Dạy học trực tuyến: Từ giải pháp tình thế thành ưu điểm vượt trội

Sau gần 2 năm triển khai, việc dạy và học trực tuyến đã trở thành giải pháp lâu dài, bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục…
Bắc Giang cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến Phụ huynh Hà Nội nháo nhào tìm người trông con sau thông báo nghỉ học Hàng loạt tỉnh thành cho học sinh tạm dừng đến trường, tăng cường phòng dịch Covid-19 Các trường đại học kích hoạt lại biện pháp phòng dịch Covid-19

Dạy học trực tuyến là cần thiết

Cuối tháng 3 năm 2021, Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Thông tư được coi là hành lang pháp lý, chính thức công nhận hình thức dạy học trực tuyến.

Theo Bộ GD&ĐT, mục đích của dạy học trực tuyến là hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục. Hoạt động này cũng nhằm phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để các em được học ở mọi nơi, mọi lúc.

Dạy học trực tuyến: Từ giải pháp tình thế thành ưu điểm vượt trội
Học trực tuyến từ giải pháp tình thế trở thành ưu điểm vượt trội thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục Thủ đô

Nguyên tắc của dạy học trực tuyến là nội dung phải đáp ứng mức độ hoặc yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến. Cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên khi thực hiện hoạt động này cần tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân, sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật.

Đánh giá về ý nghĩa của Thông tư này, cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên là hết sức cần thiết.

Thông tư quy định hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề bám sát chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học. Hoạt động này có thể hỗ trợ dạy học trực tiếp và có thể thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục để bảo đảm chất lượng dạy học. Người đứng đầu cơ sở giáo dục được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng. Điều này rất phù hợp với tình hình thực tế về lâu dài chứ không phải chỉ khi có dịch bệnh như hiện nay.

Là phụ huynh, anh Trần Văn Minh (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ sự ủng hộ cao đối với hình thức học trực tuyến, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp như giai đoạn hiện nay. “Học trực tuyến giúp các con vẫn duy trì thói quen, nề nếp học tập, lại phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. duy trì chất lượng dạy và học. Đây cũng đang là xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Thực tế dạy và học trực tuyến thời gian qua cho thấy, nhiều giáo viên đã có sáng tạo, tổ chức bài giảng theo cách mới để học sinh dễ tiếp thu kiến thức” – anh Minh chia sẻ.

Nhà trường phải chuẩn bị kỹ các điều kiện

Là một trong những “điểm sáng” của ngành giáo dục quận Hà Đông trong việc tổ chức dạy và học trực tuyến, tại trường Tiểu học Văn Yên, việc học trực tuyến thu hút sự tham gia của gần 100% học sinh.

Cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Yên cho biết, để việc dạy học trực tuyến hiệu quả, giáo viên phải được tập huấn kỹ càng, thành thạo công nghệ và chuẩn bị giáo án chỉn chu, khối lượng kiến thức dạy trực tiếp phải được biên soạn lại phù hợp với hình thức dạy trực tuyến để thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, khiến các em hào hứng với bài giảng.

“Kỹ năng truyền tải của giáo viên, sự đồng thuận của phụ huynh là một trong những yếu tố then chốt giúp việc dạy và học trực tuyến được triển khai một cách thuận lợi ở nhà trường. Chính vì vậy, chúng tôi thường xuyên phải họp, trao đổi, nắm bắt tình hình, chia sẻ khó khăn cùng phụ huynh để từ đó tìm ra những giải pháp tháo gỡ có hiệu quả nhất”.

Dạy học trực tuyến: Từ giải pháp tình thế thành ưu điểm vượt trội
Để việc dạy học trực tuyến hiệu quả, giáo viên phải được tập huấn kỹ càng, thành thạo công nghệ...

Còn tại trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm), thời gian qua, nhà trường đã thông tin, tuyên truyền nội dung Thông tư đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và học sinh; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các nội dung liên quan đến quản lý, tổ chức dạy học trực tuyến, đặc biệt là các phần mềm dạy học trực tuyến.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền… để phục vụ dạy học trực tuyến. Nhà trường sẽ tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp ngay cả khi học sinh vẫn đến trường bình thường nhằm tạo thói quen, kỹ năng sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học trực tuyến cho cả giáo viên và học sinh.

Theo cô giáo Hoàng Thị Yến (Hiệu trưởng trường THCS Nam Từ Liêm), để dạy học trực tuyến hiệu quả, bên cạnh năng lực đội ngũ là sự bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền… Điều này rất cần sự vào cuộc của chính quyền, các cơ quan, tổ chức liên quan; sự đồng hành của cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh. Hoạt động thu chi học phí cho dạy học trực tuyến cũng cần được hướng dẫn để các nhà trường có căn cứ thực hiện và giáo viên yên tâm giảng dạy.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hoàn Kiếm) Ngô Kiều Linh cũng cho rằng, để hoạt động này đạt hiệu quả hơn cũng cần lưu ý thêm về mặt đường truyền Internet. Hiện nay, đôi khi vẫn xảy ra hiện tượng không đăng nhập được vì nhiều người sử dụng đường truyền học trực tuyến trong cùng một thời gian hoặc đang học bị thoát ra, bị gián đoạn, chất lượng hình ảnh, âm thanh kém.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động