Đề xuất giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, tương đương mức giảm 900 đồng/lít từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng mỗi lít.
Chính thức tăng giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân

Ngày 8/6, Bộ Tài chính đã gửi công văn lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19; tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không bị tác động rất lớn của đại dịch, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo dự án này, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc xem xét, quyết định việc quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế hiện tại, áp dụng đến hết năm 2020.

de xuat giam 30 thue bao ve moi truong voi nhien lieu bay
Ảnh minh họa.

Như vậy đồng nghĩa với việc Bộ Tài chính đề giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, tương đương mức giảm 900 đồng/lít từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng mỗi lít.

Theo cơ quan soạn thảo, việc đề xuất giảm thuế này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phù hợp với nguyên tắc điều chính mức thuế bảo vệ môi trường tại Luật thuế bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường. Hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát ở Việt Nam, nhưng tình hình dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế nhập cảnh tại các quốc gia nhiều khả năng vẫn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

Hiện nay Việt Nam cũng chỉ cho phép nhập cảnh đối với người nước ngoài là các chuyên gia, nhà ngoại giao, chưa cho phép nhập cảnh đối với khách du lịch. Số lượng hành khách trong nước cũng như quốc tế sử dụng phương tiện vận tải hàng không là không nhiều. Trong khi, các hãng hàng không vẫn phải duy trì các chi phí như hệ thống, duy trì đội bay...

Do đó, việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không giảm bớt khó khăn, có thể góp phần để doanh nghiệp giảm giá các dịch vụ hàng không, từ đó góp phần khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ đi lại bằng đường hàng không; góp phần tăng số lượng khách, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch bệnh cho ngành hàng không; góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ.

Bên cạnh đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp vận hành hoạt động, từ đó góp phần duy trì, phát triển doanh nghiệp, góp phần gia tăng nhu cầu sử dụng lao động, hạn chế tình trạng cắt giảm lao động.

Về lâu dài, khi ngành hàng không vượt qua khung hoảng và phát triển thì có thể lượng lao động trong ngành hàng không sẽ tăng lên. Tuy nhiên, mức độ tác động cụ thể đến số lượng việc làm trong ngành hàng không còn phụ thuộc vào mức độ hồi phục, phát triển của ngành hàng không dựa trên nhiều yếu tố khác như mức độ công nghệ, kỹ thuật quản trị doanh nghiệp, …

Đánh giá về tác động thu ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện phương án giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giảm 900 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít (đảm bảo nằm trong khung thuế bảo vệ môi trường của nhiên liệu bay quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường).

Theo tính toán, số giảm thu ngân sách nhà nước ước tính khoảng 87,33 tỷ đồng/tháng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động