du lịch cũng đã tăng lên đáng kể, trên địa bàn huyện đến nay có 763 người, trong đó: cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp 22 người; khối đơn vị kinh doanh 741 người, đạt 102% kế hoạch năm 2024; đạt 84,8 % so kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Thời gian tới, huyện Yên Dũng phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu lũy kế khách tham quan du lịch đạt khoảng 950.000 lượt người. Doanh thu từ dịch vụ du lịch lũy kế ước đạt khoảng 200 tỷ đồng.
Cùng với đó là tổ chức tốt công tác tuyên truyền quảng bá về tiềm năng du lịch và các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu của huyện; tạo điều kiện kêu gọi thu hút đầu tư vào các dự án lưu trú, nhà hàng, khách sạn tiêu chuẩn 3-4 sao; 100% các điểm du lịch có trung tâm thông tin phục vụ công tác đón tiếp khách.
Có thể thấy rằng, với những lợi thế sẵn có cùng với hướng phát triển phù hợp, ngành công nghiệp không khối của huyện Yên Dũng trong thời gian tới sẽ có thêm những bước phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế. Đồng thời từng bước đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, góp phần nâng tầm và đưa du lịch Yên Dũng nói riêng và Bắc Giang nói chung.