Đào vàng ở Điện Biên - Bài 1: Nuôi mộng đổi đời từ vàng ở Phì Nhừ

Nguồn nước bị ô nhiễm, an ninh trật tự mất ổn định, nguy cơ sập hầm là ẩn họa khó lường... Đó là những hệ lụy từ nạn khai thác vàng trái phép tại địa bàn bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và “nóng” từ những tháng đầu năm nay.  
Yên Bái: Thực hư tin đồn người dân ùn ùn lên núi đào đá quý đổi đời Sa Pa: Du lịch khởi sắc, nhiều phận đời đổi thay

Nhiều người nuôi mộng giữa ban ngày…

Kể từ thời điểm Công ty Cổ phần công nghiệp Molybden Việt Nam (Công ty Molybden) dừng hoạt động khai thác, bất chấp các hiểm nguy rình rập, rất nhiều người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã kéo về mỏ vàng Háng Trợ để tìm kiếm vận may, tận thu, khai thác vàng trái phép.

Không có thiết bị bảo hộ lao động, dụng cụ đào bới thô sơ nhưng họ vẫn cần mẫn đào bới từng mạch đá, từng hầm vàng còn sót lại, với hy vọng tìm kiếm được vàng.

bai 1 nuoi mong doi doi tu vang o phi nhu
Người dân miệt mài tìm "giấc mơ đổi đời"

Có mặt tại mỏ vàng Háng Trợ ngày 20/3 vừa qua, chúng tôi được “phu vàng” ở đây chia sẻ: Cứ chịu khó “đào” là có tiền, ít thì cũng kiếm được vài trăm, khá hơn thì cũng được tiền triệu mỗi ngày, thời gian trước đã có người được cả trăm triệu, đi đào vàng cũng vất vả nhưng hơn hẳn việc làm nương. Nhiều người đi đào vàng cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn, sắm ti vi, đầu quay video, mua xe máy...

Anh Vàng A Vư, một “phu vàng” mới ở mỏ vàng Háng Trợ, người mà năm 2017 là cán bộ văn hóa xã Phì Nhừ đã trực tiếp làm “hoa tiêu” dẫn chúng tôi thâm nhập bãi vàng này, nay không còn là cán bộ xã, anh Vư cũng đã chuyển sang “nghề” săn vàng để mong đổi đời. Anh Vư kể: Vài năm trước, trong bản có “phu” số đỏ đào được cả cục vàng, ước tính cả trăm triệu, nhanh chóng “phất như diều gặp gió”. Ở xã bây giờ nhiều người bỏ cả nương rẫy, đua nhau đi đào vàng, mua sắm cả máy nghiền đá bột làm vàng. Thậm chí có nhà mua hẳn 4 máy về làm.

bai 1 nuoi mong doi doi tu vang o phi nhu
Một lối đi vào nơi khai thác vàng

Theo quan sát của phóng viên, trên các vách núi dựng đứng, hàng trăm hầm, lò đã được “phu vàng” đánh dấu, miệng hầm khai thác vàng rộng khoảng hơn 1,2m, cao tầm 1,5m. Còn chiều dài của hầm theo tiết lộ của “phu vàng” khoảng 50-60m. Bên trong hầm nham nhở những mảng đá màu xám. Hầm không được gia cố bằng hệ thống chống đỡ. Điều đáng nói là gần như không ai trong số các “phu vàng” có thiết bị bảo hộ lao động. Họ men theo các vách đá dựng đứng hay chui vào những hầm lò Công ty đã khai thác trước đây, họ lao vào tìm vàng bất chấp nguy hiểm có thể đổ sập xuống đầu bất cứ lúc nào.

Không biết giấc mơ vàng có trở thành hiện thực hay không nhưng đã có những mạng người phải gửi lại nơi thâm sơn cùng cốc vì sập hầm, lở đất. Dẫu vậy, người dân hình như chẳng sợ điều đó, bởi nhiều người trong số họ… vì nghèo mới đến. Ngày ngày, tiếng ghè đẽo vẫn vang lên chát chúa phá tan sựu tĩnh lặng nơi rừng sâu, mặc cho giấc mộng đổi đời từ vàng chất chứa đầy hiểm nguy…

Ô nhiễm nghiêm trọng từ giấc mộng vàng

Kể từ ngày Công ty Molybden tiến hành khai thác mỏ vàng tại bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ, dòng suối Khó Sâu dài gần 10km, bắt nguồn từ bản Háng Trợ, chảy qua một số bản lân cận rồi chảy qua khu dân cư bản Nà Ngựu, xã Phì Nhừ, trước khi đổ vào sông Mã (khu vực tiếp giáp với xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông) nhiều năm trở lại đây không có ngày nào nước trong. Dòng nước đục ngầu, đỏ quạch bùn đất, khiến người dân chật vật tìm kiếm nước sạch để dùng trong sinh hoạt, phục vụ cuộc sống.

bai 1 nuoi mong doi doi tu vang o phi nhu
Hậu quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ đào vàng

Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn ô nhiễm này là do trong quá trình khai thác mỏ vàng của C,ty Molybden ở khu vực đầu nguồn nước, khối lượng đất, đá phát sinh quá lớn, chảy xuống lấp một phần dòng suối Khó Sâu. Cùng với nước thải sinh hoạt của hàng trăm công nhân và những người dân khai thác vàng trái phép được thải trực tiếp xuống suối kết hợp với các loại chất thải như dầu, mỡ từ các phương tiện máy móc thải ra môi trường đều đổ dồn về suối làm cho dòng suối Khó Sâu thêm ô nhiễm nặng nề.

Sau khi Công ty Molybden giải thể và bị rút giấy phép khai thác, trong khi tỉnh Điện Biên chưa thực hiện đóng cửa mỏ, chưa triển khai các biện pháp phục hồi, cải tạo môi trường thì tình trạng người dân tiếp tục vào tận thu, khai thác lấy quặng và chế biến vàng trái phép càng khiến cho nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Bởi để có được vàng theo phương pháp thủ công, người dân đã không ngần ngại dùng thủy ngân để “bắt” vàng. Nước thải đổ trực tiếp ra suối khiến cho dòng suối Khó Sâu càng trở nên độc hại.

Ông Lầu A Sếnh, bản Cồ Dề, xã Phì Nhừ, một “phu vàng” có thâm niên 10 năm nay, vì không còn làm nên ông Sếnh không ngần ngại chỉ cho chúng tôi cách “bắt vàng” mà người dân nơi đây vẫn thường làm: Sau khi đá xay ra, để lấy được vàng thì phải dùng thủy ngân để bắt. Sau đó đốt lên thì được hỗn hợp vàng và bạc, còn để có được vàng nguyên chất thì phải thêm một số hóa chất nữa…

Theo phu vàng tên Vàng A Lá, bản Chua Ta, xã Phì Nhừ cho biết: Khoảng 2 năm trở lại đây, do chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng của huyện thỉnh thoảng vào kiểm tra, phát hiện và thu giữ máy móc nên gần như không ai chế biến tại mỏ nữa mà vào đào quặng rồi chở ra bên ngoài xay nghiền.

Dù việc xay nghiền tại chỗ đã giảm và gần như không còn nhưng để có được những khối quặng có vàng, người dân đã thay đổi phương thức tìm kiếm vàng bằng cách đắp đất, be bờ hoặc căng bạt ni-lông thành những túi nước có dung tích chứa lên đến hàng chục khối ở những nơi càng cao càng tốt, rồi gom nước từ đầu nguồn con suối đổ vào đến khi đầy thì xả cho nước chảy xuống núi. Sau đó, người dân xuôi theo đường dòng nước chảy để tìm quặng.

bai 1 nuoi mong doi doi tu vang o phi nhu
Hằng ngày vẫn có nhiều "phu vàng" nuôi giấc mộng đổi đời

Hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự mà còn gây ô nhiễm môi trường. Lượng hóa chất độc hại như thủy ngân, xyanua và các chất phụ gia được các đối tượng vận chuyển đến đây để lắng lọc vàng, sau đó xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, đất, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân địa phương. Nhiều cây rừng đã bị triệt hạ để tạo mặt bằng hoặc làm lán trại, rừng phòng hộ có nguy cơ bị xâm hại làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Việc đào hầm để tìm kiếm vàng còn tiềm ẩn nguy cơ sập hầm, đe dọa đến tính mạng con người bất cứ lúc nào.

Liên quan đến vấn nạn khai thác vàng trái phép ở bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật đã liên hệ với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Điện Biên để tìm câu trả lời nhằm sớm có biện pháp ngăn chặn xử lý dứt điểm tình trạng khai thác trái phép nói trên.

(Còn nữa...)

Anh Xuân - Mai Khôi
Phiên bản di động