Từ lâu quần chúng Nhân dân đã tích cực tham gia, đồng hành cùng Đồn Biên phòng Mường Pồn trong công tác tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn bản. Họ vẫn được ví như “cánh tay nối dài” giữa cán bộ với Nhân dân các dân tộc vùng biên giới, góp phần quan trọng giúp đồng bào hiểu hơn về chủ trương, chính sách của Nhà nước và bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc.
Giữa sân Đồn Biên phòng Mường Pồn, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong gió, chỉ tay về phía những ngọn đồi cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, Đại úy Nguyễn Hữu Hiệp - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Pồn nói vui: “Nếu huy động tất cả cán bộ, chiến sĩ của Đồn đứng mỗi người cách nhau 20 mét cũng không thể hết được chiều dài tuyến biên giới Đồn được giao quản lý”.
Đoàn các phóng viên, nhà báo của chúng tôi liền đặt ra câu hỏi, vậy làm sao để có thể kiểm soát tất cả được đường mòn, lối mở trong công tác quản lý đường biên. Trả lời cho câu hỏi này, Thiếu tá Đặng Văn Toan - Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Pồn cho biết: “Thực tiễn trong công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta đã chứng minh, một trong những yếu tố không thể thiếu để chiến thắng mọi kẻ thù chính là chiến lược “Tận dân vi binh”, xây dựng mỗi người dân là một chiến sĩ và “Bách tính giai binh” nghĩa là trăm họ đều là binh.
Đảng bộ Đồn Biên phòng Mường Pồn tổ chức Đại hội lần thứ I nhiệm kỳ 2020-2025 |
“Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, chúng tôi đã thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”, là bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để tuyên truyền cho dân bản bằng thứ tiếng của đồng bào, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của họ để tích cực chăm lo, giúp đỡ Nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây “cột mốc lòng dân” trong bảo vệ biên giới”, Thiếu tá Đặng Văn Toan nói.
Nói thêm, Thiếu tá Nguyễn Hữu Bang - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Pồn chia sẻ, những năm qua, Đồn luôn quán triệt, triển khai nghiêm túc các mệnh lệnh, chỉ thị của Chỉ huy trưởng về nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới năm 2023, 2024; bảo vệ tuyệt đối an toàn biên giới, địa bàn trong mọi tình huống đặc biệt là vào các thời gian diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Cụ thể, về phối hợp tổ chức tuần tra, Đồn Biên phòng Mường Pồn đã tổ chức được 9 lần/88 lượt cánbộ chiến sĩ tham gia; tuần tra tiếp giáp với Đồn 423 được 1 lần/16 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia; phối hợp với công an, dân quân 2 xã Mường Pồn và Hua Thanh tuần tra kiểm soát địa bàn 25 buổi/148 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia.
Qua kiểm tra, đường biên nguyên vẹn theo đúng nghị định, chưa phát hiện thấy các hoạt động lấn chiếm biên giới và các hoạt động khác liên quan đến xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia.
Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội làm việc tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên |
Với phương châm “mỗi người dân là một cột mốc sống”, Đồn Biên phòng Mường Pồn luôn phát huy hiệu quả các tập thể, hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới, công trình biên giới và tổ tự quản an ninh, trật tự ở khu vực biên giới. Thực hiện tốt vai trò của đội ngũ cốt cán, chức sắc, chức việc trong tôn giáo, người có uy tín, già làng, trưởng bản trong vận động Nhân dân tham gia bảo vệ biên giới.
Từ những việc làm thiết thực đã huy động sức mạnh của đồng bào các dân tộc tích cực tham gia cùng với lực lượng vũ trang tỉnh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Nhìn những bước chân mạnh mẽ, vững chãi của lính biên phòng lúc xuất quân, chúng tôi thấy rõ sự quyết tâm, lòng tự hào, trách nhiệm của những người lính với biên giới quê hương và cuộc sống bình yên của Nhân dân. Súng trên tay, ba lô trên vai, tư tưởng luôn kiên định... họ luôn quyết tâm gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Là người con của vùng đất biên giới, hiểu về từng ngọn núi, gắn bó với từng cột mốc biên cương, mỗi người dân biên giới được ví như “cột mốc sống”, “tai mắt” trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Trong những ngày làm việc tại tỉnh Điện Biên, chúng tôi được gặp rất nhiều người mang trái tim “nóng”, họ ý thức, trách nhiệm cao với chủ quyền mốc giới của quê hương.
Như Hờ A Cờ (sinh năm 1992) - Trưởng bản Pá Chả (xã Mường Pồn), anh là người thường xuyên tham gia tuần tra đường biên, cột mốc cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn.
Lính Biên phòng Mường Pồn hỗ trợ Nhân dân làm nhà |
Trong chuyến tham gia tuần tra, anh Hờ A Cờ đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho chúng tôi với những bước đi rất nhanh nhẹn, thoăn thoắt như con sóc rừng. Mặc dù tuổi còn trẻ, nhưng Hờ A Cờ đã có thâm niên nhiều năm tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Anh cũng là người tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân về ý thức bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia từ cột mốc 87-89.
Cách vị trí cột mốc gần 10km, đều đặn hằng ngày, người con Điện Biên lại đều đặn thực hiện công việc đi tuần, phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào đáng nghi, anh Hờ A Cờ lập tức báo về cho các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Mường Pồn.
Hành trang tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới, ngoài những vật dụng đi rừng cần thiết, anh Hờ A Cờ còn mang theo can nước sạch để lau chùi cột mốc, đảm bảo cột mốc luôn sạch sẽ. Bất kể thời tiết nắng nóng hay mưa rét, hằng ngày trên chuyến lên nương, anh lại lên thăm, kiểm tra cột mốc. Dấu chân của anh đã quá đỗi thân quen, in đậm trên cung đường rừng này.
“Tôi cũng tuyên truyền để bà con hiểu ra rằng việc bảo vệ đường biên, cột mốc là bảo vệ bản làng, quê hương. Biên giới phải ổn định thì người dân mới yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế…”, anh Hờ A Cờ cho hay.
Không chỉ có Trưởng bản Hờ A Cờ, mà tại bản Pá Chả, người ta còn nhắc đến người nông dân tên Hờ A Tỉnh.
Anh Hờ A Tỉnh cho biết, thường ngày, anh làm việc, sinh sống ở nơi chỉ cách nước bạn một đường biên, bên này là đất mình, bên kia là đất bạn. Vì vậy, tình hình an ninh ở đây khá phức tạp, nên ngày nào dù bận mấy anh cũng đều đi tuần biên giới, đến thăm cột mốc.
Mỗi lần đi kiểm tra cột mốc, anh Hờ A Tỉnh thường chủ động quan sát nắm bắt tình hình thông qua lao động sản xuất trên nương rẫy, trong sinh hoạt nếu bất kỳ có sự thay đổi nào liên quan đến đường biên, mốc giới cũng đều được bà con kịp thời phát hiện, thông báo cho đơn vị, chính quyền địa phương để kịp thời có phương án xử lý.
Anh Hờ A Tỉnh kể, mỗi lần chạm tay vào cột mốc chủ quyền, nơi có hai chữ Việt Nam là người con bản Pá Chả lại thấy bồi hồi xúc động.
biên “Có đứng cạnh, tận mắt nhìn thấy, tận tay sờ lên cột mốc - nơi có in hai chữ Việt Nam mới thấy hết được sự thiêng liêng của cột mốc chủ quyền. Từ đó tôi càng nhắc nhở bản thân phải có trách nhiệm bảo vệ. Tôi sẽ còn làm công việc này đến khi chân không thể đi, mắt không thể nhìn”, anh Hờ A Tỉnh nói với giọng tự hào. Theo Thiếu tá Nguyễn Hữu Bang - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Pồn, anh Hờ A Cờ và anh Hờ A Tỉnh là người biết rất rõ về các cột mốc vùng biên, các anh còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong bản cùng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, khi có người lạ xâm nhập hoặc có dấu hiệu khả nghi trên biên giới thì người dân trong bản kịp thời báo cáo cho đơn vị biết để xử lý. Qua tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân khu vực biên giới được nâng lên rất nhiều. Người dân xác định được vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia, của hệ thống đường biên nên luôn sẵn sàng đồng hành với lực lượng chiến sĩ biên phòng trong tuần tra, bảo vệ đường biên, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. |
Để làm tốt nhiệm vụ đó, Đồn Biên phòng Mường Pồn thường xuyên tổ chức duy trì các hoạt động trao đổi tình hình với lực lượng bảo vệ biên giới của Lào, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình bảo vệ biên giới của mỗi bên theo đúng các hiệp định, hiệp nghị mà các bên đã ký kết.
Thời gian tới, những người lính của Đồn Biên phòng Mường Pồn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia quản lý bảo vệ biên giới, huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các đường nhánh lên kiểm tra các cột mốc còn lại. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân đi lại canh tác thuận tiện, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào ở khu vực biên cương Tổ quốc.
Bài viết + Đồ họa: Quỳnh Giang |
Bài viết liên quan: