Đặt mình vào vị thế người lao động để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng
Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp
Tại Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVII, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng đã trình bày tham luận về chủ đề: “Nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng trình bày tham luận tại Đại hội |
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động, thu hút 709 dự án đầu tư thứ phát, trong đó có 307 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đăng ký trên 6,3 tỷ USD và 402 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng; Tạo việc làm cho trên 164.000 người. Trong đó, lao động nước ngoài là 1.100 người, thu nhập bình quân của công nhân lao động Việt Nam từ 5,5 đến trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội hiện đang quản lý trực tiếp 341 Công đoàn cơ sở với trên 140 đoàn viên.
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, những năm qua, Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức phát động các phong trào thi đua: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến Thủ đô ”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”... đặc biệt là phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”.
Trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức 5 hội thi thợ giỏi trong công nhân lao động các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội với 5 nghề thi, thu hút 522 thí sinh dự thi.
Công đoàn Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức biểu dương khen thưởng 1.879 “Công nhân giỏi” và 1.811 “Sáng kiến, sáng tạo”. Liên đoàn Lao động thành phố tuyên dương khen thưởng 122 “Công nhân giỏi” Thủ đô; Ủy ban Nhân dân và Liên đoàn Lao động thành phố khen thưởng 127 “Sáng kiến Thủ đô”.
Thực tiễn hoạt động đã khẳng định phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò kỹ năng nghề nghiệp của công nhân, lao động; Đồng thời áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
Vì thế, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng kiến nghị thành phố khi tổ chức Hội thi thợ giỏi, nghiên cứu bổ sung thêm nhiều nghề thi hơn để đáp ứng nhu cầu của công nhân, lao động; Góp phần để hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động ngày càng phát triển vững mạnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Công tác chăm lo phải đúng người, đúng thời điểm
Tại Đại hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai Bùi Thị Ngọc Thủy đã trình bày tham luận về chủ đề: “Đổi mới công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn, đáp ứng yêu cầu tình hình mới”.
Trong những năm qua, LĐLĐ quận Hoàng Mai đã tạo được dấu ấn đối với người lao động và doanh nghiệp từ các hoạt động chăm lo thiết thực cho đoàn viên, người lao động. Cụ thể, trong 5 năm, LĐLĐ quận đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 2 “Mái ấm Công đoàn”, trị giá 230 triệu đồng; Tặng 6.800 suất quà, trợ cấp cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, trao 2.150 vé xe cho người lao động trị giá 5,6 tỷ đồng.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai Bùi Thị Ngọc Thủy trình bày tham luận |
Bên cạnh đó, LĐLĐ quận Hoàng Mai tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ 10.719 lượt công nhân lao động mắc bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Hoạt động “Cảm ơn người lao động” đã tổ chức tặng quà cho 23.700 lượt đoàn viên, người lao động, trị giá trên 18,5 tỷ đồng.
LĐLĐ quận đã hướng dẫn 27 Công đoàn cơ sở lập dự án, triển khai vay vốn từ quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình, đã giải ngân 11,67 tỷ đồng, tăng thêm thu nhập cho người lao động trung bình 1,5 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn với mục tiêu “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” đã tạo bước chuyển biến quan trọng tư duy về hoạt động công đoàn, đã có 5.438 đoàn viên được hưởng lợi với số tiền 1,1 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong 2 năm 2020, 2021 khi dịch COVID -19 bùng phát và ảnh hưởng trên diện rộng, LĐLĐ quận Hoàng Mai xác định đây cũng là cơ hội để công đoàn khẳng định vai trò đối với người lao động. Vì vậy, ngay lập tức, không quản ngại vất vả sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch, một mặt LĐLĐ quận trình phương án để tham mưu, đề xuất để Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 quận cấp vắc xin, tổ chức điểm tiêm riêng cho đoàn viên, thời điểm vắc xin đang khan hiếm, đã có 2 điểm tiêm riêng cho đoàn viên được LĐLĐ quận trực tiếp tổ chức với gần 6.000 mũi. LĐLĐ quận cũng đã vận động được 2 tỷ đồng máy móc, thiết bị phòng, chống dịch từ các doanh nghiệp ủng hộ cho cán bộ, chiến sỹ, nhân viên y tế và các chốt trực của quận.
LĐLĐ quận đã sáng lập mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp”, thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động 232 “Tổ An toàn COVID-19”; Tổ chức “Gian hàng lưu động 0 đồng”; Trao 6.015 túi an sinh cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; Hỗ trợ vật tư phòng chống dịch cho người lao động tại 38 doanh nghiệp trị giá gần 780 triệu đồng; Trợ cấp cho 1.126 đoàn viên, 590 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tổng kinh phí đã huy động, hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch là 5,4 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa là 3,4 tỷ đồng.
Từ thực tế việc đổi mới công tác chăm lo tại các cấp Công đoàn quận, Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàng Mai Bùi Thị Ngọc Thủy nhận định: “Muốn người lao động có tình cảm sâu sắc, tin tưởng và đến với tổ chức Công đoàn thì công tác chăm lo phải đúng người, đúng thời điểm. Cán bộ Công đoàn không được ngại khó, ngại khổ, phải đặt mình vào vị thế của người lao động để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, mong muốn của người lao động. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn phải tạo được sự khác biệt rõ trong chăm lo giữa đoàn viên và người lao động, đảm bảo quyền an sinh xã hội, gắn kết giữa đoàn viên và tổ chức Công đoàn, giữ chân được đoàn viên và thu hút người lao động đến với tổ chức Công đoàn”.