Nghiên cứu cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tham gia xây nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân...
Cần đặt ra mức giá trần cho nhà ở xã hội Nhà ở xã hội sẽ "đội giá" nếu nâng định mức lợi nhuận cho doanh nghiệp

Nghiên cứu quy định Tổng Liên đoàn lao động tham gia xây nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời ý kiến cử tri về việc xem xét cho tổ chức công đoàn Việt Nam tham gia vào gói 120.000 tỷ đồng Chương trình tín dụng triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Theo Bộ Xây dựng, ngày 11/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trong đó để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đã đề ra chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2030) để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.

Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ban hành Văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này và văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 hướng dẫn về nguyên tắc, thời gian triển khai, thời gian ưu đãi, lãi suất…

Cụ thể, đối với trường hợp cá nhân mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải thuộc đối tượng quy định theo Luật Nhà ở và điều kiện phải có hợp đồng mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo quy định pháp luật về nhà ở.

Nghiên cứu cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tham gia xây nhà ở xã hội
Hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhưng ít đến tay công nhân.

Đối với trường hợp chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải có trong danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân do UBND cấp tỉnh công bố và phải đảm bảo các điều kiện đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về nhà ở.

Đồng thời dự án phải có quyết định giao đất hoặc đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; đã được cấp phép xây dựng hoặc được miễn cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng.

Theo Bộ Xây dựng, căn cứ các quy định nêu trên, tổ chức công đoàn không phải là đối tượng được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, đối với cá nhân là đoàn viên công đoàn có nhu cầu vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tổ chức công đoàn căn cứ các quy định nêu trên có thể phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ cung cấp thông tin, hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng này được vay vốn.

Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, cơ quan này đang nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê.

Trường hợp quy định này và Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có thể được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và được vay gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.

Tổng Liên đoàn Lao động tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân là rất cần thiết

Trước đó, tại phiên giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) diễn ra cuối tháng 8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay, cơ quan này đã có buổi làm việc để giải trình nhiều vấn đề với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và nhiều lần làm việc với Bộ Xây dựng để thảo luận, trao đổi, thống nhất về vấn đề này.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, đề xuất Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn.

Nghiên cứu cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tham gia xây nhà ở xã hội
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu.

Về mặt lý luận và sự cần thiết, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, một trong các vấn đề mà công nhân, người lao động quan tâm hàng đầu hiện nay là nhà ở. Vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề của công nhân như điều kiện ăn ở, sức khỏe, môi trường sống, chăm sóc con cái, an ninh an toàn, xử lý các tình huống khủng hoảng như dịch bệnh COVID-19 vừa qua, tạo an tâm cho người lao động để gắn bó với doanh nghiệp…

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho công nhân rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội nói chung, thì rõ ràng rất cần thiết chúng ta phải thiết kế một đạo luật có khả năng thu hút và giải phóng nguồn lực để huy động mọi lực lượng xã hội, trong đó có Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân.

Trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Nhà nước cần tạo cơ chế để Công đoàn tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò, thể hiện những ưu việt, thế mạnh trong thu hút, tập hợp người lao động, gắn bó mật thiết với đoàn viên.

Về mặt thực tiễn, trước thực trạng bức xúc về nhà ở của công nhân, theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sau này sửa đổi thành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg và Quyết định số 1729/QĐ-TTg được lãnh đạo và nhân dân các địa phương, nhất là công nhân rất ủng hộ, mong chờ. Đến nay đã có 36 địa phương giới thiệu địa điểm khu đất cho Tổng Liên đoàn, trong đó có 13 đơn vị đã phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Ông Hiểu cho biết, định hướng đầu tư của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đó là chỉ xây dựng để cho thuê, với một số lượng rất ít trong nhu cầu lớn về nhà ở của công nhân. Đầu tư được ưu tiên ở những địa bàn cần kíp, khó khăn, có tính chất tượng trưng, vừa tham gia giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho công nhân, vừa khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn để tập hợp người lao động.

“Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân vừa là vấn đề an sinh xã hội, vấn đề kinh tế, thúc đẩy đoàn viên, người lao động gắn bó với doanh nghiệp, đó còn là vấn đề có ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức công đoàn. Từ đó giúp công đoàn làm tròn sứ mệnh của mình”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động